Người dùng điện thoại di động lại tiếp tục bị quấy rối bởi “dịch” tin nhắn rác vào những ngày bộn bề cuối năm, trong khi các nhà mạng luôn hứa “theo dõi chặt chẽ và có động thái xử lý kịp thời”.
Cuối năm 2012, Bộ TT-TT đã có nhiều động thái mạnh tay xử lý vấn đề tin nhắn rác. Tình hình có vẻ đã dịu bớt phần nào khi việc thanh tra, kiểm tra được tăng cường ở nhiều cấp. Tuy nhiên vào thời điểm cận Tết âm lịch, “dịch” này đang bùng phát trở lại.
|
Bán nhà, bán đất, bán sim số đẹp...
|
Chị Diễm Thuyên, một độc giả của Thanh Niên ngụ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), chủ số điện thoại 0918016xxx, bực bội nói: “Đây là chuyện tôi ghét nhất. Ngày nào cũng vậy, ít nhất 10 tin nhắn rác gửi vào máy tôi bất kể sáng tối. Tôi chả hiểu sao họ lại có số điện thoại của tôi để gửi tin nhắn quảng cáo bán nhà, bán đất, bán sim số đẹp... Nhưng khó chịu nhất là có những tin nhắn quảng cáo cả web sex. Bực mình lắm mà không biết làm thế nào”.
Còn anh Vọng, chủ số điện thoại 0913716xxx, kể: “Mỗi ngày cứ đúng vào giờ cố định là tôi lại nhận được tin nhắn giới thiệu sim số đẹp, cài nhạc chờ, bán nệm, thậm chí mới đây còn có cả tin nhắn quảng cáo cung cấp... gà thả vườn cho dịp tết. Càng ngày khách hàng càng bị xem thường”.
Tin nhắn spam không chỉ xuất phát từ các số máy cá nhân, các tổng đài thuê bao mà chính tổng đài của nhà mạng cũng tích cực quảng cáo qua hệ thống tin nhắn. Anh T.Q.T, chủ thuê bao số điện thoại 012033123xx than phiền: “MobiFone gần đây cũng liên tục gửi tin nhắn quảng cáo xen lẫn với các tin khuyến mãi tài khoản. Ức chế không chịu được! Một ngày họ khủng bố 2-3 tin nhắn. Mình muốn chặn thì lo họ ngừng gửi cho mình các tin khuyến mãi tài khoản. Còn không chặn thì toàn nhận tin quảng cáo vớ vẩn. Hết cài đặt nhạc chờ lại tới ủng hộ từ thiện, nhắn tin để quay số trúng giải...”.
Tại Hà Nội, nhiều độc giả bức xúc “tố cáo” bên cạnh các tin nhắn khuyến mãi cuối năm là hàng loạt các tin nhắn “đen” liên quan bói toán, lô đề hoặc cho vay tín chấp dịp cuối năm có dấu hiệu lừa đảo. Anh Trần Huy, chủ nhân một thuê bao thuộc mạng MobiFone cho biết hầu như ngày nào cũng bị ép nhận 5-7 tin nhắn soi cầu lô đề. Các tin nhắn này không chỉ được nhắn từ các sim rác mà còn từ các đầu số đã được đăng ký như 7797, 7706.
Một độc giả khác là chị Bùi Thu Thủy, thuê bao Vinaphone cho biết nhận được hàng loạt tin nhắn từ một số sim rác 01248073… quảng bá dịch vụ cho vay tín chấp và cầm cố sim số đẹp. “Không rõ các nhà mạng ngăn chặn thế nào mà tin nhắn rác vẫn xuất hiện liên tục, làm khách hàng cực kỳ phiền phức”, chị Thủy bức xúc.
Nhà mạng nào cũng “quyết liệt”
|
Về phía doanh nghiệp (DN), ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng phòng Kinh doanh Vinaphone, nói thời gian qua nhà mạng này vẫn liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình tin nhắn rác và có động thái xử lý kịp thời. Nhờ vào hệ thống giám sát và quản lý trực tuyến nên các vụ nhắn tin rác gần như bị phát hiện rất sớm. Trong năm 2012 Vinaphone đã xử lý hơn 100 trường hợp đối tác là các DN cung cấp nội dung (Cps) vi phạm. Hình thức xử lý có thể là dừng hoặc khóa câu lệnh, đầu số, phạt vi phạm hợp đồng. “Tuy nhiên việc xử lý mới chỉ làm được với các đối tượng “có tóc”, các trường hợp sử dụng sim rác thì khó khăn hơn nhiều”, ông Tú nói.
Theo ông Đỗ Hữu Trí, Trưởng phòng Thanh tra viễn thông và công nghệ thông tin (Bộ TT-TT), sau hội nghị tháng 11.2012, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, DN triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Đối với các DN thông tin di động, DN viễn thông, Bộ đã yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các DN CPS, xử lý theo hợp đồng hoặc theo quy định nội bộ của DN, chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với các DN phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn wappush. Bộ TT-TT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an xem xét khởi tố một số trường hợp vi phạm điển hình.
Bộ TT-TT cũng yêu cầu các DN viễn thông quản lý chặt chẽ, không để cán bộ, nhân viên lợi dụng sơ hở để copy, sao chép cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động bán ra ngoài nhằm phục vụ cho mục đích phát tán tin nhắn rác hoặc các mục đích vi phạm pháp luật khác. Không khuyến mãi tràn lan, phá giá thị trường, tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng các gói cước nhắn tin giá rẻ phục vụ phát tán tin nhắn rác.
Mỗi ngày thu lợi 3 tỉ
Theo Bộ TT-TT, hiện có 347 CPS hợp tác với các nhà mạng để cung cấp dịch vụ. Trong số này có những DN thực hiện phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo nhằm quảng cáo, dụ dỗ, dẫn dắt người dùng nhắn tin vào đầu số của mình để thu lợi gây bức xúc trong dư luận. Thông tin từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ TT-TT) cho biết, qua báo cáo chưa đầy đủ của các DN viễn thông di động số lượng tin nhắn quảng cáo hằng năm lên tới con số hàng chục tỉ (chiếm khoảng 10% lượng tin nhắn). Từ năm 2009 đến nay VNCERT cho biết đã điều phối các DN viễn thông xử lý khoảng gần 300 vụ việc DN phát tán tin nhắn rác trên các đầu số 8xxx, 7xxx, 6xxx và 1900; phối hợp với thanh tra Bộ TT-TT, Sở TT-TT Hà Nội, TP.HCM xử lý, cảnh báo trên 100 trường hợp. Khoảng trên 50 DN có phát tán tin nhắn rác đã bị xử lý với tổng số tiền phạt và thu hồi lên tới 2,4 tỉ đồng, 3 công ty đã bị đình chỉ cung cấp dịch vụ.
Một nghiên cứu mới đây do Công ty an ninh mạng Bkav công bố cho biết trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại của người dùng tại VN. Với mức trung bình 300 đồng/tin nhắn, các nhà mạng thu về khoảng 3 tỉ đồng mỗi ngày, tức gần 100 tỉ mỗi tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác.
Trường Son - Quang Thuần
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...