Ông Mai Văn Tuế, ở bon Bu Kon, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cho biết: “Trước tình trạng cà phê xuống giá ngay sau khi bắt đầu vụ thu hoạch cà phê năm 2013-2014, tôi chưa vội xuất hàng mà nghe ngóng thông tin thị trường giá cả để chờ khi giá tăng trở lại sẽ bán lấy tiền đầu tư cho vụ mùa mới. Đúng lúc thời điểm này chúng tôi đang bước vào thời điểm quan trọng trong việc đầu tư, chăm sóc, quyết định đến năng suất của vụ sau thì giá cà phê đang dần tăng nên tôi rất mừng và mạnh dạn bán cà phê để tiếp tục đầu tư cho vụ tới.
Vụ thu hoạch 2013 -2014, gia đình chị Lê Thị Lý ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) có gần 1 ha cà phê, thu về gần 4 tấn nhân. Để có tiền trả nhân công và chi tiêu, ngay khi thu hoạch xong, chị Lý đã phải bán 1 tấn cà phê nhân với giá 32.000 đồng/kg. Chính vì còn một phần lớn số cà phê sau thu hoạch nên chị luôn theo dõi thị trường mặt hàng này và chỉ chờ giá phù hợp là xuất bán.
Chị Lý chia sẻ: “Từ một tuần nay, tôi nghe thông tin giá cà phê lên mà mừng và liên tục theo dõi diễn biến của thị trường. Khi nghe tin cà phê tăng giá tới mức xấp xỉ chạm mốc 38.000 đồng/kg, gia đình tôi đã quyết định bán 1,5 tấn để lấy tiền đầu tư mua phân bón và mua dầu để tưới nước cho kịp thời vụ. Khi mới bắt đầu vào mùa vụ, giá cà phê chỉ ở mức 30.000 - 33.000 đồng/kg, những người trồng cà phê như chúng tôi rất buồn và chỉ mong sao lên được tầm 35.000 là mừng, vì giá ấy mới có chút lời. Cả tuần nay, giá cà phê nhân giao động ở mức trên dưới 37.000 – 38.000 đồng/kg, tính ra đã có lời vài ngàn đồng/kg rồi. Tôi hy vọng giá cà phê sẽ tiếp tục tăng nữa và chờ khi đến mức phù hợp thì sẽ bán hết số còn lại”.
Giá cà phê tăng trở lại, nông dân đã đến các đại lý bán với số lượng lớn. |
Chị Nguyễn Thị Hương ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng cho biết: “Từ đầu tháng 2 đến nay, tôi đã theo dõi thông tin về giá cà phê và chỉ chờ được được giá là bán để lấy tiền đầu tư chăm sóc cho vườn cây. Bởi vào thời điểm này, vườn cà phê đang vào cao điểm mùa khô nên cần tưới nước, bón phân để phục hồi lại sức lực sau một mùa vụ, chuẩn bị dinh dưỡng cho quả non phát triển nên rất quan trọng. Khi giá cà phê chạm mốc 37.000 đồng/kg, gia đình tôi đã bán hơn 1 tấn để lấy tiền đầu tư và trả nợ ngân hàng. Rất may, trong dịp này giá phân bón giảm hơn so với mùa mưa, cà phê lại bán được giá hơn so với trước Tết Nguyên đán nên tính ra mình bán cà cũng đã “đúng thời điểm”.
Tuy nhiên, cũng theo nhiều hộ nông dân, việc cà phê tăng giá trở lại chỉ vui đối với những người còn có cà phê dự trữ, không ít hộ dân do không có vốn đầu tư, lại đến hạn đáo nợ ngân hàng nên đã phải bán cà phê lúc giá thấp.
Theo chủ các doanh nghiệp thu mua cà phê trên địa bàn tỉnh thì bắt đầu từ giữa tháng 1, giá cà phê đã giao động ở mức 35.000 - 36.500 đồng/kg và người dân còn trữ cà phê trong nhà hoặc ký gửi thì đã bắt đầu “chốt” giá bán. Đặc biệt, từ giữa tháng 2 đến nay, giá cà phê tăng thêm từ 2.000 – 3.500 đồng/kg so với tháng 1 thì lượng hàng được nông dân xuất bán tăng lên hẳn.
Chị Trần Thị Tứ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thu Tứ ở phường Nghĩa Trung cho biết: “Những hộ dân còn trữ cà phê đã bắt đầu bán nhiều vào thời điểm giá ở mức 37.000 đồng/kg, có những gia đình đã đón trúng dịp cao nhất là 37.800 đồng/kg. Nguyên nhân cà phê tăng được các chuyên gia kinh tế cho là các công ty lớn đợt này tập trung mua để trữ hàng chờ giá tăng mới xuất khẩu. Ngoài ra, tình hình thời tiết bất lợi nên dự báo trong niên vụ tới các nước sản xuất cà phê lớn của thế giới, trong đó có Brazil có thể giảm, nhiều nước có thị phần xuất khẩu cà phê lớn đã hạn chế bán ra trong đợt này… cũng góp phần làm cho thị trường cà phê ở trong nước tăng lên”.
Bài, ảnh: Thanh Nga