Thông tư 49/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) có hiệu lực từ tháng 7/2013 quy định, bến xe khách được chia làm 6 loại và bắt buộc đạt các điều kiện như: Phải được xây dựng theo quy hoạch đã được UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; chỉ được đưa vào khai thác sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền công bố; đường ra, vào bến xe khách phải được thiết kế theo các quy định bảo đảm lưu thông thuận tiện, hạn chế tối thiểu xung đột giữa dòng phương tiện ra, vào và với người đi bộ; đường lưu thông dành cho xe cơ giới trong bến xe khách phải có các biển báo hiệu, vạch kẻ đường, có bán kính quay xe phù hợp để đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông an toàn trong khu vực bến xe; các công trình và lối đi lại trong khu vực bến xe khách phải đáp ứng bảo đảm người khuyết tật tiếp cận sử dụng…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tất cả 9 bến xe khách, nhưng chưa có bến xe nào đủ tiêu chuẩn loại 6 theo quy định. Điển hình như Bến xe khách Gia Nghĩa, mặc dù nằm ở vị trí trung tâm tỉnh, nhưng đây mới chỉ là bến xe được bố trí tạm thời.
Bến xe khách Gia Nghĩa đang hoạt động tạm thời nên cơ sở vật chất chưa đạt điều kiện theo Thông tư 49. |
Theo ông Phạm Bá Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Lợi Phát (đơn vị quản lý Bến xe khách Gia Nghĩa) thì do đang hoạt động ở vị trí tạm thời nên các khâu quản lý, tổ chức, điều hành bến xe gặp rất nhiều khó khăn. Bến xe không không đạt đủ diện tích đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các nhà xe, kéo theo các hoạt động ra vào bến cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù từ năm 2012, đơn vị đã đăng ký với các cơ quan chức năng để đầu tư xây dựng bến xe đạt tiêu chuẩn loại 4, nhưng vì còn vướng các thủ tục đền bù đất đai nên chưa được bố trí quỹ đất để xây dựng.
Còn tại Bến xe khách Đắk Song, mặc dù đã đạt được tiêu chí về mặt diện tích, nhưng tất cả các tiêu chí khác như: đường xe ra vào bến, diện tích tối thiểu phòng chờ cho khách, số chỗ ngồi tối thiểu khu vực phòng chờ, hệ thống điều hòa, quạt điện khu vực phòng chờ, diện tích văn phòng dành cho công an, y tế, thanh tra giao thông…chưa được thực hiện theo đúng yêu cầu. Với tất cả các bến xe còn lại cũng gặp phải rất nhiều hạn chế nêu trên, nên cũng không có khả đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của Thông tư 49.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Mạnh, Trưởng Phòng Vận tải – Phương tiện người lái (Sở GT-VT) cho biết: "Theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định các tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô liên tỉnh có cự ly từ 300 km trở lên phải xuất phát và kết thúc từ bến xe loại 4 trở lên. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh còn nhiều khó khăn, nên Bộ GT - VT đã tạo điều kiện và cho phép các đơn vị khai thác bến xe có thêm thời gian để đầu tư nâng cấp hạ tầng bến xe đạt yêu cầu quy định, nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2015. Nếu sau thời gian trên, tất cả các bến xe không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì các tuyến vận tải có cự ly chạy trên 300 km trở lên sẽ bị điều chuyển về các bến xe đủ tiêu chuẩn”.
Cũng theo ông Mạnh, để giải quyết những khó khăn nêu trên, thời gian qua, Sở GT - VT đã tích cực kêu gọi cac nhà đầu tư vào xây dựng và nâng cấp các bến xe trên địa bàn tỉnh theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do mật độ dân cư thưa thớt, nhu cầu người dân đi lại chưa cao, lưu lượng phương tiện xe khách đi và đến các bến xe còn thấp, nên việc nâng cấp các bến xe theo đúng tiêu chuẩn còn chưa thực hiện được. Hiện nay, đã có hai đơn vị là Công ty TNHH Lợi Phát Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Công ty vận tải Hoàng Long (Đắk Mil) xin đăng ký đầu tư xây dựng bến xe, nhưng để hoàn thành trước mốc thời gian 31/5/2015 là điều rất khó khăn.
Bài, ảnh: Phan Tuấn