Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo

Thứ tư - 02/07/2014 00:24 - Đã xem: 982
Năm nay Trung Quốc tổ chức các hoạt động kỉ niệm 60 năm ngày ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Mianma ký kết Hiệp định “5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” và 60 năm ngày hai nước Trung – Ấn ký kết “Hiệp định Pancasila”, tức Hiệp định thông thương giữa Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc với Ấn Độ. Nhưng nhìn lại lịch sử cho thấy Trung Quốc nói và làm không đi đôi với nhau.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có lịch sử quan hệ lâu dài, tuy nhiên kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949 tới nay, mối quan hệ hai nước trải qua nhiều thăng trầm và cũng nhiều ân oán, nhất là vấn đề tranh chấp biên giới và vấn đề Tây Tạng cho dù đã ký với nhau Hiệp định “5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” và “Hiệp định Pancasila. Qua bằng chứng lịch sử, nhiều học giả đều cho rằng Trung Quốc nói và làm khác nhau, ngôn hành bất nhất.

Hiện nay hai nước vẫn tồn tại nhiều vấn đề mà chưa thể giải quyết được, nhất là vấn đề tranh chấp biên giới và vấn đề Tây Tạng. Hai vấn đề này là các tác nhân làm quan hệ hai nước nhiều khi căng thẳng, chủ yếu từ phía Trung Quốc họ nói và làm không nhất quán.

Tây Tạng vốn là nước có nền độc lập cách đây hơn 2000 năm. Thế kỷ 13 khi quân Nguyên Mông tấn công các nước thì đưa Tây Tạng nằm trong sự thống trị của Triều Nguyên. Tuy nhiên, sự quản hạt này chỉ trên danh nghĩa, trên thực tế hầu như không có quan hệ gì. Tới Triều nhà Thanh cũng đưa Tây Tạng vào bản đồ Trung Quốc và coi là đất của Trung Quốc. Nhưng tới năm 1913 Tây Tạng  tuyên bố độc lập. 


Ấn - Trung vẫn còn nhiều ân oán

Ngày 6/10/1950, Quân đoàn 18 thuộc Dã chiến quân số 2 của Trung Quốc đưa hơn 30.000 quân mở “Chiến dịch Xương Đô” đánh chiếm Tây Tạng, giết hơn  4.000 binh sĩ Tây Tạng, bắt sống hơn 2600 binh sĩ  trong đó có Tổng đốc Ngawang Jigme.  Tháng 4/1951, Ngawang Jigme cùng 5 người khác được áp tải về Bắc Kinh. Ngày 23/5/1951 tại Bắc Kinh, Ngawang Jigme bị bắt ép ký kết cái gọi là “Hiệp định Trung Quốc hòa bình giải phóng Tây Tạng”, nhưng ông không được phép thông báo cho dân chúng Tây Tạng cũng như quan chức Tây Tạng biết. Dalai Lama, lãnh tụ của Tây Tạng ngày 27/5/1951 mới biết được thông tin này qua Đài phát thanh Trung Quốc.

Bởi vậy, Dalai Lama không thừa nhận một “Hiệp định ký kết dưới mũi súng” ở Bắc Kinh áp đặt cho dân Tây Tạng. Ngày 20/6/1959, Chính phủ Tây Tạng do Dalai Lama cầm đầu tuyên bố bác bỏ Hiệp định này và tiến hành cuộc khởi nghĩa giành độc lập, nhưng bị Trung Quốc đàn áp đãm máu, nên đã cùng hàng nghìn người bỏ chạy sang sống lưu vong tại Dharamsala ở Ấn Độ thành lập Chính phủ lưu vong tới ngày nay. Kể từ đó, phía Trung Quốc đòi Ấn Độ phải trục xuất, thanh toán “Tây Tạng lưu vong”, tức Dallai Lama sống lưu vong, nhưng phía Ấn Độ cực lực phản đối, cho rằng họ vì chính nghĩa, đấu tranh cho nền độc lập của Tây Tạng  mà phải sống lưu vong. Bởi vậy,  “Vấn đề Tây Tạng và Dalai Lama” hiện trở thành vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước. 

Rõ ràng, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Tây Tạng, nhưng lại nói là “hòa bình giải phóng Tây Tạng” qua hiệp thương với chính quyền Tây Tạng. Lời nói và hành động hoàn toàn trái ngược nhau.

Trung Quốc và Ấn Độ lập quan hệ ngoại giao ngày 1/4/1950 sau khi Ấn Độ tuyên bố độc lập và Trung Quốc tuyên bố thành lập nước Trung Quốc mới năm 1949.. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm Tây Tạng năm 1950 và biến Tây Tạng thành Khu tự trị của mình năm 1951 làm Ấn Độ cảnh giác, nhất là việc Trung Quốc đưa yêu sách cho rằng bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ mà Trung Quốc gọi là “Nam Tây Tạng” là của Trung Quốc. Sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953, mối lo ngại của Ấn Độ càng nổi lên, bởi vì sau Chiến tranh Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ rảnh tay và lấy cớ “Vấn đề Tây Tạng” để  tiến hành xâm chiếm thêm vùng đất của Ấn Độ.

Vì vậy, hai nước tiến hành đàm phán về “Về vấn đề Tây Tạng”. Biết được nỗi lo ngại này của Ấn Độ, nên ngày 31/12/1953, khi tiếp đoàn Đại biểu Ấn Độ sang đàm phán tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai có đưa ra “5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” giữa hai nước. Tháng 6/1954, Chu Ân Lai thăm hai nước Ấn Độ và Mianma. Theo đề nghị của Chu Ân Lai, lãnh đao ba nước là Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Thủ tướng Ấn Độ Javaharlal Nehru và Thủ tướng Mianma là U Nu đã ký kết với nhau một Hiệp định về “5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” vào ngày 28/6/1954 với 5 nội dung chính sau: 1-Cùng tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. 2-Không xâm phạm nhau. 3-Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. 4-Bình đẳng cùng có lợi. 5-Cùng tồn tại hòa bình.

Trước đó ngày 29/4/1954 hai nước Trung Quốc và Ấn Độ ký kết “Hiệp định Pancasila” (Hiệp định thông thương giữa Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc với Ấn Độ) nhằm giữ ổn định vùng biên giới giữa hai nước. Nhưng sau đó, Trung Quốc đã xâm lấn vùng đất Ấn Độ và tranh chấp biên giới xảy ra. Năm 1960, Chu Ân Lai tới Ấn Độ gặp Thủ tướng Nehru để giải quyết tranh chấp, nhưng không thành công. Năm 1962, Trung Quốc đưa quân tấn công Ấn Độ và đánh chiếm vùng đất rộng lớn tới 120.000 Km2 dọc 2000 km đường biên giới hai nước. Quan hệ hai nước từ đó trở nên căng thẳng, về ngoại giao rút bỏ cấp Đại sứ. Tới năm 1976, hai nước mới phục hồi lại quan hệ cấp Đại sứ. Kể từ năm 1987 hai nước bắt đầu đàm phán về biên giới, tới nay đã được 17 vòng nhưng chưa đạt được kết quả nào.

Tuy nhiên kể từ năm 1976 khi lập lại quan hệ cấp Đại sứ, về trao đổi kinh tế buôn bán tăng lên đáng kể. Năm 1984, hai nước ký “Hiệp định buôn bán”. Tháng 12/1988 khi Thủ tướng Rajiv Gandi thăm Trung Quốc, hai bên thỏa thuận khi vấn đề tranh chấp biên giới chưa được giải quyết, hai bên cùng nhau giữ ổn định, an ninh vùng biên giới, đồng thời thành lập các tổ công tác chung về biên giới. Năm 1993 khi Thủ tướng Venkata Narasimha Rao thăm Trung Quốc, hai bên đã ký kết “Hiệp định giữ hòa bình ổn định trong khu vực theo đường kiểm soát thực tế dọc biên giới”.

Nhưng các hiệp định này ký chưa ráo mực thì quân đội Trung Quốc liên tục xâm lấn sâu vào trong vùng đất của Ấn Độ trên biên giới. Gần đây nhất, là ngay trước thềm chuyến thăm Ấn Độ từ 19/5 tới 22/5 / 2013 của Thủ tướng Lý Khắc Cường, phía Trung Quốc cho quân đội xâm lấn sâu vào đất Ấn Độ làm dư luận Ấn Độ phản ứng mạnh mẽ.

Năm nay là “Năm hữu nghị hai nước” và là năm kỉ niệm 60 năm ngày hai nước ký kết Hiệp định “5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” và 60 năm ngày ký kết “Hiệp định Pancasila” (tức Hiệp định thông thương giữa Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc với Ấn Độ). Phía Trung Quốc hy vọng Thủ tướng Modi sang thăm để làm quan hệ hai nước hòa dịu, nhưng phía Ấn Độ chỉ cử Phó Tồng thống sang thăm.

Học giả các nước đều cho rằng: Lịch sử cho thấy, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ trước tới nay nói và làm không đi đôi với nhau, ngôn hành bất nhất, ngay cả những hiệp định ký kết bằng văn bản giấy trăng mực đen thì họ cũng sẵn sàng vứt bỏ để phục vụ cho lợi ích của mình./.

 

Kiều Tỉnh

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây