Mỹ: Nga đưa quân vào Ukraine là "sai lầm khủng khiếp"

Thứ hai - 24/02/2014 13:43 - Đã xem: 1108
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo sẽ là một “sai lầm khủng khiếp” nếu Nga điều quân sang Ukraine để khôi phục một chính phủ thân với Moscow hơn.

Phát biểu trên đài NBC (Mỹ) ngày 23-2, bà Rice cũng khẳng định không ai có lợi gì khi Ukraine bị chia cắt. “Ukraine, Nga, châu Âu hay Mỹ đều không muốn chứng kiến Ukraine bị chia cắt. Không ai muốn bạo lực tái diễn và tình hình leo thang” – bà nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Anh William Hague thẳng thừng hơn. Khi được hỏi liệu có lo ngại việc Nga "điều xe tăng" tới để bảo vệ lợi ích của những người nói tiếng Nga trên bán đảo Crimea tự trị thuộc miền Đông Ukraine, ông Hague đã cảnh báo về"sự cưỡng ép từ bên ngoài" hay sự can thiệp của Nga.

 

Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko gặp gỡ Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt (trái) và đặc sứ EU Jan Tombinski hôm 23-2. Ảnh: Reuters

Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko gặp gỡ Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt (trái)

và đặc sứ EU Jan Tombinski hôm 23-2. Ảnh: Reuters

 

Ông Hague thông báo chính phủ của ông vẫn liên lạc thường xuyên với Moscow để thuyết phục rằng quan hệ gần gũi hơn giữa Kiev và Liên minh châu Âu (EU) không đáng lo ngại. Trả lời Đài BBC, ông Hague nói: "Nếu có một gói viện trợ kinh tế cho Ukraine, điều quan trọng là Nga đừng gây tổn hại tới nó mà nên hợp tác và ủng hộ”.

Cùng ngày, Nga đã triệu hồi đại sứ tại Ukraine về nước để tham vấn. Bộ Ngoại giao Nga thông báo: “Do tình hình ngày một xấu đi ở Ukraine và cần có sự phân tích tình hình một cách toàn diện, đã có quyết định triệu đại sứ Nga tại Ukraine về nước để tham vấn”.

Trong cuộc điện đàm ngày 23-2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí phải đảm bảo “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine và nước này cần gấp một chính phủ để đảm bảo sự ổn định cả về kinh tế lẫn chính trị.

Trong khi đó, tâm Chủ tịch Quốc hội kiêm tổng thống lâm thời Ukraine Oleksander Turchynov hôm 23-2 thông báo quốc hội nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vào ngày 25-2 tới.

Đã có lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Thu nhập Ukraine Oleksander Klimenko và cựu Tổng công tố Viktor Pshonka để điều tra. Quyền Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov cho biết thêm cảnh sát đang làm việc với cơ quan an ninh nhà nước và văn phòng công tố để điều tra "những tội ác nghiêm trọng chống lại người dân Ukraine, trong đó có các nhà lãnh đạo nhà nước trước đây".

 

Người dân tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng vì bạo lực ở Kiev ngày 23-2. Ảnh: Reuters
Người dân tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng vì bạo lực ở Kiev ngày 23-2. Ảnh: Reuters

 

Đổ thêm dầu vào lửa, Đảng Các khu vực (PR) của Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych đổ hết tội lỗi lên đầu ông. Họ cáo buộc ông ban bố "nhiều mệnh lệnh tội ác", khiến nhiều người thiệt mạng trong cuộc bạo loạn gần đây.

Trong một tuyên bố, Đảng PR nêu rõ: "Ukraine đã bị phản bội... Toàn bộ trách nhiệm đối với điều này thuộc thuộc về ông Yanukovich cùng cấp dưới thân cận của ông ta".

Cùng ngày, trợ lý của ông Yanukovich, bà Hanna Herman tuyên bố ông Yanukovych không có kế hoạch rời khỏi đất nước và sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tổng thống. Bà cho biết thêm ông Yanukovych đã tới thành phố Kharkov, miền Đông Ukraine đêm 22-2.

Truyền hình Ukraine vừa phát sóng đoạn video chưa xác thực cho thấy ông Yanukovych cùng các cố vấn tháo chạy khỏi dinh thự bằng trực thăng. Theo BBC, đoạn video được ghi lại hôm 21-2 qua camera an ninh.

Chiếc trực thăng gắn logo 'UR-CRG', trông giống chiếc AgustaWestland AW139 do công ty hàng không Westland (trụ sở Hà Lan) sản xuất. Theo tờ báo địa phương Kyiv Weekly, chính phủ Ukraine từng thuê một mẫu trực thăng với thiết kế tương tự.

Nguồn: BBC

 

Hải Ngọc (Theo BBC, Reuters)

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây