Siêu dự án lọc hóa dầu 30 tỉ USD: Nếu chạy đúng tiến độ, Việt Nam sẽ thừa sản phẩm lọc - hoá dầu

Thứ hai - 26/08/2013 03:07 - Đã xem: 1084
Trong khi Chủ tịch tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc thông báo kế hoạch liên kết đào tạo giữa một số trường đại học hai nước Việt Nam - Thái Lan thì Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) Sukrit Surabotsopon lạc quan về ưu thế cạnh tranh của tổ hợp lọc-hóa dầu Nhơn Hội (LHDNH) trong tương lai so với các trung tâm lớn ở Singapore, Hàn Quốc...


Ủng hộ nhiều hơn phản đối

Hơn 3 tháng trước, trong văn bản 652/TTg-KTN ngày 10.5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Bình Định hướng dẫn PTT lập dự án đầu tư theo quy định hiện hành, đồng thời tính tới ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bình Định và các cơ quan chức năng đánh giá hiệu quả, tính khả thi của dự án, “trên cơ sở đó, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung các dự án LHD, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển ngành dầu khí Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.

Trước đó- ngày 9.4, qua đánh giá độc lập và tổng hợp ý kiến từ nhiều bộ, ngành (1 đơn vị phản đối quyết liệt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký tờ trình 3044/TTr-BCT đề nghị Thủ tướng bổ sung dự án Nhà máy LHDNH vào quy hoạch phát triển dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020 nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước là 29 triệu tấn; năm 2025: 41 triệu tấn, trong khi nguồn cung tương ứng là 36 và 52 triệu tấn. Giả định trường hợp không có dự án LHDNH, nguồn cung trong nước sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn năm 2020 và 1 triệu tấn vào 2025. Ngược lại, nếu bổ sung Nhơn Hội, lượng xăng dầu dư thừa lần lượt là 7 và 11 triệu tấn. Đấy là tính toán trơn tru trên lý thuyết.

Trong thực tế, trừ Nhà máy LD Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn- vận hành đúng tiến độ năm 2009- tất cả các dự án trong quy hoạch đều ỳ ạch hoặc bế tắc. Dự án mở rộng Dung Quất lên 8-10 triệu tấn đang tìm đối tác, chưa rõ tiến độ. Liên hợp LHD Nghi Sơn (10 triệu tấn) vừa khởi động cũng chậm trễ. Tương tự là các dự án Vũng Rô, Ô Môn, Long Sơn, Nam Vân Phong.

Trong trường hợp tổ hợp LHDNH (12 triệu tấn) gây dư thừa, vẫn có thể xem xét bổ sung vào quy hoạch theo hướng ưu tiên thị trường trong nước cho các nhà máy đã triển khai, dự án sẽ tham gia cung cấp phần thiếu hụt. Trường hợp một số dự án trong quy hoạch không vận hành đúng tiến độ giai đoạn 2021-2025 (và đây là khả năng rất thực tế), thì việc bổ sung dự án LHDNH vào quy hoạch, cho phép tham gia thị trường trong nước với mức độ cao hơn là chấp nhận được.

Không đợi “nước đến chân mới nhảy”

Trước nay, ngoài tâm lý lo ngại cạnh tranh, một phần thái độ dè dặt đối với dự án LHDNH là mối quan ngại về sự hiện hình của... một chiếc bánh vẽ. LHDNH- nếu triển khai- sẽ là dự án đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay với công suất 660.000 thùng/ngày, tương đương 33 triệu tấn năm; tổng vốn dự kiến từ 25-30 tỉ USD.

“Một dự án như vậy đã nằm trong chiến lược phát triển của PTT cách đây 5 năm. Ban đầu, nó được trù tính đặt ở Thái Lan. Sở dĩ chúng tôi chọn Nhơn Hội bởi mặt bằng ở đây tốt, vị trí lý tưởng (gần cảng nước sâu, có núi Phương Mai chắn gió, lại không phải tiêu tốn chi phí di dời, giải tỏa), phù hợp chủ trương đón đầu một ASEAN hợp nhất không gian kinh tế vào năm 2015, đặc biệt là cơ hội kinh doanh mới khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực” - ông Sukrit Surabotsopon giải thích.

Cả Bình Định lẫn PTT đã có những bước đi đầy quyết tâm. Tại Bình Định, một nhóm tư vấn được thành lập nhằm đảm bảo sự “trợ giúp pháp lý” tối đa cho nhà đầu tư trong toàn bộ quá trình lập dự án. Nhóm này- do TS Trần Du Lịch đứng đầu, ngoài lãnh đạo chủ chốt của địa phương, còn có sự góp mặt của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro - TS Nguyễn Giao.

Nhân lực cho dự án cũng đang được tính tới với việc “bắc cầu” liên kết đào tạo giữa Đại học Quy Nhơn với Đại học Songkla (Thái Lan) cùng một “đơn đặt hàng” dành cho Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE của nhà khoa học Việt kiều - GS-TS Trần Thanh Vân. “Nhu cầu nhân lực cho dự án là rất lớn, bao gồm 30.000 lao động trực tiếp và 100.000 lao động gián tiếp” - Chủ tịch Lê Hữu Lộc cho biết.

Về phần mình, PTT cũng vừa công bố danh tính nhà thầu tư vấn, bao gồm Cty tư vấn quản lý chiến lược Mc. Kinsey, Cty tư vấn kỹ thuật Foster Wheeler và Cty tư vấn thương mại HIS. “Chúng tôi có 9 tháng từ giờ đến tháng 5.2014 để lập dự án khả thi chi tiết. Nếu được phê duyệt, PTT lập tức chuyển sang giai đoạn hoàn tất thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), thiết kế chi tiết - mua sắm - xây dựng (EPC). Đầu 2020, dự án sẽ cho ra dòng sản phẩm đầu tiên” - ông Sukrit Surabotsopon nói.

Theo Lao động

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây