Đem hồng môn lên cao nguyên

Chủ nhật - 03/03/2013 20:47 - Đã xem: 1060
Sự kiên trì và vốn kiến thức nông nghiệp sâu rộng đã giúp ông thành công với mô hình trồng hoa hồng môn trong nhà lưới
Tết Quý Tỵ vừa rồi, chúng tôi có dịp ghé thăm vườn hồng môn của ông Nguyễn Văn Cường, ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh - Lâm Đồng. Đã 20 giờ nhưng gia đình ông vẫn còn tất bật cắt hoa, đóng gói, chuyển lên xe. Trong vườn, các loại hồng môn đỏ, hồng, xanh, trắng đẹp lung linh dưới ánh đèn. “Dịp Tết, nhu cầu hoa tươi của khách hàng cao hơn ngày thường. Hoa của tôi và các hộ nông dân trong thị trấn không đủ cung cấp cho thị trường” - ông Cường vừa thoăn thoắt xếp hoa vào thùng vừa trò chuyện với tôi.
 

Nông dân Nguyễn Văn Cường chăm sóc vườn hoa hồng môn

Quyết tâm khởi nghiệp

Ông Cường nhớ lại niềm đam mê cây cảnh, hoa lá đã “ngấm vào máu” mình từ thuở ấu thơ. Không chỉ vậy, ông còn muốn tìm ra những giống hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao, giúp bà con nông dân thoát nghèo. Tuy nhiên, do gia cảnh khó khăn nên theo học Trường ĐH Nông nghiệp 4 (nay là ĐH Nông Lâm TPHCM) được 2 năm, ông phải bỏ dở, trở về quê chăm sóc mảnh vườn của gia đình. Vừa làm vườn ông vừa tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc hoa, cây kiểng.

Năm 1997, trong một lần tham quan vườn cây cảnh ở TPHCM, ông được tiếp xúc với nhóm chuyên gia Hà Lan mang hoa hồng môn sang Việt Nam trồng thử nghiệm. Nhận thấy đây là giống cây mang lại lợi nhuận cao, ông ấp ủ ý định trồng thử nghiệm và bắt đầu tìm hiểu đặc điểm sinh trưởng, kỹ thuật trồng, chăm sóc hồng môn. Do đây là giống hoa mới ở Việt Nam nên tài liệu rất hiếm, ông phải mua sách ở Hà Lan rồi thuê người dịch để đọc. “Năm 1999, tôi quyết định nhập 1.000 cây giống để trồng thử nghiệm. Để có vốn xây dựng nhà lưới, mua sắm trang thiết bị, tôi đã thế chấp toàn bộ tài sản vay vốn ngân hàng. Hồi đó, số tiền 40 triệu đồng là quá lớn nhưng tôi vẫn quyết tâm làm” - ông Cường tâm sự.

Không phụ công chăm bón khó nhọc của ông, những cây hồng môn thi nhau đâm chồi nảy lộc. Chỉ sau 1 năm, mỗi cây đã cho ra từ 3 đến 4 cành con. Ông nhớ lại: “Có sản phẩm rồi, việc tìm đầu ra cũng rất khó khăn vì còn quá mới mẻ trên thị trường. Tôi đã mang hồng môn đi khắp nơi, dựa vào màu sắc bắt mắt, ưu điểm lâu tàn để thuyết phục khách hàng. Dần dần, sản phẩm được thị trường tiếp nhận và ưa chuộng. Chỉ sau 2 năm, tôi đã thu hồi vốn, trả được nợ ngân hàng”. Hiện nay, sản phẩm của ông đã có mặt ở Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội, TPHCM và nhiều nước trên thế giới.

Giúp nông dân thoát nghèo

Nông dân Nguyễn Văn Cường cho biết từ khi trồng hoa hồng môn, kinh tế gia đình ông có sự thay đổi rõ rệt. Với 60.000 cây, bán giá trung bình 6.000 đồng/cành (vào thời điểm cuối năm có lúc lên tới 15.000 đồng/cành), mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận hơn nửa tỉ đồng. Vậy là ước mơ làm giàu của ông đã thành hiện thực. Tuy nhiên, ông không dừng lại ở đó mà mong muốn làm sao để hồng môn trở thành cây trồng phổ biến bên cạnh cà phê, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo.

“Ở quê tôi, bà con thấy hồng môn tiêu thụ được nên đua nhau trồng theo trào lưu mà không tìm hiểu kỹ về điều kiện, kỹ thuật chăm bón, dẫn đến năng suất thấp. Thấy vậy, cuối năm 2011, tôi thành lập CLB Hồng môn nhằm giúp bà con có thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăm bón. Đến nay, CLB đã có 40 hội viên, sinh hoạt định kỳ hằng tháng” - ông khoe.

Từ khi tham gia CLB, nhiều hội viên đã nắm vững quy trình trồng, chăm bón và áp dụng thành công, đem lại lợi nhuận cao. Là một trong những hội viên đầu tiên của CLB, ông Nguyễn Phú Sơn, phấn khởi: “Nhờ tham gia CLB mà tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm và kiến thức trồng hồng môn. Hiện 20.000 gốc hồng môn của gia đình tôi cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Những thành viên tham gia CLB đều được anh Cường bao tiêu sản phẩm nên mọi người bớt đi gánh nặng về đầu ra”.

Ông Cường cho biết sắp tới sẽ mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hồng môn cho bà con nông dân ở Lâm Đồng và các địa phương khác có ý định trồng loại hoa này.
 

Cây “dễ tính” nhưng “mẫn cảm”

Ông Nguyễn Văn Cường cho biết hồng môn là loại cây “dễ tính” nhưng “mẫn cảm”. Cây ưa ẩm nên khi trồng trong nhà lưới phải bảo đảm thoáng mát, độ ẩm trên 70%. Trong quá trình trồng và chăm bón hồng môn phải đặc biệt cẩn thận, chú ý điều kiện thời tiết, phân bón và phòng ngừa sâu bệnh vì một số bệnh của loài hoa này vẫn chưa có thuốc đặc trị. Năm 2006, do chủ quan, vườn hồng môn 8.000 cây của ông Cường đã bị nhiễm sâu bệnh, phải hủy bỏ.

 

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây