Phải nâng hiệu quả đầu tư công

Thứ ba - 16/04/2013 01:06 - Đã xem: 983
Tổng số nợ công có thể lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP

Trong các năm 2010-2011, mỗi năm Chính phủ đã vay hơn 110.000 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu trong nước, tăng gấp đôi so với mức trung bình 56.000 tỉ đồng/năm trong giai đoạn 2007-2009. Tính riêng từ đầu năm đến ngày 15-3, tổng khối lượng trái phiếu đã phát hành thành công lên đến gần 43.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Trí Dũng, Quản đốc Quốc gia dự án chính sách kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động về vấn đề này.

* Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian gần đây, Chính phủ phát hành trái phiếu tăng cao. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã cảnh báo vấn đề an toàn của nợ công thông qua việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu địa phương, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Trí Dũng: Tôi cho rằng việc phát hành trái phiếu ở các địa phương nếu trở thành phong trào thì có thể gây những tác động không như mong muốn. Đây là nguồn thúc đẩy đầu tư công ngắn hạn và có thể tác động tiêu cực đến chương trình tái cơ cấu đầu tư công trong trung và dài hạn. Ngoài ra, ngân sách ở Việt Nam vẫn là ngân sách lồng ghép, bao hàm cả ngân sách địa phương. Do đó, ngay cả khi theo quy định, các địa phương phát hành trái phiếu thì chịu trách nhiệm thanh toán lãi và gốc trái phiếu nhưng vì ngân sách địa phương vẫn là một cấp trong ngân sách Nhà nước nên khi địa phương không trả được nợ thì gánh nặng này sẽ đẩy sang cho ngân sách Nhà nước. Đó chính là rủi ro về nợ công.

Việc phát hành trái phiếu lấy vốn đầu tư công cũng góp phần đưa nợ công tăng cao.
Trong ảnh: Thi công cầu Sài Gòn 2. Ảnh: TẤN THẠNH

* Theo bản tin nợ công số 1, được Bộ Tài chính công bố tháng trước thì nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Mức nợ công tương đương 54,9% GDP của năm 2011 hiện tại là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn về nợ theo thông lệ quốc tế. Nhưng phần quan trọng có thể làm tăng nhanh con số trên là nợ của doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn cũng như một số hạng mục khác cũng cần phải tính đến. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Nhà nước đứng trên bờ vực phá sản thì Chính phủ vẫn phải đứng ra hỗ trợ khi doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn. Để bù đắp những khoản chi tiêu như vậy nếu có, Chính phủ sẽ buộc phải phát hành trái phiếu và nợ công của quốc gia sẽ tăng.

Hiện nay, nợ nước ngoài đang ở mức 41,5%, GDP năm 2011, là mức an toàn. Nhưng trong trường hợp tổng nợ nước ngoài vượt 50% GDP, nếu theo đuổi những dự án đầu tư quá lớn và tốn kém không đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng, cộng thêm nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước thì lúc đó nợ công Việt Nam có thể lên tới 66,8%, xác suất xảy ra khủng hoảng là không nhỏ.

Hơn nữa, nếu xét đến các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP, nợ ngân hàng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước gần 16,5% GDP, cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của doanh nghiệp Nhà nước thì tổng số nợ công Việt Nam có thể lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP.

* Trong tình hình đó, Việt Nam cần phải làm gì thưa ông?

- Tôi cho rằng phải đặc biệt quan tâm đến kỷ luật ngân sách. Bên cạnh những hệ lụy đối với bất ổn kinh tế vĩ mô, đầu tư công đang gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Siết chặt kỷ luật và nâng cao hiệu quả đầu tư công và chi tiêu công sẽ làm giảm quy mô chi ngân sách cần thiết để đạt các mục tiêu phát triển, qua đó giúp thâm hụt ngân sách và nợ công trở nên bền vững hơn, đặc biệt là trong bối cảnh những năm gần đây thâm hụt ngân sách liên tục đã kéo theo sự gia tăng nhanh của nợ công.

HÀ LINH ghi
 
CẦN SIẾT CHẶT ĐẦU TƯ CÔNG NHƯ THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN ỔN ĐINH NỀN KINH TẾ?
Một đất nước muốn phát triển thì Nhà nước cần phải tập trung ngân sách để đầu tư công là điều tất nhiên, tuy nhiên cần phải đầu tư cái gì, lãnh vực nào là cần thiết để tạo điều kiện động lực cho nền kinh tế phát triển, cần thận trọng để quyết định đầu tư nhất là việc sử dụng nguồn vốn vay của nước ngoài như ODA, WB vv… làm thế nào mang lại hiệu quả cao nhất, tăng được nguồn thu cho ngân sách để có nguồn để hoàn trả vốn vay với nước ngoài như đã cam kết. Nếu nghiên cứu ở các nước trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì Nhà nước ưu tiên cho lãnh vực giao thông là hàng đầu trong đó đường bộ rồi đến đường thủy, đường hàng không, đường sắt. Tiếp đến đầu tư cho lãnh vực năng lượng điện, các công trình thủy lợi. Đối với các công trình phục vụ cho xã hội cần ưu tiên cho các công trình trường học, bệnh viện. Qua tìm hiểu ở các nước, nhất là các công trình giao thông thì phải nói là chất lượng rất tốt, chúng ta chứng kiến như tại thủ đô Bangkok bị ngập nước hơn 1 tháng , nhưng sau khi nước rút công trình giao thông không bị ảnh hưởng hư hỏng gì, các phương tiện giao thông vẫn hoạt động bình thường, do vậy Thành phố Hồ Chí Minh đã cử một đoàn sang thủ đô Băngkok để học tập kinh nghiệm. Hoặc tại đất nước Hàn Quốc, nhà nước tập trung đầu tư 5 tuyến đường bộ cao tốc từ thủ đô Seoul về các tỉnh, thành phố như đường quốc lộ như nước ta, các tuyến đường này đã đầu tư trên 30 năm, 40 năm rồi rồi, nhưng đến nay chất lượng còn rất tốt, chính những con đường cao tốc này đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế của đất nước Hàn Quốc. Ở nước ta, việc đầu tư công các công trình không dứt điểm, kéo dài, chất lượng quá kém, như tuyến đường quốc lộ mới hoàn thành đưa vào sử dụng năm trước thì năm sau đã bị hư hỏng xuống cấp. Do không tập trung dứt điểm nên không thể nào phát huy được hiệu quả, vì thời gian vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa mất quá nhiều thời gian, như đoạn đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến Buôn Ma Thuột chỉ có khoảng cách 350km, nếu có đường cao tốc chỉ cần hơn 3 tiếng là đến nơi, nhưng hiện nay phải mất đến 9 tiếng đồng hồ, đây là sự lãng phí trong xã hội. Qua theo dõi thực tế đầu tư công sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài chủ yếu các bộ ngành trung ương, như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục vv… Do vậy, việc siết chặt đầu tư công, đầu tư công có hiệu quả từ nguồn vay nước nước thì đây là trách nhiệm của các bộ ngành trung ương. Trong tình hình hiện nay, nhà nước cần thiết phải giảm chi tiêu đầu tư công, nhưng cần phải xem xét nên chi cái gì và giảm chi cái gì, trước tiên phải kiên quyết không nên mua sắm những tài sản có giá trị lớn chưa cần thiết như xe ô tô trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước. Tập trung nguồn kinh phí đầu tư dứt điểm các công trình đang dỡ dang như các công trình bệnh viện, trường học thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu chính phủ, nếu không tiếp tục đầu tư công trình sẽ bị xuống cấp sẽ mau hư hỏng lãng phí. Nhà nước nên ưu tiên đầu tư trong lãnh vực giao thông, nhất là các tuyến đường quốc lộ, sớm nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 14, quốc lộ 51… Quan điểm đầu tư tập trung vốn làm đoạn nào dứt điểm đoạn đó, chú trọng đến chất lượng công trình, nếu phát hiện công trình nào thi công kém chất lượng phải kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với đơn vị thi công và ban quản lý dự án, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để gây ra hậu quả lãng phí tiền của nhà nước quá lớn.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây