Tìm tiếng nói chung trên Biển Đông

Thứ năm - 05/11/2015 21:46 - Đã xem: 816
Trong khi Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) ngày 3.11 thảo luận về rất nhiều vấn đề như thiên tai, khủng bố, an ninh mạng... thì bên lề hội nghị, các phóng viên chỉ tập trung vào một vấn đề duy nhất: Biển Đông.
Hội nghị chỉ thật sự nóng lên tại buổi họp báo cuối ngày 3.11 do Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein chủ trì. “Chiến dịch tự do hàng hải của quân đội Mỹ tuần qua đã đạt được kết quả tốt. Ý kiến của Malaysia và các nước ASEAN thế nào về vấn đề này?”, một phóng viên khơi mào. Bộ trưởng Hishammuddin cho rằng bất cứ sức mạnh nào có vai trò quan trọng đến việc gìn giữ hòa bình cho khu vực đều cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là những thế lực đó không nên làm tình hình rối ren và u ám hơn. Vì vậy, sự hiện diện của họ cần được hợp tác và theo dõi bởi các nước thành viên trong khu vực.
Trước câu hỏi “Mỹ vừa tuyên bố sẽ tăng cường hoạt động tự do hàng hải bằng cách tuần tra Biển Đông hai lần/quý. Việc này có nguy cơ làm tăng sự nghi kỵ và sức ép lên tình hình xung đột trong khu vực không?”, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia trả lời rằng tàu bè hoàn toàn có quyền hiện diện trên vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế. Sức ép và nguy cơ xung đột chỉ có thể xảy ra khi các nước ASEAN không có một hướng nhìn và tiếng nói chung.
Ông Hishammuddin nói: “Khi chúng ta bắt tay nhau để tạo nên một khối đoàn kết thống nhất chứ không phải là phản ứng riêng lẻ của từng nước, thì quyền quyết định sẽ không chỉ tùy thuộc vào các vị bộ trưởng quốc phòng vì chúng ta phải đưa ra những quyết định dựa trên lịch sử, luật pháp quốc tế và nhất là sự thống nhất quyết định của tất cả thành viên trong khu vực để đảm bảo lợi ích và hòa bình cho mọi người”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Hishammuddin, nỗi lo lớn nhất của các bộ trưởng ASEAN bây giờ là nguy cơ xảy ra những tình huống cũng như sự cố ngoài ý muốn trên vùng biển khu vực và từ đó khủng hoảng sẽ xảy ra.
Bên lề hội nghị, thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Trưởng đoàn quan chức cao cấp VN, cũng nói với các phóng viên VN rằng bên cạnh việc chia sẻ những vấn đề an ninh chung, đoàn VN cũng khẳng định những vấn đề trên Biển Đông cần được tuân thủ luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, cũng như hướng tới nhanh chóng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN.
“Các nước ASEAN đều mong muốn có một khu vực an toàn, ổn định. Vì thế, đối với các tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông, việc thượng tôn pháp luật quốc tế là một trong những quan điểm xuyên suốt của ASEAN”, ông nói.
Lập đường dây nóng
Ngày 3.11, ADMM đã bàn bạc về việc thành lập Nhóm chuyên gia an ninh mạng theo cơ chế hợp tác với các nước đối tác. Bên cạnh đó, các bộ trưởng quốc phòng cũng tán thành đề xuất thành lập Lực lượng quân đội phản ứng nhanh hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR). Ngoài ra, các nước ASEAN đã ký kết Sáng kiến liên lạc trực tiếp (DCL), tức đường dây nóng giữa bộ trưởng quốc phòng các nước để có thể nhanh chóng liên lạc khi có tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng xảy ra trong khu vực. Đặc biệt, ASEAN đã thảo luận về việc xây dựng Bộ quy tắc tránh va chạm ngẫu nhiên trên biển (CUES) dựa trên sự tương tác giữa quân đội các nước thành viên.
Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra sát đảo nhân tạo
Phát biểu tại Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 3.11, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris khẳng định Washington sẽ tiếp tục cho tàu hải quân tuần tra sát đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, theo tờ Stars and Stripes. Ông Harris còn cảnh báo những “tuyên bố chủ quyền mơ hồ” dựa trên đường chín đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông gây thách thức cho tự do đi lại ở khu vực, theo AFP. Trước khi ông Harris phát biểu tại Bắc Kinh vài giờ, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với Reuters rằng hải quân nước này có kế hoạch thực hiện các sứ mệnh tự do hàng hải ở Biển Đông ít nhất 2 lần/quý.
Văn Khoa

Lam Yên 

(từ Kuala Lumpur)

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây