Bản đồ Trung Quốc không thay đổi thực tế

Thứ ba - 01/07/2014 23:27 - Đã xem: 1047
Tuy tuyên bố không tìm kiếm chủ nghĩa bá quyền nhưng những hành động của Trung Quốc ở biển Đông đang cho thấy điều ngược lại

Chính phủ Ấn Độ hôm 28-6 đã chỉ trích mạnh mẽ tấm bản đồ dọc mới xuất bản của Trung Quốc, trong đó bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ bị xem là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Thông qua tấm bản đồ đang bị cộng đồng quốc tế lên án này, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền một khu vực có diện tích 90.000 km2 ở Arunachal Pradesh.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định tấm bản đồ không thể làm thay đổi thực tế Arunachal Pradesh là một phần của Ấn Độ. Quan chức này cho biết: “Thực tế, Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ. Điều này đã được Ấn Độ khẳng định nhiều lần đến chính phủ Trung Quốc”.

Tương tự, thủ hiến bang Arunachal Pradesh, ông Nabam Tuki, tuyên bố: “Hành động này của Trung Quốc không có gì là mới. Chúng tôi lên án việc họ tuyên bố chủ quyền đối với Arunachal Pradesh. Chúng tôi muốn chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tìm giải pháp cho vấn đề này”.

 

Ông Tập Cận Bình (bìa trái) tại buổi tiếp các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Myanmar hôm 28-6Ảnh: PTI

Ông Tập Cận Bình (bìa trái) tại buổi tiếp các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Myanmar hôm 28-6

Ảnh: PTI

 

Tranh cãi về tấm bản đồ nổ ra giữa lúc Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đang ở thăm Trung Quốc. Phát biểu sau cuộc gặp giữa ông Ansari và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 28-6, Ngoại trưởng Ấn Độ Sujatha Singh cho biết: “Liên quan đến vấn đề biên giới, ông Hamid Ansari và ông Lý Khắc Cường đã nhất trí rằng duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới Trung - Ấn là điều quan trọng nhất để quan hệ song phương phát triển thịnh vượng”.

Tuy không nói rõ chi tiết về cuộc thảo luận nhưng theo báo Indian Express, bà Singh đã bác bỏ tấm bản đồ mới của Trung Quốc. “Những mô tả trên bản đồ không thể thay đổi được hiện trạng thực tế. Lập trường của chúng tôi về những vùng lãnh thổ đó là điều mà thế giới đã biết”.

Tranh cãi mới nhất nói trên một lần nữa cho thấy vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biên giới từ lâu đã là một trong những cái gai lớn trong quan hệ Trung - Ấn.

Không những thế, Bắc Kinh còn không ngừng gây hấn với một số nước láng giềng ở biển Đông thông qua những hành động sai trái, mà mới đây nhất là việc xuất bản tấm bản đồ nói trên. Không chỉ chiếm lãnh thổ Ấn Độ, tấm bản đồ còn vẽ cả “đường 10 đoạn” nuốt gần trọn biển Đông, dẫn đến sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Trong động thái xoa dịu dư luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 28-6 lên tiếng khẳng định Bắc Kinh “không bao giờ tìm chủ nghĩa bá quyền cho dù có trở thành một cường quốc đi chăng nữa”.

Phát biểu tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo Myanmar và Ấn Độ nhân dịp kỷ niệm 60 năm hiệp ước Panchsheel (1954-2014) thiết lập 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa 3 nước, ông Tập tiếp tục lặp lại những luận điệu cũ: “Chủ nghĩa bá quyền hay chủ nghĩa quân phiệt không có trong gien của người Trung Quốc. Trung Quốc sẽ luôn theo đuổi con đường hòa bình vì điều đó tốt cho Bắc Kinh cũng như cho châu Á và thế giới”.

Tuy tuyên bố không muốn làm “bá chủ thế giới” nhưng những hành động của Trung Quốc ở biển Đông đang cho thấy điều ngược lại. Bằng cách đưa giàn khoan vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và xuất bản tấm bản đồ “đường 10 đoạn” nói trên, Trung Quốc đã cho thấy tham vọng độc chiếm biển Đông bất chấp sự phản đối của thế giới.

Xuân Mai

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây