Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”
Họa sĩ Nguyễn Bích là một trong những người vẽ nhiều tranh nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ. Gần cuối chiến dịch, ông được Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ vẽ huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” – một phần thưởng mà Bác Hồ sẽ trao tặng cho các chiến sĩ tham gia chiến dịch. Ngay lúc đó, ông đã phác thảo hình ảnh và được duyệt, rồi đưa ngay ra nước ngoài để thể hiện.
Bộ đội ta hò kéo pháo. Tranh tư liệu |
Trong huy hiệu, họa sĩ đã chọn thể hiện hình ảnh anh bộ binh- lực lượng chính tham gia chiến dịch; có lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”; có khẩu pháo, có núi bao quanh (thể hiện địa hình của lòng chảo Mường Thanh”. Nền của tấm huy hiệu là cảnh cánh đồng màu vàng rực rỡ, vừa mang ý nghĩa là một vựa thóc lớn của cánh đồng Điện Biên Phủ, vừa thể hiện sự đóng góp của nhân dân về sức người, sức của cho thắng lợi của chiến dịch.
Bên cạnh đó, chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” còn ghi dấu ấn của chiến thắng – năm 1954. Như vậy, trong khuôn khổ rất nhỏ nhưng họa sĩ Nguyễn Bích đã thể hiện được khá nhiều hình ảnh vừa mang tính biểu tượng khái quát lại vừa chứa đựng những ý nghĩa sâu xa.
Đến nay, sau 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ được tấm huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” của người thân khi tham gia chiến dịch. Đây thực sự là một kỷ vật thiêng liêng và quý báu, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Bộ tranh về Điện Biên Phủ
Suốt 60 năm qua, đề tài Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn luôn cuốn hút các họa sĩ và nhà điêu khắc nước ta dành nhiều tâm huyết và công sức sáng tác. Trong đó, phải kể đến họa sĩ Huy Toàn – một người đã có nhiều thành công ở đề tài này, và tác phẩm của ông đã được trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam… Đó là các bức tranh: “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng”, “Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, “Ngày 7/5/1954”…
Đặc biệt, ông có một số tác phẩm mỹ thuật rất hoành tráng như bức sơn mài khổ dài và lớn “Điện Biên Phủ” là một chương trong bộ tranh giàu tính sử thi: “Tổ quốc”; và bức tranh sơn dầu dài gần 30m, thể hiện toàn cảnh trung tâm Mường Thanh với trọng tâm là cuộc chiến đấu ở đồi A1 – trận đánh mang ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của chiến dịch.
Những ca khúc về Điện Biên Phủ
Ngay từ cuối năm 1953, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã hòa mình vào các đơn vị bộ đội hành quân lên Tây Bắc. Và ông đã diễn tả lại không khí đó bằng bài hát “Đâu có giặc là ta cứ đi”, sau đổi thành “Hành quân xa”:
Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ
Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi…
Bài hát nhanh chóng được lan truyền đi khắp các đơn vị bộ đội, dân công. Bài hát này đã thổi một nguồn sinh khí cho các chiến sĩ, động viên, cổ vũ tinh thần của bộ đội, dân công hăng hái hành quân và vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường.
Chiều ngày 13/3/1954, quân ta giàng thắng lợi ở cứ điểm Him Lam, khiến toàn quân dân ta vô cùng phấn chấn. Trận đánh này còn đánh dấu với chiến công oanh liệt của anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Lấy hình ảnh tuyệt đẹp của người anh hùng làm nền, Đỗ Nhuận đã viết ngay bài hát “Trận Him Lam" nhằm cổ vũ và đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần xả thân vì đất nước của các chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Sau khi chiến dịch đã giành được thắng lợi hoàn toàn, Đỗ Nhuận có ngay ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” như một khúc ca khải hoàn, tưng bừng khí thế chiến thắng: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”.
Tố Hữu với bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”
Là người theo sát những diễn biến của chiến dịch, nhà thơ Tố Hữu đã có những bài thơ cổ vũ kịp thời tinh thần chiến đấu của quân dân ta, trong đó nổi bật là bản anh hùng ca “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Tác phẩm này được ông viết xong ngay buổi chiều nghe tin thắng trận – ngày 7/5/1954. Bài thơ khá dài, nhịp nhanh, khí thế tưng bừng đã diễn tả lại những năm tháng gian lao mà anh hũng và niềm vui chiến thắng vô bờ bến của quân dân ta:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!...
Giương cao ngọn cờ chiến thắng. Tranh tư liệu |
Bộ ảnh đầu tiên về chiến thắng Điện Biên Phủ
Đó là bộ ảnh của nhà nhiếp ảnh quân đội Triệu Đại chụp trong buổi trưa và chiều ngày 7/5/1954, ghi lại hình ảnh bộ đội ta tấn công các vị trí 507, 508 và 509 nằm trên tả ngạn sông Nậm Rốm, rồi xung phong băng qua cầu Mường Thanh để đánh chiếm sở chỉ huy địch là hầm tướng Đờ Cátxtơri.
Bộ ảnh quan trọng này đã được tráng ngay và gửi sang triển lãm tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, nơi đang diễn ra cuộc đàm phán với Pháp về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Các tác phẩm nhiếp ảnh quý giá này là một bằng chứng hùng hồn về những thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ và đã góp phần thúc đẩy sự thắng lợi của cuộc đàm phán ở hội nghị Giơ-ne-vơ đến nhanh hơn...
Trần Văn Lợi