“Tam nông” - tiền đề để phát triển toàn diện, bền vững

Thứ sáu - 28/03/2014 03:29 - Đã xem: 909
Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là động lực quan trọng trong hiện đại hóa, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh lương thực, trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vấn đề “tam nông” ở tỉnh ta đã và đang được quan tâm, triển khai khá đồng bộ và đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Từ chủ trương...

Sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (Nghị quyết 26) được ban hành, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 35A-Ctr/TU ngày 8/12/2008 để làm cơ sở, định hướng cho việc cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương vào điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng đã tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền và quán triệt nội dung tinh thần Nghị quyết 26, kế hoạch của Tỉnh ủy đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Từ đây, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai nội dung nghị quyết một cách kịp thời, sâu rộng, đồng bộ tại đơn vị mình. Các đơn vị chức năng đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thi, hội diễn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật…nên tạo được một khí thế mới trong xây dựng nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông dân trên khắp địa bàn.

Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Văn Chu ở bn Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Ảnh: Phan Tuấn

Để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong chiến lược phát triển của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định: “Phát triển nền nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững, đồng thời tạo mũi đột phá về nông nghiệp kỹ thuật cao.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ”. Với tinh thần, định hướng chung đó, tỉnh đã ban hành hàng loạt nghị quyết, chương trình, kế hoạch để làm cơ sở, tiền đề cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

Trên cơ sở này, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư, tranh thủ các nguồn lực nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân. Từ đây, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã phát huy tính thực tiễn, đi vào đời sống người dân một cách đồng bộ, hiệu quả.  

Đến hiệu quả thực tiễn

Có thể khẳng định, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thực sự khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân không ngừng được nâng cao.

Đến nay, các địa phương đang định hình được nhiều vùng sản xuất tập trung mang tính chuyên môn hóa cao như các mô hình trồng măng tây xanh; trồng cây ăn trái, cây hoa màu cho thu nhập cao ở các địa phương Tuy Đức, Đắk Glong, Gia Nghĩa, Chư Jút…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, mang hàm lượng khoa học cao như chuyển đổi diện tích cây cà phê phát triển trên những vùng thiếu nước tưới, đất có độ dốc lớn, đất bạc màu sang trồng các loại cây khác phù hợp; chuyển đổi một số diện tích điều, cao su kém hiệu quả sang trồng một số cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Từ đây, tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tăng quy mô các cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Quy hoạch diện tích của ngành trồng trọt đã đi vào quỹ đạo, mang tính ổn định cao.

Các địa phương đã và đang hình thành những vùng chuyên canh để đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới có năng suất vào trồng, chăm sóc. Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn cũng đã có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Nhiều mô hình chăn nuôi triển vọng đã xuất hiện như mô hình nuôi giống bò đực Barhman lai tạo với giống địa phương; giống heo Landrace,Yorkshire… các giống cá tầm, cá lăng, cá chình, bống tượng… đã được người dân đưa vào nuôi theo dạng mô hình có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Trên cơ sở phát triển nền nông nghiệp gắn với dịch vụ, công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn cũng đang phát triển cả về chiều rộng lẫn quy mô đầu tư. Hơn 5 năm qua, tổng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn hàng năm bình quân chiếm khoảng 71% giá trị công nghiệp toàn tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 21%.

Hiện nay, toàn tỉnh có 47 chợ truyền thống và hơn 14.130 đơn vị kinh doanh thương mại dịch vụ với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 31%.  

Cây cao su được định hướng phát triển tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: Hồng Thoan

Ngoài việc ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng, sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp nông nghiệp, nông thôn như đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cơ sở chế biến, bảo quản phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp.

Hơn 5 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, toàn tỉnh đã xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi với tổng dung tích hữu ích hồ chứa đạt trên 200m3, phục vụ tưới cho gần 34.000 ha cây trồng các loại và 110 cơ sở chế biến nông, lâm sản.

Từ chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm cộng với việc lồng ghép các chương trình, chính sách khác, toàn tỉnh đã cứng hóa được hơn 700 km đường giao thông liên xã, liên thôn; mở rộng, làm mới khoảng 1.500 km đường cấp phối; hạ tầng thiết chế văn hóa ở khu dân cư từng bước được xây dựng, hoàn thiện.

Đến nay, 100% số xã trên toàn tỉnh có điện lưới; hơn 150 phòng học được xây mới; gần 50% số thôn, bon, buôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. Toàn tỉnh có tổng số 11 bưu cục và 43 điểm bưu điện văn hóa xã, 54 đại lý bưu điện đa dịch vụ với 108 điểm phục vụ nhu cầu thông tin, giao lưu văn hóa, kiến thức cho người dân khu vực nông thôn.

Cùng với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án, thời gian qua, toàn tỉnh đã kêu gọi được 9 dự án FDI với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 34 triệu USD, trong đó có 5 dự án đã hoàn thiện đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với số vốn đầu tư theo đăng ký đạt 17,29 triệu USD, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, củng cố hạ tầng và năng lực, mức sống cho người dân khu vực nông thôn.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2009-2013, kế hoạch phân bổ vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh là hơn 5.656 tỷ đồng với tỷ lệ giải ngân hàng năm đạt khoảng 90%.

Từ việc đầu tư đồng bộ nêu trên mà trình độ, năng lực cũng như mức sống của người dân khu vực nông thôn đang có những thay đổi rõ nét. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước nâng lên; thu nhập bình quân đầu người tăng và tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mạnh theo hướng bền vững.

Bình quân có khoảng 21% lao động nông thôn trên địa bàn hàng năm được đào tạo nghề, tiếp cận các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nông dân đã biết liên kết thành nhóm, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất để phát huy ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và sự ổn định cho đầu ra của sản phẩm do mình làm ra…

Có thể thấy, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng kết quả từ việc thực hiện chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh ta đã một lần nữa khẳng định đường hướng đúng đắn trên lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây cũng chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn, tạo thế và lực vững chắc trong chiến lược phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Đức Diệu


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây