Thu nhập thấp: Chi tiêu thế nào cho hợp lý?

Thứ sáu - 28/03/2014 02:53 - Đã xem: 1027
Một tháng lương của bạn được 5 triệu đồng, còn chồng bạn cũng chỉ nhỉnh hơn bạn một ít. Làm sao để chi tiêu hợp lý trong khi giá điện tăng, xăng cũng tăng, và còn chi tiêu cả những khoản "lặt vặt" cho gia đình nhỏ của bạn nữa. Dưới đây là những cách giúp bạn chi tiêu hợp lý và tiết kiệm.

Mang cơm đi làm

Chị Lan (Hà Nội) tâm sự: "Trước đây, ngày nào đi làm mình cũng ăn trưa ở ngoài hàng. Có khi thì đi ăn với bạn bè, có lúc thì đi ăn một mình. Bình quân một bữa cơm trưa của mình vào khoảng 40 nghìn đồng. Tuy nhiên, đấy là tính sơ sơ thôi chứ có những hôm bạn bè rủ đi ăn "sang", mỗi bữa đó chia ra cũng phải hơn 100 nghìn đồng. 

Sau vài tháng, mình thấy chi tiêu như vậy thì không ổn, 1 tháng lương được có hơn 4 triệu, riêng tiền ăn đã hơn 1 triệu. Thế nên, mình quyết định sắm hộp cơm để mang đi ăn. Bữa cơm tối của ngày hôm trước mình nấu nhiều lên một chút, sáng hôm sau chỉ việc gói lại đem đến cơ quan cắm nóng lên là ăn thôi.

Một bữa cơm bụi rẻ nhất cũng 25.000 đồng, vì vậy, đem cơm đi làm là một cách tiết kiệm của dân công sở.  Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Thời gian đầu cũng buồn vì cứ đến trưa là mọi người kéo nhau đi ăn hết, còn có mình ngồi lủi thủi ăn 1 mình. Buồn lắm nhưng sau rồi, mấy chị ở cơ quan thấy cách mình làm vừa tiết kiệm lại hợp lý nên cũng mang cơm đi ăn. Giờ buổi trưa, ăn cơm xong, mấy chị em lại có thời gian ngồi tám chuyện hoặc không thì dành ra một chút để nghỉ ngơi, chiều làm việc cho đỡ oải."

Hiện nay, "mẹo" này của chị Lan cũng chính là cách mà nhiều chị em dân công sở áp dụng. Chị Hường, một nhân viên văn phòng cho hay: "Ngày nào cũng phải nghĩ, hôm nay mình sẽ ăn gì. Quanh quanh cũng chỉ hết ăn cơm văn phòng thì là bún, miến, phở,... Chán lắm. Mình quyết định rủ mấy chị em ở cơ quan mang cơm đi ăn. Lúc đầu còn có 1, 2 người, giờ thì cả mấy ông cũng bảo vợ sắm đồ cho mang cơm đi ăn cùng mọi người. Ăn thế vừa vui, vừa thêm đoàn kết. Thi thoảng, chúng tôi cũng sẽ đổi món, không mang cơm đi thì sẽ rủ nhau đi ăn bún, phở."

Mua đồ ở tạp hóa

Cứ khoảng 2-3 tuần là chị Hà lại đi siêu thị 1 lần. Mỗi lần đi siêu thị, chị Hà mua rất nhiều đồ, phần lớn là đồ dùng gia đình. Chị Hà kể: "Ban đầu chị chỉ có ý định mua những đồ lặt vặt và mua vài thứ thôi nhưng vào đến siêu thị nhìn thích mắt, nhặt đồ sướng tay. Mỗi lần thanh toán, lần nào cũng là tiền triệu. Tôi xót hết cả ruột. Mà có những đồ mua về xong cũng không dùng đến mà chỉ là mình thấy thích thôi.  

 

Không chỉ riêng chị Hà, rất nhiều bà nội trợ chi tiêu tiết kiệm. Ảnh minh họa, nguồn: Internet. 

Gần đây, tôi phải chấn chỉnh lại chi tiêu vì tháng nào 2 vợ chồng với 1 cô con gái nhỏ 3 tuổi cũng tiêu hết cả chục triệu, trong khi, lương tháng tổng cả 2 vợ chồng tôi cũng chỉ có hơn chục triệu. Chả bao giờ có tiền tiết kiệm cả."

Giờ đây, chị Hà 1 tuần mua sắm đồ 1 lần, mà chỉ mua ở tạp hóa gần nhà thôi. Những thứ chị mua là những thứ thật cần thiết và cần dùng trong gia đình. Không tiêu xài hoang phí như trước đây nữa. 

Chị Hà cho hay: "Mua đồ ở siêu thị có cái lợi nhưng cứ vào đó là mình bị "hoa mắt" lại ham rẻ, ham đồ khuyến mại. Nhìn đồ gì cũng muốn mua. Mua ở tạp hóa thì nhanh chóng, mua gì xong là về, cần gì là chạy ra mua thôi. Thế mà từ khi chấn chỉnh lại, gia đình mình cũng tiết kiệm được ít tiền."

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây