Bà Bidhya Devi Bhandari thuộc đảng Cộng sản Marxist-Leninist Thống nhất Nepal đã nhận được 327 phiếu so với 214 phiếu dành cho đối thủ của bà tại quốc hội hôm 28.10, Chủ tịch Quốc hội Onsari Gharti tuyên bố.
Tổng thống là nguyên thủ theo nghi lễ của Nepal, trong khi thủ tướng là người lãnh đạo đất nước.
Bà Bhandari, 54 tuổi, là phó chủ tịch đảng do Thủ tướng Khadga Prasad Oli đứng đầu, vừa được bầu vào chức vụ này hồi đầu tháng 10 và lãnh đạo một chính phủ liên minh. Hiến pháp mới được thông qua tháng trước đòi hỏi Nepal bầu một tổng thống mới.
Bà Bhandari là một nhà vận động năng nổ cho nữ quyền ở Nepal và là một trong những chính trị gia vận động cho việc đảm bảo quyền của phụ nữ trong hiến pháp mới. Văn kiện này quy định 1/3 thành viên quốc hội phải là phụ nữ, và tổng thống hoặc phó tổng thống phải là một phụ nữ.
Nepal là một xã hội có truyền thống gia trưởng mà ở đó phụ nữ bị giới hạn làm việc tại nhà hoặc nông trại, nhưng quốc gia này đang cố gắng trao thêm nhiều quyền cho nữ giới.
Chỉ mới tuần rồi, bà Gharti đã được bổ nhiệm làm nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên.
Hiến pháp mới được thông qua hồi tháng 9 cũng nói rằng phụ nữ cần được đưa vào tất cả các ủy ban của chính phủ và các hội đồng bao gồm quốc hội và những nghị viện cấp bang.
Bà Bhandari đã trở thành một nhân vật chính trị quan trọng kể từ khi chồng bà, ông Madan Bhandari, khi đó được bầu làm lãnh đạo đảng, thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi hồi năm 1993 mà cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Bà cũng lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình chống lại Quốc vương Gyanendra hồi năm 2006 và cuối cùng dẫn đến việc chấm dứt chế độ chuyên quyền và khôi phục nền dân chủ tại quốc gia Nam Á này.
Bà Bhandari là tổng thống thứ hai của Nepal kể từ khi nước này trở thành một nước cộng hòa sau khi bãi bỏ chế độ quân chủ kéo dài nhiều thế kỷ. Tổng thống đầu tiên, ông Ram Baran Yadav được bầu vào năm 2008 và được cho là đã cầm quyền 2 năm; nhưng quá trình chuẩn bị và thông qua hiến pháp mới kéo dài đến 7 năm do những khác biệt giữa các đảng phái chính trị.
Trùng Quang