Ảnh: TẤN THẠNH
Hai ngành “đá” nhau, lộ lỗ hổng
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, phần mềm quản lý GPLX mới nằm trong một đề án riêng của tổng cục. Đến cuối tháng 12-2012, đã có 59 địa phương triển khai thực hiện, 4 nơi khác sẽ hoàn thành trước tháng 7-2013. “Phần mềm được đánh số 12 của chúng tôi sẽ cập nhật thông tin về vi phạm của tài xế tới mức thu hồi tạm thời hoặc vĩnh viễn GPLX. Tổng cục cũng đã triển khai tập huấn thực hiện cho CSGT cả nước” - ông Quyền nói.
Theo Thông tư liên tịch 01 (hiệu lực từ tháng 7-2010) của liên bộ Công an - GTVT, lực lượng CSGT phải gửi thông tin bằng văn bản hoặc cập nhật trực tiếp vi phạm của tài xế lên mạng để Tổng cục Đường bộ cập nhật lên hệ thống. “CSGT hầu như chưa thực hiện việc này, thông báo bằng văn bản thì chậm, không đầy đủ nên còn lỗ hổng khá lớn trong quản lý vi phạm của tài xế” - ông Quyền cho biết.
Theo ông Quyền, nhiều tài xế dù bị xử phạt, giữ giấy tờ nhưng lại đi báo mất và trong 30 ngày, nếu không nhận được thông báo của CSGT thì đương nhiên cấp dưới của Tổng cục Đường bộ phải cấp GPLX mới. “Bộ GTVT sẽ kiến nghị Bộ Công an yêu cầu CSGT phối hợp tốt hơn trong việc cung cấp dữ liệu về xử lý vi phạm đối với tài xế, đơn vị vận tải để quản lý hiệu quả hơn” - ông Quyền nói.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67) cũng đang hoàn tất hệ thống phần mềm riêng về quản lý vi phạm của tài xế. Theo đại diện C67, việc ngành CSGT có phần mềm riêng sẽ dễ dàng truy cập, quản lý vi phạm của tài xế hơn là phối hợp, truy cập vào phần mềm của Tổng cục Đường bộ.
Gắn sao cho doanh nghiệp vận tải
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết kinh phí xây dựng hệ thống các phần mềm quản lý bến xe, phương tiện, chất lượng dịch vụ vận tải… khoảng 20 tỉ đồng. Năm nay, Tổng cục Đường bộ sẽ nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và các phần mềm quản lý vận tải hành khách, bến xe, trạm dừng nghỉ và quản lý, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe, dự kiến đến năm 2014 thử nghiệm và năm 2015 hoàn thiện.
Theo ông Quyền, đã tới lúc doanh nghiệp (DN) vận tải làm ăn đàng hoàng, đạt tiêu chuẩn cao phải được ưu ái hơn. Đề án sẽ phân hạng chất lượng dịch vụ vận tải theo sao. Các tiêu chí đánh giá sẽ được quy ra điểm để xác định chất lượng vận tải đạt mấy sao, tương ứng với chất lượng dịch vụ của DN. Đối tượng thực hiện là các DN vận tải hành khách theo tuyến cố định, du lịch, xe hợp đồng, buýt, taxi.
“Các hãng xe đạt 4-5 sao phải được đề xuất để CSGT miễn dừng phương tiện kiểm tra dọc đường, giúp hành khách không bị phiền hà. Thậm chí, DN quản lý tốt, tài xế tay nghề cao ít để xảy ra tai nạn giao thông thì các hãng bảo hiểm còn phải hạ giá bán cho họ” - ông Quyền đề xuất.
Xây dựng sàn giao dịch vận tải Tổng cục Đường bộ cho biết sẽ xây dựng trang thông tin điện tử để chủ hàng và DN đăng tin miễn phí về năng lực vận tải, giá cước, nhu cầu nguồn hàng… Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng việc này không những giúp DN cắt giảm được nhiều khoản chi phí mà còn khắc phục được các khâu trung gian ăn hoa hồng, một số chủ hàng bắt tay với đơn vị vận tải nâng khống giá cước… Khi hoạt động có hiệu quả, trang web này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế để từng bước hình thành sàn giao dịch về vận tải trên mạng. |