Một kiến nghị tai hại!

Thứ năm - 07/03/2013 21:34 - Đã xem: 1059
“Hiến kế” tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị áp dụng một số giải pháp cấp bách, trong đó có đề nghị “đánh thuế thu nhập lên tiền gửi tiết kiệm của nhân dân”(!)



Theo báo Pháp Luật TPHCM ngày 1/3/2013 (tại đây), tại cuộc họp các thành viên Horea ngày 28-2, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, cho biết hiệp hội kiến nghị cần sửa ngay chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương và chính sách không đánh thuế trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Theo kiến nghị, tiền lãi thu được từ những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên phải bị đánh thuế.

Mục đích của kiến nghị này, theo Horea, là nhằm hướng dòng tiền của người dân đổ vào đầu tư sản xuất kinh doanh thay vì gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE, cũng nói nếu lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện vẫn từ 9%/năm trở lên thì người dân vẫn gửi tiền vô ngân hàng hơn là đầu tư sản xuất hay mua bất động sản. Mức lãi suất tiết kiệm phổ biến hiện thời là 8%/năm cho những kỳ hạn dưới 12 tháng.

Tôi chưa được xem toàn văn kiến nghị của Horea, nhưng với thông tin trên, đã có thể nhận định sơ khởi rằng lập luận của Horea tỏ ra sai lầm và mâu thuẫn với một số chính sách điều hành thị trường tiền tệ của Chính phủ.

Thứ nhất, không thể quan niệm rằng gửi tiền tiết kiệm là “không” sản xuất kinh doanh vì nếu không huy động được tiền tiết kiệm của người dân ngân hàng sẽ không có vốn cung cấp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Người dân gửi tiền vào ngân hàng là một cách gián tiếp góp vốn cho sản xuất kinh doanh qua trung gian điều phối của ngân hàng.

Trong tất cả các hình thức đầu tư tài chính thì gửi tiền tiết kiệm được coi là kênh an toàn nhất, ít rủi ro nhất nhưng cũng là kênh đầu tư có lợi nhuận thấp nhất. Đa số người dân không có điều kiện, thời gian, kiến thức, kỹ năng và “máu me” để đầu tư cổ phiếu (chứng khoán), bất động sản, vàng/ngoại tệ, hàng hóa chiến lược (lương thực/xăng dầu/kim loại quý…) đã chọn việc gửi tiết kiệm ngân hàng như là cách thức đầu tư an toàn và hữu hiệu nhất cho những đồng tiền nhàn rỗi của mình. Đây cũng là cách đầu tư được ưa chuông của những người đã về hưu, những người trẻ dành dụm cho con cái về sau v.v...

Đánh thuế lên lợi nhuận từ tiền gửi tiết kiệm sẽ vô hình trung triệt tiêu phương thức đầu tư tài chính sơ đẳng này của người dân. Khi người dân không còn mặn mòi với tiết kiệm, hệ thống ngân hàng sẽ thiếu vốn và từ đó việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp cũng bị thu hẹp.

Thứ hai, để huy động được tiền nhàn rỗi của người dân, ngân hàng nhất thiết phải duy trì lãi suất tiết kiệm thực dương, nghĩa là lãi suất tiết kiệm phải cao hơn tỷ lệ lạm phát. Sẽ không ai gửi tiền cho ngân hàng nếu đến khi đáo hạn đồng tiền rút ra có giá trị thấp hơn đồng tiền lúc gửi vào do “trượt giá”. Không đánh thuế lên tiền lãi thu được từ tiền gửi tiết kiệm là một cách thức giúp duy trì lãi suất tiết kiệm thực dương và khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, để thu hút đồng tiền vào ngân hàng.

Nếu thực hiện tốt chính sách này, Nhà nước sẽ giảm được việc vay nợ nước ngoài để tài trợ cho nền kinh tế, hạn chế được lạm phát và “bong bóng tài sản”. Ngược lại, nếu tiết kiệm không sinh lợi, không hấp dẫn, người dân sẽ bung tiền vào tiêu dùng, mua sắm, đẩy giá cả hàng hóa lên cao và sẽ chắc chắn sẽ có nhiều người mua vàng và đô la Mỹ để “trú ẩn”… dẫn tới sự phá sản của nhiều chính sách tài chính hiện hành về ổn định thị trường vàng, về tỷ giá hối đoái v.v…

Đề nghị đánh thuế vào tiền lãi tiết kiệm, các nhà kinh doanh bất động sản nghĩ rằng, dòng tiền nhàn rỗi của người dân sẽ chảy vào mua sắm nhà đất, làm sống lại “thời hoàng kim” của ngành này, nhưng kỳ vọng đó sẽ rất khó xảy ra vì tình hình hiện nay không giống những năm 2006-2008. Khi ấy tín dụng bùng nổ, tiền mặt từ các tập đoàn kinh tế nhà nước bung ra ngập thị trường, đẩy giá bất động sản và cổ phiếu lên mức cao chót vót, vượt xa khả năng thanh toán của người có nhu cầu, nhưng hiện nay thì tín dụng được kiểm soát kỹ, tiền mặt không dồi dào như trước nữa và nền kinh tế đang rất khó khăn.

Con đường duy nhất để vực dậy thị trường bất động sản hiện nay là giảm giá nhà đất xuống mức giá trị thật của nó và phù hợp với thu nhập bình quân của xã hội để người có nhu cầu có thể mua được nhà đất bằng thu nhập chính đáng của mình chứ không phải bằng cách vận động (lobby) để Nhà nước đưa ra những biện pháp chỉ có lợi cho nhà kinh doanh bất động sản mà có hại cho nền kinh tế nói chung.

Trên các mạng xã hội, đã có người chỉ thẳng ra rằng: “Kiến nghị này chứng tỏ lợi ích nhóm muốn chi phối chứ chẳng phải vì lợi ích toàn bộ nền kinh tế.Về nguyên lý thì chẳng qua họ đang muốn hướng dòng tiền vào các bất động sản đang ế ẩm!”.

Khi trình ra “kiến nghị” nói trên, các nhà kinh doanh ở Horea đã thấy cây mà không thấy rừng, chỉ quan tâm tới lợi ích cục bộ của doanh nghiệp mình, của ngành mình mà không để ý tới lợi ích toàn cục của xã hội. Mong sao Chính phủ sẽ không nghe theo những kiến nghị tai hại như thế này.

 

Huỳnh Hoa

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) vừa có kiến nghị một số giải pháp cấp bách giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, đã đề nghị Chính phủ đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ mức 500 triệu đồng trở lên, là nhằm hướng dòng tiền trong dân thay vì gửi ngân hàng để đổ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Rõ ràng người có ý tưởng đề xuất này không hiểu rõ hoạt động kinh doanh của ngân hàng, chúng ta biết nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại chính là việc huy động từ các nguồn nhàn rỗi trong xã hội của các tổ chức và cá nhân và từ đó để cho các tổ chức doanh nghiệp, tập thể, cá nhân vay để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và kinh doanh của mình.

Thử hỏi tất cả các tổ chức cá nhân rút hết tất cả số tiền của mình đang gửi ra khỏi ngân hàng, thì không biết hậu quả như thế nào không ai lường được? Một số Ngân hàng thương mại có còn tiếp tục tồn tại? Trong xã hội không phải ai cũng có điều kiện để hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu như vậy họ sẽ rút tiền về giữ tại nhà hoặc cho người khác vay có phải như vậy tình hình hoạt động tiền tệ sẽ bị rối ren hay không?

Trong xã hội vừa qua đã xảy ra tình trạng tín dụng đen cho vay với mức lãi suất quá cao. Do vậy việc đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TPHCM các ngành chức năng nhất là Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu hết sức thận trọng để quyết định.

MINH TRÍ


 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây