Huy động mọi nguồn lực để dồn sức chống hạn

Thứ hai - 07/03/2016 20:59 - Đã xem: 1099
Bước vào vụ đông xuân 2015 – 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp khiến cho tình hình khô hạn diễn ra gay gắt trên địa bàn. Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã triển khai các giải pháp về thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và huy động các nguồn lực để phòng chống khô hạn.

Đến thời điểm này, tình hình khô hạn đã và đang diễn ra trên diện rộng. Dòng chảy các sông, suối giảm mạnh, trữ lượng nước các hồ chứa thủy lợi hạ thấp rất nhanh… Hạn hán thiếu nước tưới đã và đang xảy ra tại các huyện Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô.

Người dân trong xã Đắk D’rô (Krông Nô) vun luống, đắp bờ trên ruộng lúa có nguy cơ thiếu nước để trồng bắp, khoai lang tránh hạn

NẮNG HẠN DIỄN RA GAY GẮT

Theo ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông qua khảo sát, hệ thống suối vùng phía Bắc của tỉnh như suối chính Đắk Sor, Ea  Diêr và các suối nhỏ thuộc lưu vực hai suối này đã suy kiệt hoàn toàn. Do đó, để có nguồn nước phục vụ tưới, hàng ngàn ha cây trồng trong vụ phải trông chờ vào việc điều tiết xả nước từ các hồ thượng nguồn như hồ Tây, Đắk Sắk, Đắk Mol, E29, Đắk Diêr…

Đối với các ao, hồ chứa nước nhỏ, qua 2 đợt bơm tưới, phần lớn đã suy kiệt do không có nguồn nước bổ sung ảnh hưởng đến 11.000 ha cây trồng chủ yếu là cà phê, hồ tiêu ở các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Chư Jút. Còn đối với hệ thống suối vùng phía Nam của tỉnh thì hầu hết các suối chính như Đắk Rung, Đắk Búk So, Đắk R’lấp, Đắk Ru, Đắk Nông, Đắk Glong, dòng chảy vẫn còn nhưng rất ít, các suối thượng nguồn đã cạn kiệt hoàn toàn. Nguồn nước các ao, hồ, hồ chứa nhỏ giảm nhanh do đang vào thời kỳ tưới nước cao điểm.

Bên cạnh đó, hiện nay, 183/183 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường. Trước thực tế đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh thì tính đến ngày 29/2, trên địa bàn các huyện đã có 5 công trình hết nước gồm các  hồ: Buôn Buôr (Chư Jút), Đắk Mbai, Đắk Ken, Đắk Loou, Lâm trường Đắk Gằn (Đắk Mil) gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới cho hơn 791 ha cây công nghiệp. Trong đó, diện tích có biện pháp chống hạn tập trung tại hồ Buôn Buôr, hồ Đắk Ken, đập dâng Bon Phung là hơn 599 ha; diện tích có nguy cơ giảm năng suất hoặc mất trắng do không có nguồn nước bổ sung chủ yếu ở khu vực hồ Đắk Mbai, hồ Đắk Loou, hồ Lâm trường Đắk Gằn…là trên 292 ha.

Theo nhận định thì trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ có 19 hồ có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán thiếu nước, làm ảnh hưởng 1.731 ha cây trồng các loại.

Gia đình ông Trần Văn Thương ở thôn Quảng Hà, xã Nam N’đir (Krông Nô) đã chuyển đổi 4 sào lúa sang trồng bắp nên đã tránh được ảnh hưởng của hạn hán

TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG HẠN    

Trước tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt, các cấp, ngành và người dân đã triển khai đồng bộ các giải pháp để cứu cây trồng, vật nuôi. Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: “Mặc dù hạn hán đang diễn ra gay gắt, nguồn nước tại các công trình thủy lợi, ao hồ, nguồn nước ngầm giảm nhanh nhưng tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngừng sản sản xuất ở những khu vực thường xuyên thiếu nước nên việc ảnh hưởng của hạn hán đến cây trồng và tình hình sản xuất của người dân là không đáng kể”.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh đã đôn đốc các địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông tổ chức kiểm tra nguồn nước, tập trung nâng cấp, gia cố hồ đập, khơi thông dòng chảy; đồng thời, vận động nhân dân vét ao, đào ao, be bờ tích nước vào các ao, vùng trũng ngay từ đầu vụ.

Theo đó, tại huyện Chư Jút, nhận định trước tình hình hạn hán đang diễn ra tại địa phương, huyện đã chỉ đạo các xã chuyển đổi 150 ha lúa sang trồng bắp, đậu các loại và ngừng sản xuất 215 ha đất trồng lúa tại các xã Đắk D’rông, Nam Dong, Trúc Sơn. Hiện tại, ngoài một số hồ đập đã cạn kiệt hoặc dưới mực nước chết như hồ Buôn Buôr, hồ Đắk Diêr thì phần lớn hồ đập còn lại vẫn còn lượng nước trung bình khoảng 60 – 70% so với tổng dung lượng chứa.

Ý thức được việc hạn hán sẽ diễn ra gay gắt trong năm nay, nhiều hộ nông dân trồng lúa, cà phê, hồ tiêu trên địa bàn đã chủ động đầu tư các trang thiết bị máy móc, đường ống dẫn nước… chủ động chống hạn.

Ông Nguyễn Văn Lâm ở thôn 1, xã Chư K’nia (Chư Jút) cho biết: “Gia đình tôi có 1,5 ha cà phê và 1,5 ha hồ tiêu đang giai đoạn kinh doanh, nhu cầu tưới nước, bón phân là rất cần thiết. Qua hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, tôi đã chủ động đào giếng cũng như thực hiện biện pháp tưới phun mưa để tiết kiệm nước. Nhờ đó, nguồn nước bơm từ giếng đã đủ cho vườn cây trong mỗi đợt tưới”.

Còn tại huyện Krông Nô, trong vụ đông xuân này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã chuyển đổi 950 ha lúa sang trồng bắp, khoai lang… Rút kinh nghiệm trong năm ngoái, năm nay, ngay từ đầu, địa phương đã vận động nhân dân chủ động vét ao, đào ao, cơi nới hồ chứa, giếng khơi… để chủ động nguồn nước.

So với năm trước thì đến thời điểm này, nguồn nước vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều do khô hạn. Bên cạnh đó, thời gian qua, để chủ động phòng chống khô hạn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông đã hoàn thiện công tác nâng cao ngưỡng tràn nhằm tăng dung tích hồ chứa cho 36 công trình, tăng thêm khoảng 700.000 m3 nước, đắp 41/46 đập dâng, đập tạm ngăn nước trên các suối, sửa chữa nạo vét 37 công trình kênh mương… Đồng thời, đơn vị cũng thực hiện bơm chuyển nước từ hồ Tây sang hồ Đắk Ken và Đắk Loou (Đắk Mil) để chống hạn cho 420 ha cây trồng.

Cũng theo Sở Nông nghiệp - PTNT trong những ngày tới, bên cạnh việc tăng cường cảnh báo, tuyên truyền, quản lý chặt chẽ nguồn nước, lắp đặt máy bơm dã chiến tại các hồ chứa nước tận dụng mực nước chết…, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ nhiên liệu để người dân chủ động bơm nước chống hạn. Ngoài ra, các địa phương cũng sẽ chủ động đắp các đập tạm, đập dâng trên các khe suối nhằm tận dụng tối đa nguồn nước, đồng thời cân đối, ưu tiên cấp nước theo lĩnh vực, ngành; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thủy điện cân đối nguồn nước, cung cấp nước cho khu vực hạ lưu các công trình thủy điện. Để chống hạn hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương đã và đang huy động tổng lực trong công tác phòng chống hạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

     

Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này, mức độ hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khá lớn và trên diện rộng. Thực trạng này đã khiến các sông suối, ao hồ suy kiệt, nguồn nước ngầm giảm mạnh nhưng cây trồng trong vùng quy hoạch thủy lợi không bị hạn. Đó là nhờ tỉnh sớm chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng, ngừng sản xuất lúa ở những khu vực thường xảy ra khô hạn.

 

 

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây