Công ty Mía đường Đắk Nông: Nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu

Thứ tư - 02/04/2014 04:57 - Đã xem: 1400
Thời gian qua, Công ty Mía đường Đắk Nông ở Khu công nghiệp Tâm Thắng (Chư Jút) đã thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu để đảm bảo sản xuất.

Một trong những giải pháp đang được công ty triển khai thực hiện, đó là chọn trồng các giống mía đạt năng suất, chất lượng cao để dần thay thế những giống cũ. Hiện nay, giống mía K của Thái Lan đang được công ty chọn trồng và mở rộng diện tích.

Dây chuyền sản xuất đường RS tại Công ty Mía đường Đắk Nông

Ông Vũ Văn Khiết, Giám đốc Nhà máy sản xuất của Công ty Mía đường Đắk Nông cho biết: “Năm 2012, công ty đã xây dựng mô hình trồng 200 ha giống mía K của Thái Lan tại cánh đồng mía ở các địa phương trong tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và vụ mùa này đã cho thu hoạch. Trong quá trình trồng cho thấy, mía K phù hợp với khí hậu và đất đai ở các địa phương lại kháng sâu bệnh cao. Ưu điểm nổi bật của mía K, đó là cho năng suất và chữ đường cao hơn hẳn so với các giống mía cũ. Trong vụ mùa này, các hộ dân trồng mía K đều đạt năng suất 70-80 tấn/ha, trong khi những giống cũ chỉ đạt từ 40-50 tấn/ha. Ngoài ra, mía K còn có ưu điểm như kéo dài thời gian tái vụ là 5 năm, chịu hạn tốt. Trong vụ mùa này, công ty đánh xe đến tại ruộng mía và mua với giá 8.8 triệu đồng/tấn, trừ tất cả chi phí nông dân còn lời khoảng 30 triệu đồng/ha”.

Vụ mía này, Công ty Mía đường Đắk Nông có tổng diện tích mía nguyên liệu 4.500 ha, chủ yếu tập trung ở các vùng nguyên liệu thuộc các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, K’rông Bông của tỉnh Đắk Lắk và huyện Chư Jút của tỉnh ta. Trong số 200 ha mía K được công ty trồng trình diễn vừa thu hoạch thì có tới 100 ha trồng ở 2 xã là Nam Dong, Ea Pô của huyện Chư Jút.

Ông Khiết cũng cho biết thêm: “Từ thành công trong việc trồng mía K thì mùa mưa này công ty sẽ hợp đồng với nông dân chuyển đổi phần lớn diện tích sang trồng giống mía này. Công ty cũng có những chính sách ưu đãi cho nông dân để giữ vững vùng nguyên liệu là cung cấp toàn bộ cây giống và đầu tư 25 triệu tiền công cày đất, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh cho mỗi hecta để nông dân trồng mới và đến mùa thu hoạch thì trừ vào tiền bán mía. Công ty còn mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cày đất, trồng và chăm sóc cây mía K cho nông dân để vào đầu mùa mưa này sẽ trồng đại trà. Dự kiến, công ty sẽ mở rộng diện tích trồng mía trên địa bàn huyện Chư Jút và các huyện Krông Nô, Đắk Mil…”.

Mía nguyên liệu được cân và chuyển vào nhà máy để ép

Bên cạnh đó, đối với những ruộng mía cũ đang cho thu hoạch hiệu quả thì đơn vị tiếp tục hướng dẫn nông dân đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật để đạt năng suất và chất lượng đường cao nhất. Đến thời điểm này, công ty đã sản xuất được trên 27.000 tấn và dự kiến hết mùa vụ sẽ vượt mức kế hoạch 30.000 tấn đường RS đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường.

Bài, ảnh: Thanh Nga


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây