Doanh nghiệp tiếp tục phá sản, người sản xuất không có vốn

Thứ ba - 14/05/2013 23:43 - Đã xem: 898
“Tình trạng suy giảm kinh tế đang rõ nét hơn bao giờ hết”, khi tổng cầu thì giảm mạnh, tồn kho, nợ xấu lớn, sức mua giảm sút mạnh. Nhiều doanh nghiệp buộc phải phá sản, các doanh nghiệp hoạt động thì gánh khoản lỗ lên tới 50 ngàn tỉ đồng. Phiên thảo luận tình hình KT-XH và ngân sách tại Ủy ban TVQH hôm qua (14.5) đầy những băn khoăn, lo lắng.


Nguồn vốn đang đóng băng

Tính toán cứ 1% tăng trưởng kinh tế cần 2-3% tăng trưởng tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, để đạt mức tăng GDP 5,5% năm nay là hết sức khó khăn, nhất là khi tăng trưởng tín dụng 4 tháng chỉ 1,44%.

Đang có một chênh lệch lớn, khi mức tăng trưởng chỉ 1,44% trong khi mức huy động lại lên tới hơn 5%. Ông Hiển cho rằng dù các DN hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng, thì 1,44% tăng trưởng cho thấy khả năng hấp thụ vốn là “rất kém”. “Nguyên nhân chính là đầu ra, gắn với việc giải quyết hàng tồn kho kém” - ông nói, đồng thời nhấn mạnh thực trạng “DN tiếp tục phá sản, 50% đang hoạt động thì báo lỗ gần 50.000 tỉ đồng”. Bình luận về CPI, ông Hiển đánh giá là dù “đã được kiềm chế, nhưng 2,41% này cũng cho thấy biểu hiện sức mua rất yếu”, kéo vòng luẩn quẩn “báo hiệu thị trường khó khăn, thị trường khó khăn cho thấy sản xuất khó khăn. Sản xuất khó khăn thì lao động, việc làm cũng khó khăn, thất nghiệp gia tăng”.

Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan cũng cảnh báo về tình trạng mà bà gọi là nguồn vốn gần như đóng băng. Theo bà, việc ứ đọng vốn khiến DN không sản xuất kinh doanh được và tháo gỡ cho DN bằng chính sách tiền tệ phải được coi là vấn đề cấp bách, cần tập trung tháo gỡ ngay, nếu cần thì phải khoanh nợ, dãn nợ cho nông nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý thẳng thắn phê phán “biểu hiện sự bất ổn kinh tế một phần là do chính sách”. Ông nói, sự trì trệ là từ “tồn kho”, “nợ xấu”, “thiếu vốn”. “Năm nay nói khó khăn, 3 năm trước cũng khó khăn, 2012 khó khăn, giờ 2013 cũng khó khăn. Rồi sang năm cũng lại nói khó khăn hơn”. Khó khăn vì “chúng ta có gì thu đâu, đánh giá khó khăn thì dễ, cái để tạo ra sự chuyển biến mới là khó”. Theo ông Lý: “Giờ chỉ cần giải quyết một khâu là người sản xuất có vốn”.

Phải có giải pháp tháo nút tín dụng

Tình trạng suy giảm kinh tế thể hiện ngay trong số thu ngân sách nhà nước giảm ở cả nguồn thu nội địa, khoảng 7.000 tỉ đồng mỗi tháng, và thu xuất - nhập khẩu 4.000 tỉ đồng mỗi tháng. Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển cho biết, tăng thu 2012 chưa bằng số lẻ 2011. Còn 2013 là cực kỳ khó khăn. Nhiều khả năng hụt thu, với điều nhìn thấy rõ là biểu đồ thu đang đi xuống. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng lo lắng: “DN đang tiếp tục phá sản. Kể cả DN nào quay lại phục hồi, DN mới thành lập cần có thời gian, như vậy thì năm 2013 cả 2 loại DN này chưa có nguồn thu”.

Về giải pháp, các vị ĐBQH đề xuất trên hai hướng chính là “Cái gì cần cắt thì phải cắt, cái gì thu được thì phải tập trung thu” trên cơ sở đưa tiền vào sản xuất.

Nhấn mạnh đến sự khó khăn về khả năng phục hồi nền kinh tế, khi 65% số DN báo lỗ, Phó ban Kinh tế TƯ Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Tiền mà cứ ''ngồi'' trong ngân hàng thì chết”, ông đề xuất “phải tìm giải pháp để tháo nút thắt tín dụng”. Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý thì nhấn mạnh đến tái cơ cấu cần coi là một giải pháp quan trọng, trong đó tập đoàn kinh tế và ngân hàng thương mại cần phải được tập trung tái cơ cấu.

Đề xuất giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan nói thẳng về sự chồng chéo trong việc thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Dàn trải, chồng chéo, tiền mất, trong khi cái gì, công trình nào cũng dở dang, Phó Chủ tịch Nước nói sự lãng phí “có ngay chính trong chủ trương của chúng ta”. “Tôi phải nói thật với các đồng chí là bộ nào cũng muốn giữ (chương trình mục tiêu quốc gia), nhưng chúng ta phải nhìn thẳng khó khăn của đất nước để mạnh dạn xin rút đi” - bà kêu gọi.

 “Chúng ta đang nể nang - bà nói - đặc biệt trong việc phân bổ ngân sách”. Đặt vấn đề trách nhiệm của Quốc hội, bởi theo Phó Chủ tịch Nước: “Quốc hội không dám bàn thì ai nói nữa”.


Đào Tuấn

Nguồn tin: laodonglaodong.com.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây