Giảm trần lãi suất huy động về 7,5%/năm

Thứ ba - 26/03/2013 23:07 - Đã xem: 969
Chiều 25.3, Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) quyết định giảm trần lãi suất (LS) huy động tiền gửi từ 8%/năm xuống còn 7,5%/năm, đồng thời LS cho vay ngắn hạn dành cho 4 lĩnh vực ưu tiên giảm từ 12%/năm xuống 11%/năm. Quyết định có hiệu lực từ 26.3.

Mức LS huy động mới 7,5%/năm được áp dụng cho khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 1 năm. Riêng tiền gửi không kỳ hạn LS tối đa là 2%/năm, tiền gửi dài hạn trên 1 năm các tổ chức tín dụng (TCTD) được tự thỏa thuận LS với khách hàng.

Với các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô, mức LS  tiền gửi ngắn hạn 1 tháng đến dưới 1 năm được ấn định cao hơn 0,5%/năm so với các TCTD khác. Cụ thể là 8%/năm, tuy nhiên mức này cũng đã giảm 0,5%/năm so với quy định cũ.

 

Giảm trần lãi suất huy động về 7,5%/năm
Từ 26.3, lãi suất huy động giảm còn 7,5%/ năm - Ảnh: Diệp Đức Minh

NHNN yêu cầu tất cả các TCTD phải niêm yết công khai các mức LS huy động, cho vay trên tại các địa điểm giao dịch. Ngoài ra, cơ quan này cũng lưu ý, các khoản tiền gửi phát sinh trước ngày 26.3 vẫn được áp dụng LS như cũ, còn tất cả các khoản tiền gửi, hợp đồng cho vay mới sau 26.3 phải thực hiện theo quy định mới. Đặc biệt, NHNN lưu ý, nếu khách hàng đến hạn không tới lĩnh tiền, khoản tiền gửi tự động được áp theo mức LS mới vừa được quy định. Ngoài ra, khoản LS cho vay 11%/năm là ngắn hạn và chỉ áp dụng cho 4 lĩnh vực gồm: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Khách hàng vay cũng phải đáp ứng được các điều kiện như tình hình tài chính lành mạnh, chứng minh được phương án, dự án vay theo quy định.

Cùng ngày, bộ LS chủ chốt dùng để điều hành chính sách tiền tệ cũng được NHNN giảm 1 điểm phần trăm. Cụ thể LS tái cấp vốn là 8,0%/năm; LS tái chiết khấu 6,0%/năm; LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH là 9,0%/năm.

Anh Vũ - Thanh Xuân

 

NHNN HẠ TRẦN LÃI SUẤT HUY ĐỘNG SẼ CÓ LỢI CHO AI ?
Trong thời gian vừa qua ngân hàng nhà nước liên tục nhiều lần hạ mức trần lãi suất huy động còn 8% và ngày 26/3 sẽ còn 7,5%. Đây là động thái tích cực trong việc ổn tiền tệ và chống lạm phát. Tuy nhiên Ngân hàng nhà nước đến nay chỉ quy định áp dụng trần lãi suất cho vay ưu tiên cho 4 đối tượng mà không áp dụng rộng rãi cho tất cả các đối tượng, thì việc thực hiện trên chỉ là làm lợi cho các ngân hàng thương mại mà thôi, đó là nguyên nhân dẫn đến lãi khủng của các ngân hàng thương mại hiện nay. Chúng ta biết khi ngân hàng hạ lãi suất trần huy động, đối với các doanh nghiệp đã và đang vay ngân hàng được xem xét gia hạn nợ, nhưng mức lãi suất cho vay không giảm vẫn duy trì ở mức 17% trở lên. Rõ ràng chúng ta thấy mức trần lãi suất huy động 7,5%, cho vay mức lãi gấp đôi thì đương nhiên ngân hàng lãi khủng là đúng, dân gian thường nói ngồi mát ăn bát vàng, Ngân hàng nhà nước cần suy nghĩ “ngân hàng thương mại kinh doanh lãi được hưởng toàn bộ, đến khi phát sinh nợ xấu bắt nhà nước phải chịu là hoàn toàn vô lý”.Hiện nay hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong cả nước ta bị nợ nần chồng chất nợ thuế nhà nước, nợ lương công nhân, nợ phải thanh tóan trong hợp đồng đã ký kết vv.. Mặc dù vừa qua Ngân hàng nhà nước liên tục giảm lãi suất huy động xuống 8%/năm, nhưng thực tế các doanh nghiệp cũng không thể nào tiếp cận được nguồn vốn vay. Không có vốn để họat động đã làm tình hình sản xuất bị ngưng trệ, người lao động bị mất công ăn việc làm ,đây là vấn đề trăn trở, nỗi lo cho các ngành các cấp có trách nhiệm. Có rất nhiều ý kiến, kiến nghị bỏ trần lãi suất huy động, thay vì áp trần lãi suất đầu vào, NHNN nên quy định trần lãi suất đầu ra, vừa đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền, vừa tạo điều kiện cho DN vay được vốn với lãi suất phù hợp. Ông Tống Minh Tuấn - Trưởng bộ phận phân tích, công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) nhận định: "Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ khiến cho ngân hàng thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế một cách chủ động hơn. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ đồng nghĩa với việc tín dụng có nguồnđể tăng trưởng, và là yếu tố hỗ trợ thanh khoản lên thị trường". Vì vậy, theo ông Tuấn, ngay thời điểm này, việc bỏ trần lãi suất là hoàn toàn hợp lý .Nếu Ngân hàng nhà nước kịp thời áp dụng trần lãi suất vay rộng rãi cho tất cả các đối tượng, thì chắc chắn không có tình trạng nợ khủng hiện nay ở các ngân hàng thương mại.
MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây