Quốc hội khảo sát thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Thứ hai - 29/04/2013 08:06 - Đã xem: 971
Ngày 23.4, Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường (UB KH-CN-MT) của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư về dự án xây dựng hai công trình thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai.


Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng nếu tiếp tục triển khai các công trình thuỷ điện sẽ gây tác động xấu cho dòng sông Đồng Nai và có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của gần 20 triệu dân đang dùng nguồn nước sông này.

Phó Chủ nhiệm UB KH-CN-MT của QH Lê Quang Huy cho biết, hiện uỷ ban vẫn chưa nhận được báo cáo khả thi đối với hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. Ông Huy cho rằng, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đối với hai dự án thuỷ điện này, cần phải có những giải trình khách quan, khoa học, tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật, cân nhắc sự được-mất nếu triển khai dự án và sự ảnh hưởng đến phát triển KT-XH vùng hạ lưu.

Theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm UB KH-CN-MT của Quốc hội - uỷ ban sẽ truyền đạt lại một cách trung thực trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp vào trung tuần tháng 5 tới để Quốc hội xem xét đối với hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A.

Sau buổi làm việc, đoàn UB KH-CN-MT, đại diện Sở TNMT, Sở NNPTNT, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư đã tiến hành khảo sát thực tế thủy điện Đồng Nai 6 tại xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Hôm nay (ngày 24.4), đoàn tiếp tục khảo sát thủy điện Đồng Nai 6A.

Anh Chiến


ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI NÊN DỪNG VIỆC TRIỂN KHAI DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A,
Thứ nhất là vấn đề môi trường : Không phủ nhận đóng góp tích cực của thủy điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng là những công trình can thiệp lớn đến các dòng sông, các dự án thủy điện đã và đang có những tác động tiêu cực lớn đến môi trường - sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của người dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực. Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A, các nhà khoa học, dư luận xã hội báo chí đã phản ánh rất nhiều không đồng tình, do vậy không thể phát triển thủy điện bằng mọi giá. Thứ hai là vấn đề năng lực tài chính của chủ đầu tư : Chủ đầu tư của dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A là Tập đoàn Đức Long- Gia Lai. Được biết cuối năm 2010, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14, đoạn từ km 817 đến km 887, thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông và đoạn đường Quốc lộ 14 từ thị xã Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước đến giáp ranh với tỉnh Đăk Nông đều do Tập đoàn Đức Long - Gia Lai làm chủ đầu tư theo hình thức BOT bắt đầu triển khai thi công. Thế nhưng, khúc “dạo đầu” khá hoành tráng ấy cũng chỉ kéo dài được vài tháng thì tiến độ thi công dự án bắt đầu rơi vào tình trạng ì ạch, đến nay không tiếp tục triển khai thi công khiến tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn tỉnh trở nên nhếch nhác. Chính vì vậy đã gây ra nhiều vụ tai nạn trên đoạn đường đang thi công này. Theo phương án ban đầu, dự án đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1800 tỷ đồng, quy mô mặt đường rộng 21m. Tuy nhiên, chỉ mới vừa thi công được 2 tháng thì đã tạm ngưng để điều chỉnh quy mô vì nguồn vốn đầu tư vượt khả năng của chủ đầu tư. Vì không có khả năng tài chính để gỡ khó cho chủ đầu tư , tỉnh Đăk Nông và tỉnh Bình Phước đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép thu hẹp điều chỉnh lại quy mô dự án từ cấp 3 đồng bằng thành cấp 3 miền núi, từ 21 m xuống 12 m mặt đường với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng. Đến tháng 11/2011, chủ đầu tư mới bắt đầu khởi động lại dự án bằng việc đàm phán, ký hợp đồng với các nhà thầu. Thế nhưng, sau một thời gian thi công theo kiểu cầm chừng, đến tháng 5/2012, đã có 8/10 gói thầu chính thức ngưng hẳn hoạt động. Các chủ thầu quyết “đình công”, chấp nhận lãng phí nhân công, để không máy móc vì chủ đầu tư không thanh toán khối lượng theo cam kết. Điển hình như Công ty TNHH xây dựng Vạn Thành (Đắk Lắk) đã thi công khối lượng khoảng 4 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được Tập đoàn Đức Long thanh toán kinh phí theo cam kết. Theo các nhà thầu thì khi ký hợp đồng kinh tế về việc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư đã thống nhất nếu khối lượng thi công đạt từ 2-3 tỷ đồng thì sẽ thanh toán 70% giá trị. Vậy mà sau khi thi công đủ và vượt hạn mức, các đơn vị thi công yêu cầu thanh toán khối lượng thì chủ đầu tư lại nhiều lần cố tình tránh né, không thanh toán. Nếu năng lực tài chính và uy tín của chủ đầu tư như vậy, liệu có đủ khả năng nguồn lực tài chính để triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A thực hiện đúng như cam kết không?
MINH TRÍ

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây