Lãng phí “có mặt” ở hầu khắp các lĩnh vực

Thứ tư - 20/03/2013 21:19 - Đã xem: 935
Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (TVQH) hôm nay 18.3, sau 7 năm triển khai thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bên cạnh nhiều kết quả đạt được cho thấy tình trạng lãng phí xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực còn phổ biến, chưa ngăn chặn được.

Chiều nay 18.3, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến bước đầu về dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ nhận định bên cạnh việc “thu được kết quả đáng khích lệ về tiết kiệm” thì “tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực”, từ lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) chi thường xuyên; quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, đến lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Thậm chí, lãng phí cả trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Đơn cử, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên, Chính phủ cho hay “ở một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng kinh phí sai mục đích; không thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến lãng phí hoặc sử dụng không hiệu quả kinh phí NSNN được giao làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN”.

Theo đó, từ 2006 - 2010, các đơn vị ngành tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỉ đồng, trong đó: thu hồi nộp NSNN 15.037 tỉ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỉ đồng; xử lý tài chính khác  2.398  tỉ đồng.

Giai đoạn từ 2006 đến tháng 7.2012, hệ thống kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỉ đồng. 

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự luật sửa đổi, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng lãng phí đang là vấn đề nhức nhối, việc sửa đổi luật phải lấy chống lãng phí là trọng tâm. “Do đó, nội dung của luật cần tập trung vào các quy định về cơ chế phát hiện, chế độ trách nhiệm, biện pháp chế tài nghiêm minh để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lãng phí các nguồn lực. Tuy nhiên, việc sửa đổi luật cũng phải đáp ứng yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu, bảo đảm quyền tự định đoạt vốn, tài sản thuộc sở hữu của mỗi tổ chức, cá nhân theo đúng Hiến pháp và pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban này, ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm tại phiên họp.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra vô số các quy định sửa đổi chưa thể giải quyết triệt để các bất cập đặt ra trong thực tiễn triển khai luật hiện hành, như về nội dung thực hành tiết kiệm, các quy định về mảng thực hành tiết kiệm trong dự thảo còn mỏng, chưa bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh; việc ban hành cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi, không tính đến nguồn lực thực tế cũng là nguyên nhân dẫn đến lãng phí lớn, tuy nhiên vấn đề này chưa được quy định trong dự thảo luật. Do đó, đề nghị bổ sung về trách nhiệm đối với việc quyết định, ban hành chính sách.

Đáng chú ý, theo cơ quan thẩm tra, căn cứ vào Tờ trình của Chính phủ thì một trong những lý do, mục tiêu sửa đổi luật là nhằm tăng cường tính công khai trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, “hoàn thiện thêm cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong các lĩnh vực thực hành tiết kiệm chống lãng phí”. Tuy nhiên, đối chiếu các quy định dự thảo luật cho thấy các quy định về nội dung này chưa đầy đủ, chưa thể bảo đảm hình thành một cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả.

“Dự thảo luật mới chỉ có 1 điều (Điều 10) quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí và 1 điều (Điều 11) về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc chung”, ông Hiển dẫn chứng.

Từ phân tích trên, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị dự thảo luật cần bổ sung các quy định chi tiết hơn về công khai, minh bạch việc quản lý sử dụng tài sản, tiền vốn, tài nguyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ chế khuyến khích phát hiện hành vi lãng phí, hình thức thông tin, cơ quan và tổ chức tiếp nhận thông tin; trách nhiệm xử lý thông tin kịp thời...  

Bảo Cầm
 

 

SỚM CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG LÃNH VỰC ĐẤT ĐAI VÀ TÀI SẢN CÔNG HIỆN NAY.
Qua tính toán của Bộ tài chính nếu quản lý tốt và có phương án thu ngân sách từ đất đai, thì có thể số thu ngân sách từ đất có thể đạt từ 4 đến 5 tỷ USD/ năm, đây là con số không nhỏ nhà nước có thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn thấp kém của nước ta hiện nay. Hiện nay tình trạng lãng phí đất đai phổ biến trong cả nước nhất là tập trung ở các đô thị lớn ở các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, địa phương kiểm tra phát hiện muốn thu hồi sử dụng chuyển sang mục đích khác phục vụ cho phúc lợi công cộng hoặc thương mại dịch vụ nhưng không thực hiện được. Xuất phát do cơ chế quản lý đất đai hiện nay , các đơn vị tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp…và các đơn vị khác trực thuộc Bộ ban ngành trung ương quản lý ; do vậy địa phương không có thẩm quyền thu hồi đất đai . Trong thời gian vừa qua nhiều địa phương đã tích cực thành lập nhiều đoàn rà soát lại tình hình sử dụng đất đai của địa phương mình, nhằm phát hiện qũy đất công để có phương án để sử dụng cho phúc lợi công cộng như chợ, siêu thị , trường học , bệnh viện , hoa viên, công viên, khu dân cư… , tuy nhiên qua kiểm tra phát hiện đất đai sử dụng chưa hiệu quả còn lãng phí tập trung ở các đơn vị trực thuộc trung ương; như ở TP.HCM nhiều kho bãi với diện tích hàng trăm ha đơn vị không sử dụng , hoặc tự ý cho tổ chức hoặc cá nhân thuê để tăng thu nhập cho đơn vị mình, không nộp cho ngân sách nhà nước một đồng nào, đáng lẽ khoản thu này phải được nộp cho ngân sách nhà nước; như tại Hà Nội các cháu học sinh hệ mầm non mẫu giáo các trường đều quá tải, nhưng địa phương không có đất để xây dựng trường học cho các cháu, mặc dù có nhiều tài sản, đất đai thuộc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không sử dụng lại cho các tổ chức cá nhân thuê. Qua kiểm tra địa phương đã kiến nghị với các Bộ ban ngành trung ương, thu hồi đất của các đơn vị để lãng phí giao cho địa phương quản lý sử dụng, nhưng không được, vì Bộ ban ngành nào đều muốn giữ đất cho ngành mình. Để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện theo quy hoạch đất đai dài hạn , kế hoạch sử dụng từng thời kỳ đã được Hội đồng nhân tỉnh, thành phố thông qua và được Chính phủ phê duyệt cho địa phương, đề nghị trung ương nên phân cấp cho địa phương thẩm quyền thu hồi đất đối với các đơn vị trung ương sử dụng không hiệu quả , tránh tình trạng lãng phí đất đai như hiện nay, để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, hoặc xây dựng phương án đấu giá đất tăng thu cho ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều chỉnh kịp thời tiền thuê đất sát với giá thị trường, để các đơn vị thuê bao nhiêu diện tích cần cân nhắc tính toán nhu cầu cần thiết diện tích để thuê. Một số đơn vị thuộc bộ ban ngành trung ương kể cả quân đội có qũy đất rất lớn nằm trong nội thị thuộc khu vực trung tâm thương mại dịch vụ , nhưng không phát huy hiệu quả tiềm năng của đất , như ở TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa… với quan điểm tấc đất tấc vàng, đề nghị cho phép địa phương được chuyển đổi qũy đất ở vị trí khác thích hợp , nhằm khai thác tiềm năng qũy đất trên phù hợp với quy hoạch đất đai được phê duyệt. Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ chống được sự lãng phí trong lãnh vực đất đai, đồng thời khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây