Giáo sư Vũ Minh Giang nói: Ông Dương Khiết Trì là một nhân vật cứng rắn, chưa bao giờ có quan điểm mềm mỏng, và đã hơn 1 lần tuyên bố không rút giàn khoan. Đây là nhân vật cao nhất của TQ mà ta có thể tiếp xúc sau vụ TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Tôi không kỳ vọng vào sự thay đổi cục diện, bởi TQ có đường lối nhất quán, nằm dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao. Chưa kể là trong khi ông Dương Khiết Trì sang VN, đã xuất hiện thông tin TQ đưa tiếp giàn khoan thứ hai vào Biển Đông. Nếu nhìn vấn đề dài rộng, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình kế tục sự nghiệp của ông Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân. Mỗi vị lãnh đạo này đều có một chủ thuyết. Về mặt nào đó, ta hiểu Trung Hoa mộng là giấc mộng bá chủ toàn cầu. Khi phân tích sâu điểm này, làm sao một nhân vật cụ thể có thể giải quyết được vấn đề?
Theo ông, điều gì cần chú ý và cẩn trọng khi "ngồi" với TQ về Biển Đông?
- Tôi đồng ý với ông Zhang Mingliang - một chuyên gia về quan hệ Đông Nam Á tại ĐH Jinan, Quảng Châu - được tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời nói rằng, đây không phải là thời gian thích hợp để có cuộc họp cấp cao như trên.
Nhưng hai bên không muốn hủy cuộc họp, bởi cả hai phải giải quyết các vấn đề tồn tại. Rõ ràng, phía TQ sang VN vẫn mang theo quan điểm cứng rắn. Tôi cho rằng, các cuộc hội đàm không có tiến triển và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tôi cũng lưu ý, TQ có 3 cái rất giỏi, đó là ru ngủ, ly gián và đánh lừa, giương đông kích tây. Sự lập lờ này cũng thể hiện rõ trong binh pháp của họ. Nhưng điều quan trọng là các nhà lãnh đạo VN đã rất tỉnh táo và kiên quyết lập trường.
Chúng ta đã nhất quán không chấp nhận bất cứ điều kiện gì để rút giàn khoan, khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là không thay đổi và không thể thay đổi. Rút giàn khoan là điều kiện tiên quyết, sau đó bàn gì thì bàn. Còn những việc khác, chẳng hạn như chứng minh ai đúng sai trong tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa hãy để các học giả hai bên ngồi lại với nhau. Các nhà sử học VN sẵn sàng đối thoại với phía TQ.
- Chúng ta phải tỉnh táo, không nên sa vào những cái bẫy mà TQ có thể giăng sẵn. Thứ nhất, đó là bẫy tung hỏa mù. Thứ hai là bẫy bị làm xấu mặt, chẳng hạn những cuộc biểu tình, đập phá nhà máy của TQ khiến hình ảnh của VN trên trường quốc tế bị thuyên giảm. Thứ ba là bẫy gây hấn trước để ngụy tạo chứng cứ, điều mà TQ rất giỏi.
VN khẳng định luôn yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng đàm phán, nhưng lập trường của chúng ta kiên quyết, không thể nhượng một tấc đất, không nhân nhượng chủ quyền. Trong bối cảnh đó, trên dưới đồng lòng đoàn kết là thượng sách giữ nước. Bên cạnh việc lau cho sáng vũ khí chính nghĩa, chúng ta phải nhanh chóng tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Phải "nương nước triều" mà hành động.
Tôi tin rằng, một khi VN "cháy nhà", không ít nước sẵn sàng "xách xô nước" đến dập lửa. VN là quốc gia luôn yêu chuộng hòa bình, nhưng lịch sử chỉ ra rằng, đến một ngưỡng nào đó, nhân dân VN sẽ nhất tề đứng dậy. Do vậy, đừng dồn chúng tôi đến chân tường. Nếu cân đo nỗi sợ, thì có lẽ, nước sợ chiến tranh không phải là VN mà là TQ, mặc dù VN không bao giờ muốn chiến tranh.
- Xin cảm ơn ông!
TQ sống chết muốn chiếm lĩnh toàn bộ Biển Đông
Theo GS Vũ Minh Giang, chiến lược độc chiếm Biển Đông nằm trong kế hoạch Trung Hoa mộng, bởi tài nguyên đem lại lợi thế cho quốc gia nằm ở biển. Biển Đông có vị trí đặc biệt, dưới đáy biển chưa ai đưa ra con số chính xác, nhưng được cho là có trữ lượng dầu khí lớn, có thể nuôi sống nhân loại trong một thời gian dài. Ai chiếm được năng lượng, người đó là bá chủ toàn cầu. Ý đồ độc chiếm Biển Đông của TQ có từ sớm, nhưng không phải quá sớm. Văn minh TQ không phải là văn minh biển, họ sinh cơ lập nghiệp ở sông Hoàng Hà với tư duy lục địa là chính. Từ đầu thế kỷ 20, TQ mới nhận thức rõ lợi ích của biển, và từ đó dần có những hành động riết róng với ý đồ tiến xuống phía nam."Khu vực Biển Đông là đường biển vô cùng quan trọng, lưu lượng hàng hóa qua vùng này chiếm một nửa đại dương trên thế giới. Do đó, TQ sống chết muốn chiếm lĩnh toàn bộ Biển Đông. TQ dần dần chiếm các đảo của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN từ những năm 1956, đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, 1974 thực hiện bước đi táo tợn, chiếm toàn bộ Hoàng Sa, 1988 là cuộc chiến đẫm máu chiếm đảo Gạc Ma ở Trường Sa. Nhìn xuyên suốt những sự kiện nói trên để thấy rằng, không có chuyện một sớm một chiều mà TQ thay đổi tham vọng về Biển Đông" - Gs Vũ Minh Giang khẳng định.