Lãi suất còn phải hạ tiếp

Thứ tư - 27/03/2013 19:04 - Đã xem: 927
Sau khi NHNN ban hành quyết định hạ lãi suất (LS) chủ chốt và trần LS huy động, PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính NH - về diễn biến mới trên thị trường tiền tệ và tác động của chính sách mới tới thị trường.

Thưa ông, ngày 25.3, NHNN đã có quyết định hạ LS với tất cả các LS điều hành 1% và hạ trần LS huy động ngắn hạn 0,5%. Ông có đánh giá như thế nào về động thái mới này?

- Theo tôi, quyết định hạ LS của NHNN là cần thiết và hợp lý trong thời điểm hiện tại để kéo mặt bằng LS xuống, nhất là LS cho vay đối với các DN, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Việc giảm LS huy động 0,5% với kỳ hạn dưới 12 tháng cũng cần được cân nhắc dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Liệu việc giảm LS huy động có tác động thế nào tới giảm mặt bằng LS cho vay mới là đối tượng chính, còn LS huy động chỉ là công cụ. Quan điểm cá nhân tôi kỳ vọng LS cho vay sẽ giảm 1-2%. Tuy nhiên, để LS cho vay giảm xuống thì cần độ trễ nhất định, khoảng từ 1-3 tháng. LS cho vay bình quân hiện từ 13-15%/năm. LS huy động được giảm ở các kỳ hạn dưới 1 năm, nhưng nó sẽ có tác động đến LS huy động ở tất cả các kỳ hạn của NH.

Sau một khoảng thời gian nó sẽ kéo mặt bằng LS tiền gửi xuống, khi mặt bằng LS huy động hạ xuống thì LS cho vay có thể sẽ được kéo xuống theo. Bên cạnh đó, trong nguồn vốn của các NH có các khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1tháng có LS chỉ 2%/năm. Trong điều hòa vốn nội bộ NH, để giảm chi phí huy động vốn xuống thì các NH cần tăng tỉ lệ tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn cao lên. Nếu lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng cao và NH có thể sử dụng được một phần trong lượng tiền gửi vãng lai đó để cho vay thì chi phí vốn của NH có thể giảm  và từ đó giúp NH có thể cho vay ra với LS thấp hơn. Trên cơ sở đó, tôi kỳ vọng LS cho vay ra sẽ xuống còn 11-13%/năm.

Sau quyết định hạ LS này, liệu LS huy động còn có thể giảm được tiếp hay không?

- Theo tôi, LS huy động sẽ còn hạ thêm khoảng 1%, nhưng còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường. Nếu điều kiện về lạm phát cho phép thì nên giảm xuống nữa. Lạm phát trong tháng 3 đã âm 0,19% so với tháng 2 cũng là cơ sở để NHNN ra quyết định hạ LS. Từ giờ đến cuối năm còn 3 quý, nếu lạm phát được kiểm soát chặt chẽ thì LS tiền gửi nên giảm xuống để hạ LS cho vay. Giảm chi phí vốn vay của DN, thúc đẩy sản xuất mới là mục tiêu chính. Công thức lý tưởng nhất là 5-7-10, tức là lạm phát được kiểm soát ở mức 5% thì LS huy động là 7%/năm, và LS cho vay là 10%/năm. Tuy nhiên, đây là điều rất khó. Tôi cho rằng nếu kiểm soát tốt, lạm phát ở mức 6% thì LS huy động 7%/năm hoàn toàn khả thi.

Một số ý kiến cho rằng, lạm phát xuống thấp thời gian qua do tình hình khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm. Như vậy, nếu tiếp tục duy trì chính sách để đưa lạm phát xuống thấp hơn nữa có thích hợp hay không, thưa ông?

- Điều hành chính sách vĩ mô luôn phải cân bằng tăng trưởng và lạm phát. Trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế thì tăng trưởng thậm chí còn cần ưu tiên hơn. Nền kinh tế Việt Nam còn non trẻ, cần tốc độ tăng trưởng hợp lý, ít nhất là trên 5%/năm. Để có tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy thì cũng phải chấp nhận một tỉ lệ lạm phát nào đó. Theo tôi, lạm phát ở 1 con số, dưới 10% là chấp nhận được. Chính vì thế, để đưa lạm phát xuống mức 5% là vô cùng khó.

Trong trường hợp lạm phát ở mức 7-8% như dự báo thì việc đẩy mặt bằng LS xuống nữa là rất khó. Tuy nhiên, khi đó NHNN cũng không nhất thiết phải điều chỉnh tăng LS huy động để đạt LS thực dương. Ví dụ, nếu lạm phát đạt khoảng 8% thì các NH vẫn có thể giữ tiền gửi của người dân với LS 7%/năm, thực âm 1%. Nhiều nền kinh tế trong một số hoàn cảnh cũng phải chấp nhận LS thực âm. Với Việt Nam cũng vậy, cần chấp nhận LS thực âm trong ngắn hạn trong điều kiện cụ thể của nền kinh tế.Hơn nữa, với các kênh đầu tư khác như CK thì lình xình, BĐS đóng băng, còn vàng rủi ro cao. Thị trường ngoại hối ổn định. Như vậy, cũng không có kênh đầu tư nào quá hấp dẫn để kéo lượng tiền gửi lớn ra khỏi hệ thống NH. Trong khi đó, tiết kiệm vừa an toàn lại vẫn đảm bảo cho người gửi một khoản thu nhập ổn định.  



NHNN HẠ TRẦN LÃI SUẤT HUY ĐỘNG SẼ CÓ LỢI CHO AI ?
Trong thời gian vừa qua ngân hàng nhà nước liên tục nhiều lần hạ mức trần lãi suất huy động còn 8% và ngày 26/3 sẽ còn 7,5%. Đây là động thái tích cực trong việc ổn tiền tệ và chống lạm phát. Tuy nhiên Ngân hàng nhà nước đến nay chỉ quy định áp dụng trần lãi suất cho vay ưu tiên cho 4 đối tượng mà không áp dụng rộng rãi cho tất cả các đối tượng, thì việc thực hiện trên chỉ là làm lợi cho các ngân hàng thương mại mà thôi, đó là nguyên nhân dẫn đến lãi khủng của các ngân hàng thương mại hiện nay. Chúng ta biết khi ngân hàng hạ lãi suất trần huy động, đối với các doanh nghiệp đã và đang vay ngân hàng được xem xét gia hạn nợ, nhưng mức lãi suất cho vay không giảm vẫn duy trì ở mức 17% trở lên. Rõ ràng chúng ta thấy mức trần lãi suất huy động 7,5%, cho vay mức lãi gấp đôi thì đương nhiên ngân hàng lãi khủng là đúng, dân gian thường nói ngồi mát ăn bát vàng, Ngân hàng nhà nước cần suy nghĩ “ngân hàng thương mại kinh doanh lãi được hưởng toàn bộ, đến khi phát sinh nợ xấu bắt nhà nước phải chịu là hoàn toàn vô lý”. Hiện nay hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong cả nước ta bị nợ nần chồng chất nợ thuế nhà nước, nợ lương công nhân, nợ phải thanh tóan trong hợp đồng đã ký kết vv.. Mặc dù vừa qua Ngân hàng nhà nước liên tục giảm lãi suất huy động xuống 8%/năm, nhưng thực tế các doanh nghiệp cũng không thể nào tiếp cận được nguồn vốn vay. Không có vốn để hoạt động đã làm tình hình sản xuất bị ngưng trệ, người lao động bị mất công ăn việc làm, đây là vấn đề trăn trở, nỗi lo cho các ngành các cấp có trách nhiệm. Có rất nhiều ý kiến, kiến nghị bỏ trần lãi suất huy động, thay vì áp trần lãi suất đầu vào, NHNN nên quy định trần lãi suất đầu ra, vừa đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền, vừa tạo điều kiện cho DN vay được vốn với lãi suất phù hợp. Ông Tống Minh Tuấn - Trưởng bộ phận phân tích, công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) nhận định: "Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ khiến cho ngân hàng thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế một cách chủ động hơn. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ đồng nghĩa với việc tín dụng có nguồn để tăng trưởng, và là yếu tố hỗ trợ thanh khoản lên thị trường". Vì vậy, theo ông Tuấn, ngay thời điểm này, việc bỏ trần lãi suất là hoàn toàn hợp lý. Nếu Ngân hàng nhà nước kịp thời áp dụng trần lãi suất vay rộng rãi cho tất cả các đối tượng, thì chắc chắn không có tình trạng nợ khủng hiện nay ở các ngân hàng thương mại.
MINH TRÍ
emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây