Cuối tuần qua, Tổng Vụ phó Vụ Biên giới và các vấn đề biển thuộc Bộ Ngoại giao TQ Yi Xianliang trắng trợn phủ nhận việc TQ đưa lực lượng quân sự tới vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam mà TQ hạ đặt giàn khoan trái phép. 

Bất chấp thực tế những gì đã xảy ra, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Yi Xianliang nói: “Từ ngày 2.5 tới nayvà cả tới khi hoạt động khoan dầu kết thúc, chúng tôi chưa từng bao giờ và sẽ không đưa lực lượng quân sự tới. Bởi chúng tôi đang tiến hành các hoạt động thương mại dân sự bình thường”. 

Nhân vật này cho rằng trên một tuyến đường biển đôi khi có vài tàu quân sự của TQ qua lại, nhưng chúng cách rất xa vùng hạ đặt giàn khoan.

Bình luận về phát biểu trên của Yi Xianliang, một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng đó là một tuyên bố “cực kỳ lố bịch”, là “một nỗ lực yếu ớt nhằm che đậy những gì TQ đang thực sự làm”. 

Quan chức này nói: “TQ đã duy trì sự có mặt quân sự mạnh mẽ và thường xuyên gần giàn khoan kể từ khi họ hạ đặt giàn khoan này vào ngày 2.5, trong đó bao gồm cả việc trực thăng của họ bay trên và xung quanh giàn khoan. Hiện giờ vẫn có nhiều tàu quân sự ở quanh đó”. 

Quan chức Mỹ cho biết, có những ngày tàu chiến của hải quân TQ còn có mặt cả trong vùng biển tranh chấp với Philippines.

Nhắc lại lời chỉ trích của Mỹ về cách TQ xử lý các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng, quan chức Mỹ nói thêm rằng hành động của TQ đang tạo ra “những rạn nứt nghiêm trọng” trong quan hệ với Mỹ.

Trên thực tế, tại vùng biển Hoàng Sa nơi TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, TQ đã điều tới đây có lúc tới hơn 130 tàu các loại, trong đó có nhiều tàu hải giám, hải cảnh, tàu quân sự, tàu quân sự dưới vỏ bọc tàu ngư chính, thuyền cá vỏ thép... 

Trước sự chứng kiến của các PV Việt Nam và quốc tế có mặt trên tàu cảnh sát biển Việt Nam, các tàu TQ đã ngang nhiên khiêu khích, gây hấn với tàu thực thi pháp luật Việt Nam đang hoạt động tại vùng biển này.

Trung Quốc xây trường học trái phép ở Hoàng Sa

Hãng tin Mỹ AP đưa tin, hôm 14.6, Trung Quốc đã khởi công xây dựng một trường học trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Phía TQ nói rằng, trường học này để dành cho con em của binh lính và cư dân Tam Sa. 

Đây là một động thái của TQ nhằm củng cố “thành phố Tam Sa” mà nước này thành lập hồi tháng 7.2012 nhằm “quản lý” hàng trăm nghìn kilômét vuông trên biển Đông, nơi TQ muốn độc chiếm để kiểm soát các nguồn tài nguyên quý giá, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
“Chính quyền” do TQ dựng lên ở Tam Sa cho biết, việc xây dựng trường học sẽ kéo dài 18 tháng, bắt đầu từ 14.6, dành cho khoảng 40 trẻ em đang độ tuổi đi học. Thành lập Tam Sa là một mưu đồ từ lâu của TQ. Từ khi Tam Sa được thành lập tới nay, ở đây đã có bưu điện, ngân hàng, siêu thị, bệnh viện, với dân số khoảng 1.000 người và giờ đã lên 1.443 người - tính đến tháng 12.2013.
Tới nay, TQ cũng đã kịp xây dựng tại “Tam Sa” một sân bay, khách sạn, thư viện, 5 tuyến đường chính, dịch vụ điện thoại di động và truyền hình vệ tinh 24 giờ. TQ thường xuyên điều tàu cung cấp thực phẩm, nước, vật liệu xây dựng và nhân lực tới Tam Sa.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động xây dựng phi pháp của TQ từ bấy tới nay.
V.N