Chú trọng đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng: Góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ năm - 12/06/2014 03:29 - Đã xem: 943
Nếu như trước đây, giống cây trồng được xếp vào hàng thứ yếu với kinh nghiệm đúc kết của ông cha là "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì trong thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến, giống được xem là yếu tố hàng đầu quyết định năng suất, giá trị cây trồng, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thị trường.

Tại các cuộc khảo sát để nắm bắt tình hình triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 của các đoàn công tác của tỉnh mới đây, cho thấy là nhiều nông dân bày tỏ nguyện vọng của họ là làm sao để được tiếp cận với những giống cây trồng có năng suất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng như quy hoạch theo định hướng chiến lược.

Mô hình trồng măng cụt xen giống bơ 034 của ông Trần Quang Đông cho năng suất, chất lượng cao

Thực tế thời gian qua, người nông dân chủ yếu vẫn tự mày mò trong khâu chọn giống nên nhiều khi phải mua những cây giống  trôi nổi, thiếu độ tin cậy. Thậm chí, lợi dụng “tranh tối, tranh sáng”, sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều đối tượng đã trục lợi bằng việc bán cho họ những giống cây trồng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, năng suất như lời quảng cáo.

Tuy nhiên, khi phát hiện ra, nông dân phải thiệt đơn, thiệt kép chứ không có đơn vị, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Địa bàn Đắk Nông được biết đến với một số loại cây trồng chủ lực như tiêu, cà phê nhưng hiện chúng ta vẫn chưa xây dựng được trung tâm nghiên cứu, sản xuất các loại giống cây trồng này nên chưa chủ động được nguồn cung cấp giống. Một số loại cây “đặc sản” của tỉnh như măng cụt, bơ, các loại cây có múi cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Ông Trần Quang Đông, chủ trang trại cây ăn trái ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: “Để có được một trang trại cây ăn trái với hơn 8 ha măng cụt trồng xen giống bơ 034, tôi đã phải lần tìm cây giống ở khắp nơi để chọn cho mình những chủng giống phù hợp. Khi đã chọn được cây giống, tôi lại phải mất thêm mấy năm trồng thử nghiệm để xem mức độ thích ứng, năng suất và chất lượng. Sau nhiều lần thất bại, đến nay, tôi cũng đã chọn được hai loại giống cây trồng phù hợp, cho năng suất cao là cây măng cụt và bơ 034. Nếu tỉnh có một trung tâm chuyên nghiên cứu và cung cấp cây giống, tôi cho rằng nông dân sẽ đỡ được rất nhiều thời gian, chi phí ban đầu cho đầu tư nông nghiệp theo hướng công nghệ cao”.

Theo ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì đầu tư công nghệ ứng dụng để nghiên cứu, sản xuất cây giống được xem là một trong những bước đột phá, tiền đề để đẩy nhanh lộ trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây không chỉ là cơ sở để nông dân tiếp cận được những nguồn giống tin cậy, có năng suất và chất lượng đảm bảo mà còn giúp tỉnh trong việc thực hiện tốt mục tiêu quy hoạch vùng chuyên canh các loại cây thế mạnh.

Trên thực tế, thời gian qua, tỉnh cũng như các địa phương đã xúc tiến các bước để thành lập các trung tâm sản xuất cây giống theo nhu cầu thực tiễn từng vùng nhưng xem ra tiến độ vẫn còn rất chậm. Ngoài một số cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ hiện có, hiện tại huyện Tuy Đức đang manh nha xây dựng trung tâm giống cây trồng tại khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Quảng Tâm. Một số dự án của tỉnh trong lĩnh vực này mặc dù đã được xây dựng, đồng ý chủ trương nhưng vẫn chưa thể triển khai vì không đủ nguồn lực.

Đơn cử như ngày 26/12/2012, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã có Công văn số 4405/BNN-KH về việc hỗ trợ ngành nông nghiệp tỉnh triển khai Đề án sản xuất giống ngô và Đề án tái canh cà phê nhưng hiện nay chưa triển khai thực hiện, do chưa có nguồn kinh phí để qui hoạch vùng cơ sở sản xuất giống.

Ngoài ra, Thực hiện Quyết định số 62/QĐ-BNN, ngày 16/8/2006 của Bộ Nông nghiệp-PTNT về việc phê duyệt chiến lược giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án giống cây trồng lâm nghiệp, giai đoạn 2012-2020, với tổng vốn đầu tư hơn 18,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước là gần 15 tỷ đồng và  vốn các doanh nghiệp hơn 2,2 tỷ đồng; vốn Dự án FLITCH 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên do thiếu vốn nên dự án vẫn chưa thể triển khai thực hiện.

Trên cơ sở điều kiện, nhu cầu thực tiễn, ngoài việc chỉ đạo các cấp, ngành quyết liệt trong vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh xây dựng trung tâm sản xuất giống cà phê và giống các cây trồng khác để phục vụ nhu cầu cung cấp giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp; có chính sách thu hút các doanh nghiệp bên ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như xây dựng các trung tâm sản xuất giống gắn với xây dựng mạng lưới cơ sở thu mua nông sản, nhà máy sơ chế các loại sản phẩm nông nghiệp.

Bài, ảnh: Hà An


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây