Ðổi mới thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc, có chiều sâu

Thứ hai - 24/02/2014 14:19 - Đã xem: 1063
Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn chạy theo số lượng là chính, nên cần phải có sự đổi mới theo hướng chọn lọc, có chiều sâu…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2004 đến nay, tỉnh cấp phép đầu tư cho 114 dự án phát triển kinh tế - xã hội có vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, với tổng vốn đăng ký là 15.086 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 7 dự án khác do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ở Trung ương đầu tư, với tổng số vốn vào khoảng 22.400 tỷ đồng, bao gồm: Dự án Thủy điện Đồng Nai 5; Dự án Thủy điện Đắk R’tíh; Nhà máy chế biến Alumin Nhân Cơ; Dự án xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Tâm Thắng; Dự án Đường dây tải điện 220kV và Dự án Thủy điện Đrây H’Linh II. Trong tổng số 114 dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư thì đã có 68 dự án (chiếm 60%) đi vào hoạt động và đều phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp một lượng lớn cho ngân sách Nhà nước.

Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay cũng đang có 45 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư phải tạm dừng hoạt động hoặc không hoạt động, dẫn đến việc lãng phí các nguồn tài nguyên và gây ra nhiều phiền phức trong công tác quản lý Nhà nước cũng như đời sống của người dân. Các dự án không phát huy hiệu quả chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp, khoáng sản, xây dựng khu công nghiệp…

Nguyên nhân còn nhiều dự án không phát huy hiệu quả là do trải qua một giai đoạn mà công tác thu hút đầu tư diễn ra ồ ạt, thiếu sự chọn lọc, định hướng. Chính vì vậy, nhiều dự án mặc dù không phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương; nhiều nhà đầu tư có năng lực yếu kém, làm ăn chộp giật, lừa đảo… nhưng vẫn được cấp phép đầu tư. Điển hình như 12 dự án phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Tuy Đức và Đắk Glong đã được giao cho các nhà đầu tư, nhưng không phát huy hiệu quả, dẫn đến việc hơn 2.000 ha rừng tự nhiên bị tàn phá, buộc tỉnh phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Hay như Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa thác Liêng Nung kết hợp Nhà máy thủy điện Đắk Nia (Gia Nghĩa) là không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhưng vẫn được giao cho nhà đầu tư, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, phức tạp về sau này…

Theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, công tác thu hút đầu tư đã được thực hiện theo lộ trình “Từng giai đoạn”. Cụ thể, giai đoạn đầu (từ năm 2004 đến nay) là thực hiện cơ chế thu hút, khuyến khích tất cả các nhà đầu tư có nguyện vọng đến đầu tư, kinh doanh tại địa phương trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế; đặc biệt là những ngành, lĩnh vực đưa lại lợi nhuận và thu hồi vốn nhanh. Hay nói cách khác, để đáp ứng nhu cầu phát triển chung của tỉnh khi mới thành lập, công tác thu hút đầu tư trong giai đoạn đầu chủ yếu chạy theo số lượng là chính.

Về cơ bản, việc thu hút đầu tư trong giai đoạn đầu đã mang lại nhiều thành công, nhưng cũng để lại một số mặt hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục. Do đó, trong giai đoạn tiếp theo, việc thu hút đầu tư cần phải có sự đổi mới theo hướng chọn lọc, có chiều sâu. Theo đó, tỉnh sẽ hạn chế dần những nhà đầu tư nhỏ, sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng; hàm lượng khoa học - công nghệ thấp… để tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn; đặc biệt tập trung thu hút các nhà đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn của tỉnh. Ngoài ra, công tác thu hút đầu tư cũng thực hiện theo chiến lược huy động tất cả các nguồn lực, nhất là nguồn hỗ trợ ODA để đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, nước…

Dựa trên những tiềm năng, lợi thế và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong giai đoạn tới, việc thu hút đầu tư sẽ được tập trung vào các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến khoáng sản, nông sản, thực phẩm và các ngành phụ trợ theo dự án Bô-xít; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; đào tạo nghề, y tế chất lượng cao, thể thao; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, cụm công nghiệp…

Để hấp dẫn các nhà đầu tư, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ quan tâm xác định các sản phẩm chiến lược và định hướng phát triển những ngành nghề mũi nhọn sao cho phù hợp với lợi thế, tiềm năng của địa phương. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện một số chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà đầu tư như: lập “quỹ đất sạch” để nhà đầu tư thuận tiện trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư; hỗ trợ về bồi thường giải phóng mặt bằng; ưu đãi thuế; hỗ trợ tìm kiếm thị trường, lao động...

Ngàn Sâu


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây