Tiếp tục kiến nghị dừng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Thứ bảy - 09/03/2013 04:27 - Đã xem: 1029

Tiếp tục kiến nghị dừng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Ngày 7-3, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII, các đại biểu đã đưa ra thảo luận và thống nhất kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định không xây 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.



HĐND tỉnh Đồng Nai đã phân tích và cho rằng có 6 vấn đề lớn ảnh hưởng đến tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành khác trong khu vực nếu xây 2 thủy điện này, như: hệ sinh thái lưu vực sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên bị ảnh hưởng nặng; làm mất diện tích đất rừng, ảnh hưởng lớn đến tính đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu; tác động làm thay đổi dòng chảy sông Đồng Nai, làm biến đổi Bàu Sấu; dẫn đến nguy cơ Vườn Quốc gia Cát Tiên không được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới; tác động nặng nề đến cuộc sống người dân vùng hạ du…

X.Hoàng

 
ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ XEM XÉT NÊN DỪNG VIỆC TRIỂN KHAI DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A,
Thứ nhất là vấn đề môi trường : Không phủ nhận đóng góp tích cực của thủy điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng là những công trình can thiệp lớn đến các dòng sông, các dự án thủy điện đã và đang có những tác động tiêu cực lớn đến môi trường - sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của người dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực. Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A, các nhà khoa học, dư luận xã hội báo chí đã phản ánh rất nhiều không đồng tình, do vậy không thể phát triển thủy điện bằng mọi giá. Thứ hai là vấn đề năng lực tài chính của chủ đầu tư : Chủ đầu tư của dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A là Tập đoàn Đức Long- Gia Lai. Được biết cuối năm 2010, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14, đoạn từ km 817 đến km 887, thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông và đoạn đường Quốc lộ 14 từ thị xã Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước đến giáp ranh với tỉnh Đăk Nông đều do Tập đoàn Đức Long - Gia Lai làm chủ đầu tư theo hình thức BOT bắt đầu triển khai thi công. Thế nhưng, khúc “dạo đầu” khá hoành tráng ấy cũng chỉ kéo dài được vài tháng thì tiến độ thi công dự án bắt đầu rơi vào tình trạng ì ạch, khiến tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn tỉnh trở nên nhếch nhác. Chính vì vậy đã gây ra nhiều vụ tai nạn trên đoạn đường đang thi công này. Theo phương án ban đầu, dự án đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1800 tỷ đồng, quy mô mặt đường rộng 21m. Tuy nhiên, chỉ mới vừa thi công được 2 tháng thì đã tạm ngưng để điều chỉnh quy mô vì nguồn vốn đầu tư vượt khả năng của chủ đầu tư. Vì không có khả năng tài chính để gỡ khó cho chủ đầu tư , tỉnh Đăk Nông và tỉnh Bình Phước đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép thu hẹp điều chỉnh lại quy mô dự án từ cấp 3 đồng bằng thành cấp 3 miền núi, từ 21 m xuống 12 m mặt đường với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng. Đến tháng 11/2011, chủ đầu tư mới bắt đầu khởi động lại dự án bằng việc đàm phán, ký hợp đồng với các nhà thầu. Thế nhưng, sau một thời gian thi công theo kiểu cầm chừng, đến tháng 5/2012, đã có 8/10 gói thầu chính thức ngưng hẳn hoạt động. Các chủ thầu quyết “đình công”, chấp nhận lãng phí nhân công, để không máy móc vì chủ đầu tư không thanh toán khối lượng theo cam kết. Điển hình như Công ty TNHH xây dựng Vạn Thành (Đắk Lắk) đã thi công khối lượng khoảng 4 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được Tập đoàn Đức Long thanh toán kinh phí theo cam kết. Theo các nhà thầu thì khi ký hợp đồng kinh tế về việc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư đã thống nhất nếu khối lượng thi công đạt từ 2-3 tỷ đồng thì sẽ thanh toán 70% giá trị. Vậy mà sau khi thi công đủ và vượt hạn mức, các đơn vị thi công yêu cầu thanh toán khối lượng thì chủ đầu tư lại nhiều lần cố tình tránh né, không thanh toán. Nếu năng lực tài chính của chủ đầu tư như vậy, liệu khi triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A có thực hiện đúng như cam kết không?
MINH TRÍ

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây