Đề cập xung quanh vấn đề điều chỉnh giá điện, nhất là quyết định khá bất ngờ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ thêm 5% từ ngày 1/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo tính toán của các cơ quan chức năng, đợt tăng giá điện thêm 5% sẽ tác động trực tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,12% và sẽ làm tăng giá thành của một số ngành sản xuất, kinh doanh.
Tùy thuộc vào từng lĩnh vực với mức tiêu hao năng lượng khác nhau, giá thành sản phẩm sẽ tăng trong khoảng từ 0,004% đến 0,55% so với trước đó. Trong đó, chịu tác động lớn nhất bởi điều chỉnh giá điện là các ngành xi măng (giá thành tăng thêm 0,43%); phôi thép (0,31%); sản xuất thép thành phẩm (0,04%).
Theo đánh giá của Bộ Công thương, biên độ tăng giá điện 5% vừa qua nằm trong mức có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tới đây, giá điện cũng như xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo phải công khai, minh bạch với dân |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dung (CPI) đã tăng trở lại trên 0,8% so với tháng 7, mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm tác động của đợt tăng giá điện ngày 1/8, lý do là hóa đơn tiền điện được thanh toán vào cuối tháng và nằm trong kỳ tính CPI tháng 9.
Tới đây, giá điện sẽ minh bạch với dân
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ Công Thương cũng đã thừa nhận việc tuyên truyền giải thích đợt tăng giá điện vừa qua là chưa tốt lắm, Bộ sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu rõ, theo lộ trình, với quy định chặt chẽ, trong đó có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trường hợp nào được tăng giá. Có rất nhiều điều kiện, nhưng trong đó có 2 điều kiện, một là không tăng liên tục 2 lần trong thời hạn 3 tháng, tức là lần này cách lần kia ít nhất 3 tháng. Thứ 2, mức tăng 5% trở xuống thì thẩm quyền quyết định là Bộ Công Thương.
Vì thế, “từ năm 2012 đến nay, vào tháng 7/2012, 12/2012 và tháng 8 vừa qua, mức tăng giá điện đều đúng 5%, thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Nhưng đúng là chúng ta cần phải tuyên truyền giải thích cụ thể…”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Thông tin khác tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập và quán triệt, việc điều chỉnh giá điện tiến đến cơ chế thị trường cần có lộ trình, có chính sách kèm theo cụ thể cho người nghèo và cho các đối tượng chính sách và phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân.
Trên thực tế, trong việc tính giá điện hiện nay, Chính phủ vẫn đang hỗ trợ, hay nói cách khác là bao cấp cho một bộ phận người tiêu dùng là đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp.
“Chính phủ khẳng định, đối với hộ nghèo, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ. Tôi xin nói rằng, từ trước tới nay tất các hộ dân nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện, Chính phủ bao cấp hoàn toàn, bao cấp ở đây là cho tiền mặt, ai không dùng hết thì giữ lại số tiền mặt. Dù có điều chỉnh thế nào, người nghèo vẫn được hỗ trợ” – Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, cùng với chính sách không cào bằng đối với giá bán lẻ điện, Chính phủ cũng tiếp tục nghiên cứu chính sách để làm sao khuyến khích người dân sử dụng được trang thiết bị điện ít tiêu hao năng lượng.
Người phát ngôn Chính phủ cho biết thêm: “Tới đây, giá điện cũng như xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo phải công khai, minh bạch với dân, vì chúng ta làm tất cả cũng là lo cho nền kinh tế và cho dân”
Đinh Bách
Nguồn tin: vnmedia.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...