Vụ việc Công ty TNHH Đại Việt gây ô nhiễm môi trường: Trách nhiệm của doanh nghiệp ở đâu ?

Thứ hai - 29/04/2013 07:22 - Đã xem: 988
Ngày 11/4/2013, UBND tỉnh có Quyết định 520/QĐ-TĐCHĐ về việc tạm đình chỉ hoạt động đối với nhà máy sản xuất cồn công nghiệp của Công ty TNHH Đại Việt ở Khu công nghiệp Tâm Thắng (Chư Jút), do doanh nghiệp này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại thời điểm giữa tháng 4/2013, mặc dù doanh nghiệp này đang có những động thái khắc phục hậu quả, song địa bàn gây ra ô nhiễm vẫn còn là nỗi ám ảnh của người dân địa phương.




Hồ chứa nước thải sinh học bốc mùi hôi thối
 




Kinh hoàng vì chất thải
 
Mặc dù đã tạm ngưng hoạt động vài ngày sau quyết định của UBND tỉnh, nhưng khi đến địa phận thị xã Tâm Thắng (Chư Jút), mọi người đều dễ dàng nhận thấy trong không gian đang lan tỏa một mùi hôi thối khó tả. Càng tiến gần “hiện trường”, nơi diễn ra hoạt động sản xuất của nhà  máy cồn, mùi hôi thối càng bốc lên nồng nặc đến ngạt thở. “Thủ phạm” của mùi hôi thối trên là xuất phát từ một hồ chứa nước thải trực tiếp lộ thiên rộng khoảng 1000m2 và bãi chứa bùn thải rộng khoảng 1500m2 của công ty.
 
Cả “biển” nước thải, bùn thải đặc quánh đen ngòm không hề có đáy lót chống thấm, hàng rào chống bụi và vật che chắn, cứ vậy mặc sức lan tỏa trong không khí, ngấm xuống lòng đất. Không chỉ khu vực xả thải trực tiếp mà 5 hồ xử lý nước thải sinh học của công ty, mặc dù hệ thống sục khí, xử lý đang vận hành nhưng mùi hôi thối cũng bốc lên không kém.
 
Chị Nguyễn Linh Tuyền, kế toán của Công ty TNHH Xanh Đồng, Khu công nghiệp Tâm thắng cho biết: “Nhà tôi ở cách khu công nghiệp đến mấy cây số mà lâu nay cũng nghe mùi hôi thối nồng nặc. Ở nhà đã vậy, khi đến công ty làm việc, mặc dù thường xuyên phải đóng cửa phòng, đeo khẩu trang cả ngày mà chúng tôi vẫn không tránh được mùi hôi  thối. Nếu tình tạng trên không được khắc phục thì công nhân ở khu công nghiệp này sẽ rất khó trụ nổi để làm việc”.
 
Theo ông Nguyễn Trọng Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Việt  thì nước thải độc hại của nhà máy từ hoạt động sản xuất mỗi ngày khoảng 700m3. Hiện công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công suất 2.500m3/ngày bằng phương pháp sinh học kỵ khí và hiếu khí; trong đó có 4 bồn xử lý kỵ khí cấp 1 và 2 bồn xử lý kỵ khí cấp 2 cùng 1 hồ Aerotank và 5 hồ sinh học được lót đáy chống thấm.
 
Tuy nhiên, đầu năm 2013, các bồn xử lý kỵ khí bị sự cố nên công ty đã đào một hồ chứa tạm thời để xả nước thải. Thế nhưng, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì việc đào hồ và xả nước thải, bùn thải này chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng. Vì thế, mặc dù là tạm thời nhưng do không tuân thủ các quy trình về kỷ thuật,  bảo đảm môi trường nên rất nguy hại.
 
Chưa kể đến,  nhiều người dân còn  phản ánh tình trạng mùi hôi thối càng đậm đặc vào khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 4 giờ sáng khi nhà máy hoạt động. Vì thế, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để điều tra liệu có phải công ty đang lén lút xả thải trực tiếp chất thải độc hại ra sông hay không? Ông Trần Xuân Tình, người dân ở thôn 2, xã Tâm Thắng cho biết: “Nhiều lúc nửa đêm đang ngủ, cả nhà tôi đều phải bật dậy vì mùi hôi thối nồng nặc, gây tức ngực, khó thở”.
 
Khắc phục hay lại… đối phó
 
Theo tinh thần của Quyết định số 520/QĐ-TĐCHĐ ngày 11/4/2013 của UBND tỉnh thì chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành, nếu đơn vị không khắc phục, hoặc khắc phục không triệt để thì UBND tỉnh sẽ áp dụng hình thức đóng cửa nhà máy. Vì vậy, để khắc phục hậu quả, hiện Công ty Đại Việt đang tiến hành thu gom nước thải, bùn thải từu hồ chứa thải tạm chở đi nơi khác và san lấp mặt bằng; tiến hành lấp các họng đấu nối xả thẳng nước thải ra sông Sêrêpốk. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm là liệu đây có phải là biện pháp  khắc phục triệt để lâu dài hay chỉ mang tính chất đối phó như lâu nay vẫn thường xảy ra.
 
Trên thực tế, công ty TTNHH Đại Việt đã bị cơ quan chức năng xử phạt rất nhiều lần về tình trạng ô nhiễm môi trường do xả thải trực tiếp  ra sông, không tuân thủ các quy trình xử lý chất thải… Ngoài quyết định tạm thời đình chỉ của UBND tỉnh thì hầu như năm nào, công ty này cũng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì chưa thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
 
Điều đáng nói là theo phản ánh của các hộ dân ở Chư Jút thì lần nào cũng vậy, khi có đoàn kiểm tra về hay vừa bị xử phạt thì mùi hôi thối từ không khí còn đỡ hơn. Thế nhưng, chỉ sau đó một thời gian ngắn, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây lại tiếp diễn.
 
Theo Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng thì để xử lý mùi hôi thối từ các hồ chứa chất thải, mỗi ngày, Công ty TNHH Đại Việt phải bỏ ra khoảng 20  triệu đồng tiền phun hóa chất. Thế nhưng, để bớt tốn kém, họ sẵn sàng “cắt” phần kinh phí này, mặc cho mùi hôi thối khuếch tán vào không khí, lan đến mọi ngõ ngách. Có chăng, việc phun hóa chất xử lý mùi chỉ được thực hiện khi có đoàn kiểm tra, thanh tra về đây làm việc.
 
Chưa kể đến, quy trình xử lý qua hệ thống cũng rất tốn kém nên không ngoại trừ khả năng đơn vị này lén lút xả chất thải trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không thể khi nào cũng có mặt để giám sát, kiểm tra hoạt động này, nên rất khó để bắt quả tang hành vi xả thải trực tiếp. Nếu có phát hiện vi phạm thì mức xử phạt áp dụng hiện nay cũng thấp hơn rất nhiều so với kinh phí xử lý  chất thải theo đúng quy chuẩn cam kết nên việc chấp hành thời gian qua cũng chỉ mang tính chất đối phó.
 
Trước thực trạng môi trường bị xâm hại nghiêm trọng, một câu hỏi lớn đặt ra là trách nhiệm của doanh nghiệp ở đâu trong khi hệ quả của nó mang lại đối với cuộc sống, sản xuất của người dân hiện nay và sau này là không hề nhỏ. Thử hỏi, đã bao giờ doanh nghiệp cân nhắc, soát xét những vấn đề này trước khi vi phạm hay chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà quên đi quyền được sống trong môi trường trong lành của cả cộng đồng?.
 
Bài, ảnh” Đ.D

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây