“Trung Quốc vô cùng bất mãn và cực lực phản đối các hành vi sai trái của phía tòa án Tây Ban Nha đã bất chấp lập trường của Trung Quốc”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố trong cuộc họp báo ngày hôm qua (11/2) tại Bắc Kinh.
Phát biểu của bà Hoa đưa ra sau khi Thẩm phán Ismael Moreno, Tòa án tối cao Tây Ban Nha yêu cầu Cảnh sát quốc tế (Interpol) thực hiện lệnh bắt giữ với 5 quan chức cấp cao Trung Quốc vì tội diệt chủng, tra tấn và các tội ác chống lại loài người.
Trong số những người bị tòa án Tây Ban Nha ra lệnh bắt giữ có cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, cựu Thủ tướng Lý Bằng của Trung Quốc.
"Giang là người đã giám sát những người trực tiếp phạm tội. Vì vậy, ông ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi tra tấn và những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng do cấp dưới gây ra đối với người dân Tây Tạng” - ông Moreno viết trong phán quyết.
Nguyên đơn trong vụ án là hai nhóm ủng hộ Tây Tạng và một nhà sư mang quốc tịch Tây Ban Nha. Các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc xâm hại nhân quyền tại Tây Tạng, khu vực nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Trung Quốc từ năm 1950. Trái với cáo buộc trên, Trung Quốc cho rằng chính quyền nước này đã “giải phóng một cách hòa bình” khu vực Himalaya ra khỏi vùng lầy đói nghèo, bóc lột và tình trạng kinh tế trì trệ.
Vụ án được xét xử dựa trên học thuyết “thẩm quyền phổ quát” của Tây Ban Nha - cho phép các thẩm phán nước này có thể truy tố vượt biên giới các bị cáo phạm tội ác chống lại loài người, xâm phạm nhân quyền khi vụ án có liên quan đến nạn nhân là người Tây Ban Nha.
Đây là nguyên tắc đã từng được thẩm phán trước đây của Tây Ban Nha Baltasar Garzon sử dụng khi ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử nhà độc tài Chile Augusto Pinochet năm 1998. Khi đó, ông Pinochet đang ở London, Anh. Tuy nhiên, cuối cùng Pinochet được phép quay về Chile vì lý do sức khỏe.
Trong tuyên bố, bà Hoa Xuân Oánh cáo buộc các tổ chức ở nước ngoài hỗ trợ kế hoạch đòi ly khai của Tây Tạng và kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha không ủng hộ "nỗ lực của các nhóm chia rẽ đất nước của Đạt Lai Lạt Ma".
Theo bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội các nước khác và không có bình luận về cách "lực lượng trong nước ở Tây Ban Nha" đối phó với vấn đề này.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng, "sự việc này có liên quan đến sự phát triển của mối quan hệ song phương giữa hai nước. Bắc Kinh hi vọng rằng, chính phủ Tây Ban Nha có thể giải quyết vấn đề và phân biệt đúng sai”.
Trước đó, hồi năm 2013, tòa án Tây Ban Nha trên cũng truy tố cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào với tội danh diệt chủng ở Tây Tạng - động thái bị chính phủ Trung Quốc lên án là can thiệp công việc nội bộ của nước này.
Linh Linh
Nguồn tin: petrotimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...