Từ hai chiến tuyến về chung một nhà

Thứ hai - 05/05/2014 03:47 - Đã xem: 1223
Vào mỗi dịp 30.4, có hai người lính từng ở hai đầu chiến tuyến lại cùng nhau ôn chuyện cũ, vì nếu không có ngày lịch sử đó thì họ không thể trở thành người trong một gia đình như bây giờ.

 
Từ trái qua: Ông Lê Hoàng và ông Đặng Thế Căn vui cùng con cháu -Ảnh: Ngọc Anh

Đó là ông Đặng Thế Căn, 69 tuổi, cựu chiến binh quân đội nhân dân Việt Nam và ông Lê Hoàng, 63 tuổi, cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa, hiện cả hai ông đều ở thôn Bình An, xã Bàu Cạn (H.Chư Prông, Gia Lai). Họ trở thành anh vợ, em rể ngay sau ngày thống nhất đất nước.

Một đám cưới hiếm có

Ngày 30.4.1975, đơn vị ông Đặng Thế Căn đóng quân trong khu vực Nông trường quốc doanh chè Bàu Cạn, một đồn điền do người Pháp để lại và đem lòng yêu cô công nhân Lê Thị Nga.

Không lâu sau họ làm đám cưới. Có lẽ do chiến tranh quá dài, còn sống được là may nên tâm lý chung của bộ đội quê miền Bắc lúc đó là nôn nóng về quê, ai độc thân thì lấy vợ sinh con.

Riêng ông Căn còn khao khát tình cảm gia đình hơn do bố mẹ mất sớm, tuổi thơ côi cút, đến tuổi thanh niên lại biền biệt chiến trường. Nhưng vào thời điểm khói súng vừa tan, một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam kết hôn với con gái một gia đình ở "phía bên kia" cũng không phải dễ dàng. Bởi ngoài ông Lê Hoàng là em trai, bà Nga còn có một người chú ruột cũng đi lính Việt Nam Cộng hòa. "Ban đầu chỉ dám qua lại thôi, phải chờ có quyết định phục viên tôi mới dám làm đám cưới", ông Căn kể lại.  

Gia đình bà Nga đón nhận chàng rể là bộ đội miền Bắc, nhưng cũng bắt đầu tìm kiếm tung tích của ông Lê Hoàng, lúc đó họ chỉ biết trước khi chiến tranh kết thúc ông Hoàng đóng quân ở miền Tây Nam bộ.

Hơn một năm sau thì có tin chính thức, ông Căn lập tức cùng mẹ vợ từ Tây nguyên đi Sóc Trăng tìm kiếm em vợ. Lần đầu gặp anh rể, ông Hoàng vui mừng trước hạnh phúc của chị gái, nhưng cũng ngại ngùng vì anh rể là... bộ đội.

Sau khi nhận anh rể, em vợ, ông Căn nộp giấy xác nhận của đơn vị, giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình để xin bảo lãnh ông Hoàng về sớm. Cán bộ trại cải tạo nói cứ yên tâm về trước, ông Lê Hoàng sẽ được đoàn tụ gia đình trước ngày 30 tết. Đó là tết năm 1977.

 

 
Ông Lê Hoàng và một cháu gái trong gia đình - Ảnh: Ngọc Anh

Hòa giải từ 39 năm trước

So với nhiều số phận khác sau chiến tranh, ông Hoàng có phần may mắn. Một năm sau khi cải tạo về, ông được Nông trường quốc doanh chè Bàu Cạn tiếp nhận làm cán bộ phòng kế hoạch, phụ trách xây dựng cơ bản, đến năm 2007 mới nghỉ hưu theo quy định.

Ông Hoàng chia sẻ: "Trước tôi là sinh viên đại học Kiến trúc Sài Gòn, năm 1974 bị lệnh tổng động viên đi lính. Những ngày đầu thống nhất đất nước, cách mạng rất cần những người biết kỹ thuật nên tôi được tiếp nhận, cũng nhờ vậy mà hòa nhập nhanh hơn".

Hiện ba người con của ông Hoàng đều học hành đỗ đạt, làm việc ở TP.HCM và Bình Dương, hai người con lớn đã có gia đình. Ông Căn cũng chỉ có hai vợ chồng già ở nhà, do đó nhiều bữa hai nhà nấu cơm chung. Cứ mỗi dịp 30.4, gia đình họ lại tràn ngập tiếng cười khi con cháu trở về đông đủ.

Tôi hỏi chuyện hòa giải dân tộc đang được nói đến nhiều, ông Hoàng nói: "Biết bao gia đình ở miền Nam có người bên này, có người bên kia, vô cùng đau khổ. Họ phải vượt qua bao khó khăn để xóa bỏ sự ngăn cách ấy. Còn gia đình tôi thì hơi khác, đó là cuộc hội ngộ sau chiến tranh, một cuộc hội ngộ chủ động chứ không phải tình cờ".

Ông Căn cũng không giấu niềm tự hào khi lấy câu chuyện của mình để cho rằng, hòa giải dân tộc đã được tiến hành từ 39 năm trước, ngay sau khi cuộc chiến tranh vừa kết thúc chứ không phải bây giờ.

Ngọc Anh

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây