Thực tế cho thấy, thông qua các lớp hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi do các cấp Hội nông dân trong tỉnh tổ chức, nhiều nông dân đã từng bước ổn định sản xuất, yên tâm gắn bó với ruộng đồng.
Điển hình như ông Long Nông Quán ở thôn 12, xã Nam Dong (Chư Jút), sau khi được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức, ông đã nhận thấy, nếu chỉ chú trọng trồng hoa màu thì sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế cao và cũng không phát huy hết được thế mạnh đất đai.
Do đó, khoảng 3 năm nay, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển từ trồng hoa màu sang trồng tiêu và chăn nuôi bò và vịt. Đến nay, vườn tiêu của gia đình ông đang phát triển rất tốt, hứa hẹn cho hiệu quả cao. Riêng từ chăn nuôi vịt đẻ trứng, mỗi ngày, gia đình ông cũng thu được khoảng 200.000 đồng, hàng tháng có thêm nguồn thu nhập khá.
Ông Quán cho biết: “Tôi không còn trẻ, nên phải lựa chọn những mô hình làm ăn phù hợp với tuổi tác và sức khỏe. Hầu hết những cây, con gia đình nuôi trồng đều chăm sóc dễ dàng và không đòi hỏi sức lao động lớn, nhưng lại cho thu nhập ổn định. Có được kết quả này là nhờ tôi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội cũng như khuyến nông viên của xã hướng dẫn”.
Tương tự, gia đình bà Lê Thị Hằng ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) hiện có trên 2 ha cà phê, sau khi trừ chi phí mỗi năm cũng có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Theo như bà Hằng kể thì nhiều năm trước, do mua phải phân bón kém chất lượng nên vườn cà phê bị còi cọc, cho trái ít, bà rất nản và không muốn đầu tư chăm sóc nữa. Nhưng sau đó, bà quyết tâm phục hồi vườn cà phê bằng cách học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ các đợt hội thảo, tập huấn do Hội Nông dân xã phối hợp với cơ quan khuyến nông tổ chức. Bây giờ, với việc mỗi năm thu được trên 7 tấn cà phê nhân, bà đã trở thành một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.
Theo Hội Nông dân tỉnh thì xác định khoa học kỹ thuật luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất của nông dân, nên thời gian qua, các cấp Hội nông dân luôn phối hợp tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng…
Chỉ tính riêng trong năm 2013, các cấp Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 587 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, lập kinh tế hộ, thu hút 27.803 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, cùng với việc phối hợp tổ chức 369 cuộc hội thảo đầu bờ cho 21.835 lượt người tham dự thì riêng Tỉnh hội đã tổ chức được 7 lớp tập huấn kỹ thuật nông, lâm nghiệp và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cấp hộ tại các huyện, thị xã cho 350 cán bộ, hội viên nông dân.
Qua đó, đông đảo hội viên, nông dân đã lựa chọn những mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp để đưa vào sản xuất, phát huy hết tiềm năng và lợi thế đất đai của gia đình. Đội ngũ cán bộ hội cũng luôn vận động hội viên, nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, con mới vào sản xuất, để nâng cao hiệu quả, thu nhập, đời sống.
Hoàng Hoài
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...