'Philippines rất khôn ngoan khi kiện Trung Quốc'
Thứ hai - 28/01/2013 01:42
- Đã xem: 1034
"Đây là bài khôn ngoan của Philippines khi mọi giải pháp ngoại giao đã thất bại. Mục tiêu của họ là công khai hóa, thể hiện lẽ phải; còn Trung Quốc không tuân thủ luật pháp, không có chính nghĩa", thạc sĩ luật Nguyễn Hùng Cường phân tích.
- Ông đánh giá như thế nào về đơn kiện của Philippines khi mà Trung Quốc đã có bảo lưu không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào về tranh chấp trên biển khi trở thành thành viên của Công ước Luật biển 1982?
- Tòa án được Philippines gửi đơn kiện là tòa án trọng tài quốc tế được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS (arbitral tribunal). Ngày 25/8/2006, Trung Quốc đã có báo cáo gửi Liên Hợp Quốc đưa ra các tuyên bố bảo lưu theo Điều 298 của UNCLOS. Theo các bảo lưu này Trung Quốc có quyền không chấp nhận bất kỳ biện pháp giải quyết tranh chấp nào theo quy định tại điều 287, bao gồm 4 phương pháp: một là Tòa án công lý của Liên hợp quốc, hai là Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS), ba là Tòa án trọng tài và bốn là Tòa án trọng tài đặc biệt (giải quyết các tranh chấp liên quan tới đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển hoặc nghiên cứu khoa học biển) đối với tất cả các loại tranh chấp được quy định tại điểm a,b,c Khoản 1 Điều 298.
Một số người, đặc biệt là một số học giả Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc có thể từ chối thẩm quyền của Tòa án trọng tài và tòa án này không đủ thẩm quyền thụ lý đơn kiện vì Trung Quốc đã có văn bản bảo lưu này. Philippines khi đưa ra đơn kiện cũng biết rất rõ điều này. Tuy nhiên, phải xem xét kỹ các quy định tại điều khoản về quyền bảo lưu này có thể tạo thành chiếc khiên bảo vệ cho Trung Quốc trong mọi trường hợp hay không. |
Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (khoa Luật, ĐHQG Hà Nội) cho rằng Philippines đã lách qua một khe cửa hẹp, không đề cập tới các vấn đề mà Trung Quốc bảo lưu. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 298 các bảo lưu này chỉ áp dụng đối với những vấn đề liên quan đến các vụ tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng các Điều 15, 74 và 83 tức là liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển (bao gồm hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia có đường bờ biển kề nhau hay đối diện nhau) hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử.
Philippines hiểu rõ điều này và họ rất khôn ngoan khi đưa ra đơn kiện của mình. Trong đơn kiện, Philippines không đưa ra các vấn đề hoạch định ranh giới các vùng biển nêu trên mà đưa các vấn đề sau: Một, đề nghị tòa trọng tài đưa ra phán quyết xác nhận đường ranh giới 9 đoạn (đường chữ U, đường lưỡi bò) là vi phạm UNCLOS 1982. Hai, việc Trung Quốc xây dựng công trình trên các bãi, vỉa đá ngầm trong phạm vi 200 hải lý của Philippines đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Phi trên thềm lục địa hay không. Ba, các luật nội địa Trung Quốc đưa ra (như cấm đánh bắt hải sản hàng năm) trên Biển Đông đã vi phạm UNCLOS. Bốn, việc Trung Quốc đã cản trở Philippines thực thi quyền lợi trong các vùng biển của mình cũng như ở các bãi, vỉa đá ngầm và vùng biển xung quanh đã vi phạm UNCLOS.
Hơn nữa, các bảo lưu tại điểm a,b,c khoản 1 Điều 298 UNCLOS chỉ áp dụng với các tranh chấp giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện. Rõ rằng Phillippines và Trung Quốc không phải là những quốc gia như vậy.
Philippines đã rất khôn ngoan khi lách qua một khe cửa hẹp, không đề cập tới các vấn đề mà Trung Quốc bảo lưu. Trên cơ sở các nghiên cứu của chúng tôi, tôi cho rằng tòa trọng tài có cơ sở để xác định thẩm quyền giải quyết những vấn đề mà Philippines đưa ra.
- Theo ông, diễn biến tiếp theo của vụ kiện là gì?
- Trước hết là về thủ tục trọng tài, mỗi bên sẽ chọn một tài viên cho mình từ danh sách trọng tài viên do Tổng Thư ký Liên hợp quốc lập ra. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, Tòa Trọng tài sẽ có 5 thành viên. Philippines sẽ cử một người là trọng tài từ danh sách do mình chọn. Sau đó, Trung Quốc sẽ có 30 ngày để đưa ra trọng tài của mình kể từ ngày Philippines gửi Thông báo khởi kiện cho Trung Quốc. Ba trọng tài còn lại sẽ do các bên thỏa thuận cử ra và công dân nước khác trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Các bên cử Chánh toà của Toà trọng tài trong số ba trọng tài đó.
Như vậy, trong trường hợp Trung Quốc không đồng ý với thẩm quyền của Tòa trọng tài, thì tòa trọng tài vẫn được thành lập và trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo khởi kiện của Philippines nếu Trung Quốc không chọn trọng tài cho mình thì Trung Quốc mất quyền lợi, phần thiệt sẽ thuộc về Trung Quốc.
- Trong trường hợp tòa đưa được phán quyết và giả sử những điều Philippines là đúng thì hiệu lực của phán quyết này ra sao?
- Nhìn xa hơn câu chuyện (thông thường thủ tục trọng tài sẽ mất 3-4 năm), giả sử tòa trọng tài đưa ra phán quyết đường chữ U, luật nội địa của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế... thì hiệu lực phán quyết như thế nào? Có bác bỏ được Trung Quốc từ đó trở đi không được đưa ra đường chữ U nữa hay không?
Thực tế phán quyết đó không cấm được Trung Quốc tiếp tục thực thi các hành động vi phạm đó vì phán quyết của Tòa trọng tài không hề có biện pháp đảm bảo thực thi. Trong trường hợp có tranh chấp về vấn đề thi hành án thì theo UNCLOS, các bên có quyền đưa ra Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết để quyết định tuy nhiên điều đó không đảm bảo vấn đề thực thi phán quyết của Tòa. Dưới góc độ luật quốc tế hiện nay duy nhất chỉ có phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế mới có HĐBA Liên hợp quốc đứng ra bảo đảm thực thi.
Các nhà chiến lược của Phillippines chắc chắn cũng nhìn ra câu chuyện này, vì thế, cái họ hướng tới có lẽ không phải là hiệu lực của phán quyết. Mục tiêu của họ là công khai hóa mọi thứ, thể hiện họ là người đúng, là người có lẽ phải; còn Trung Quốc, ông là nước lớn nhưng không tuân thủ luật pháp, không có chính nghĩa.
Trung Quốc chắc chắn sẽ phải cân nhắc giữa hình ảnh của mình và những lợi ích đạt được khi làm sai, cái gì lớn hơn? Giữ hay hi sinh hình ảnh đó để chiếm lấy lợi ích từ các đảo, bãi đá ngầm? Với chủ trương “trỗi dậy hòa bình”, tư tưởng nước lớn muốn lãnh đạo thế giới, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải cân nhắc rất kỹ nếu muốn tiếp tục thực hiện những hành vi sai trái này.
- Dưới góc độ ngoại giao, hành động của Philippines nói lên điều gì?
- Trong trường hợp này, đơn kiện của Phillippines mang lại một hệ quả rất thú vị: "quốc tế hóa vấn đề Biển Đông". Từ trước tới nay, Trung Quốc vô cùng sợ điều này. Với lợi thế của "gã khổng lồ", Trung Quốc luôn muốn dùng đàm phán song phương để "bẻ gãy từng chiếc đũa". Đương nhiên khi Phillippines khởi kiện, dù chưa nói tới thắng hay thua, thì mọi người sẽ nhìn vào, nơi chàng David nhỏ bé chiến đấu với gã khổng lồ Goliat. Cả thế giới sẽ quan tâm, nhìn vào, báo chí đưa tin um xùm và người ta sẽ đón chờ phản ứng của Trung Quốc. Trung Quốc, với tư cách là một ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an, với sức mạnh của nền kinh tế thứ hai thế giới, họ sẽ chứng tỏ gì?
Là một nước lớn, chỉ riêng việc Trung Quốc từ chối ra tòa đã thể hiện cái lý của Trung Quốc có vấn đề. Một nước nhỏ kiện, lý do gì ông không tham gia, trong khi đây là một biện pháp giải quyết hòa bình. Như thế hình ảnh của Trung Quốc trước dư luận sẽ không đẹp chút nào. Đấy là bài rất khôn ngoan của Philippines trong hoàn cảnh mọi giải pháp ngoại giao đã thất bại, và nói như ngoại trưởng của nước này, Rosario, "sự kiên nhẫn đã cạn kiệt".
Tất nhiên, câu chuyện sẽ dẫn tới vấn đề Trung Quốc trả đũa như họ từng làm thông qua con đường kinh tế và gây thiệt hại không nhỏ cho Philippines. Nhưng như Tổng thống Philippines Aquino đã nói, họ vô cùng quyết liệt, họ không đánh đổi vấn đề kinh tế để nhân nhượng về chủ quyền. Và đương nhiên Trung Quốc hiểu rằng đây là một hòn đá tảng, một đối thủ không dễ nuốt.
- Vụ kiện của Philippines sẽ đem lại bài học gì cho ASEAN và Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông?
- Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều có tâm lý e ngại Trung Quốc, không biết Trung Quốc nghĩ gì bởi Trung Quốc luôn nói một đằng, làm một nẻo. Từ năm 2009 tới nay, đối với Việt Nam, ASEAN và các nước khác, Trung Quốc luôn nói tới hòa bình hữu nghị, hợp tác lâu dài, không muốn làm phức tạp thêm tình hình... nhưng bản thân Trung Quốc luôn làm phức tạp thêm tình hình. Nào là cắt dây cáp, mời thầu dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đơn phương đưa các lệnh đánh bắt cá...
Giống như chuỗi domino, mọi người sẽ nghĩ đến khả năng, nếu Philippines làm vậy, có thể Việt Nam, Malaysia cũng sẽ làm. Rõ ràng tuyên bố đường chữ U vi phạm UNCLOS thì bất cứ nước nào là thành viên công ước cũng có thể làm. Chẳng hạn như Canada, ở rất xa Biển Đông, có thể kiện lên tòa trọng tài rằng Trung Quốc vi phạm. Nhưng Canada có làm thế không khi họ phải tính tới lợi ích của họ?
Câu chuyện này là một thách thức cho ASEAN, cho thấy sự đoàn kết, cơ chế hợp tác của ASEAN thực tế là lỏng lẻo. Tôi nghĩ rằng, tới đây, cả khối sẽ phải nhìn lại cơ chế đó đã đủ để bảo vệ các thành viên của mình hay chưa? Có thể, nó sẽ thúc đẩy ASEAN cùng ngồi lại với nhau tìm ra một cơ chế hữu hiệu, hoàn hảo hơn.
Còn đối với Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng về vụ việc. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải thể hiện quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ trong vụ việc này vì những vấn đề mà Philippines phản đối cũng là việc chúng ta đang phản đối, lợi ích mà nước này đang bảo vệ cũng chính là lợi ích của chúng ta.
Nguyễn Hưng thực hiện