Mua bán không hóa đơn đang lũng đoạn thị trường hàng nông sản
Thứ năm - 16/05/2013 08:27
- Đã xem: 1039
Thời gian gần đây, thị trường hàng nông sản ở Đắk Nông và một số tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện hình thức mua bán, nhưng không có hóa đơn khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng không thể tiếp cận được nguồn hàng và Nhà nước thì thất thu thuế lớn.
|
Nếu doanh nghiệp thu mua nông sản không có hóa đơn sẽ gây thất thu thuế rất lớn. Ảnh: N.L |
Nghịch lý mua cao, bán thấp
Trước đây, mỗi năm, Công ty Cổ phần đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông (Đắk R’lấp) thường thu mua khoảng 10.000 tấn cà phê và đóng góp hàng tỷ đồng thuế. Thế nhưng, từ đầu vụ cà phê năm trước tới nay, doanh nghiệp này mua được rất ít, cả vụ chỉ mua khoảng 2.000 tấn cà phê từ những mối quen.
Tại công ty, dù nhiều lần điện thoại của ông Nguyễn Nho Lý, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông đổ chuông và đầu bên kia nói chốt giá cà phê, nhưng khi nghe ông ra giá, người bán tắt máy ngay.
Hỏi về vấn đề này, ông Lý nói: “Do giá cà phê mình đưa ra thấp, nên người dân họ không bán và chuyển qua chỗ khác”. Nói về chuyện giá thấp, ông Lý dẫn giải: “Ví dụ như ngày hôm nay (17/4), giá cà phê thị trường là 42.000 đồng/kg, mình chỉ đưa ra như vậy. Nhưng ngược lại, nhiều doanh nghiệp khác sẽ mua với giá 42.800 đồng/kg, hoặc 43.000 đồng/kg. Doanh nghiệp vẫn có thể mua cà phê với giá 42.000 đồng/kg cùng thời điểm cả vài trăm tấn, nhưng chỉ có các doanh nghiệp đã mua hàng không hóa đơn mới bán giá này. Trong nghề thì ai cũng biết, với kiểu làm ăn gian dối trên, mình càng mua nhiều cà phê giá thấp của các doanh nghiệp này, Nhà nước càng mất nhiều tiền thuế và vô tình làm giàu cho họ”.
Cũng tình cảnh phải cạnh tranh với kiểu mua bán cà phê không hóa đơn, ông Nguyễn Thế Hào, Chủ doanh nghiệp kinh doanh nông sản Yến Hào, ở xã Nam Bình (Đắk Song) than thở: “Từ trước tết tới nay, trên thị trường cà phê tồn tại hai loại giao dịch mua cà phê giá cao, bán giá thấp. Nếu doanh nghiệp mua bán cà phê, xuất hóa đơn đúng quy định thì phải tính toán giá mua hợp lý, cùng các chi phí khác nữa rồi mới xây dựng giá bán. Ngược lại, với doanh nghiệp mua cà phê không cần hóa đơn, họ có thể mua giá cao hơn thị trường, rồi tự định giá bán cạnh tranh ở mức thấp mà không sợ thiệt”.
Nói về câu chuyện mua bán nông sản hiện nay, ông Nguyễn Phước Thiện, Chi Cục phó Chi cục thuế Đắk Song cũng cho biết: “Trên thị trường mua bán nông sản, nhất là cà phê đang tồn tại hai mức giá có hóa đơn và không hóa đơn. Thực trạng này không chỉ có ở Đắk Nông mà tại một số tỉnh trong khu vực Tây Nguyên cũng xuất hiện khá nhiều. Người bán cà phê không xuất hóa đơn thì lời khoảng 1.000 đồng/kg, còn ngược lại, người mua đòi xuất hóa đơn giá sẽ thấp hơn 1.000 đồng”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Toàn, Phó Chánh văn phòng Hội doanh nghiệp tỉnh nói: “Hội doanh nghiệp tỉnh cũng mới nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về tình trạng mua bán cà phê không hóa đơn và cũng đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng để trả lời cho doanh nghiệp trong tỉnh”.
Trong đơn phản ánh đến Hội doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp nêu khá rõ quy trình mua cà phê giá cao, bán thấp. Theo đó, có một số công ty kinh doanh nông sản đã dùng hình thức mua cà phê với giá cao trong cùng một thời điểm từ 500-1.000 đồng/kg, nhưng đòi bên bán không xuất hóa đơn. Và khi bán ra với giá thấp, doanh nghiệp mua cà phê không hóa đơn lại buộc bên mua phải xuất hóa đơn đầy đủ.
Cụ thể, khi doanh nghiệp mua vào giá 41.000 đồng/kg cà phê (không hóa đơn), bán ra 40.000 đồng/kg (bên mua xuất hóa đơn) thì giá trị được nhận là 40.000 đồng +2.000 đồng (5% thuế VAT) = 42.000 đồng, lời 1.000 đồng so với lúc mua. Số tiền thuế VAT này đáng ra phải nộp cho Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ chây ì và chiếm dụng luôn.
Điểm mặt công ty… “ma”
Muốn trốn tránh một lượng lớn tiền thuế của Nhà nước trong kinh doanh nông sản, bằng nhiều hình thức, không ít doanh nghiệp đã mua bán cà phê “chui” như xuất hàng vào ban đêm không ra hóa đơn, sử dụng hóa đơn sai, hóa đơn không ghi ngày tháng để quay vòng…
Điển hình, ngày 14/4, Chi cục thuế Đắk Song đã bắt quả tang xe chở cà phê của Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Hà Bình, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mua 30 tấn cà phê của hộ kinh doanh Nguyễn Xuân Hoàng, xã Nam Bình (Đắk Song) không có hóa đơn. Theo Chi cục thuế huyện thì chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị đã phát hiện 30 vụ việc gian lận thuế và xử lý 14 vụ liên quan đến vấn đề hóa đơn trong mua bán nông sản...
Ngoài xuất hàng “chui”, bằng thủ thuật tinh vi như thành lập những doanh nghiệp, công ty “ma” để hợp thức hóa hóa đơn, chiếm dụng tiền thuế đang trở nên phổ biến đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản hiện nay. Cụ thể như hai doanh nghiệp dưới đây đã đăng ký thành lập, có địa chỉ trụ sở và ngành nghề mua bán nông sản hẳn hoi, nhưng thực tế chỉ là những doanh nghiệp “ma”.
Trường hợp của Công ty TNHH MTV Thương mại Trịnh Duy Điệp có trụ sở ở thôn 3, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), được Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cấp đăng ký lần đầu ngày 5/9/2012, với ngành nghề bán buôn nông sản, lâm sản nguyên liệu và động vật sống… vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng.
Vốn liếng, chức năng, địa chỉ công ty này đăng ký rất rõ ràng ở địa phương, nhưng theo ông Lê Xin, Trưởng thôn 3, xã Kiến Thành khẳng định: “Tôi đã làm trưởng thôn ở đây hơn 10 năm rồi, nhưng chưa bao giờ nghe đến tên công ty này”.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Song Thiên Đắk Nông được cơ quan chức năng cấp đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 11/10/2012 ở thôn Quảng Thuận, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) với tổng số vốn 1,8 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh, bán buôn nông, lâm sản và động vật sống… Thế nhưng, theo địa chỉ công ty này đăng ký trụ sở, chúng tôi tìm về xã Đạo Nghĩa thì người dân ở đây khẳng định không thôn nào ở địa phương có tên Quảng Thuận cả mà có lẽ thuộc xã Nghĩa Thắng.
Tìm đến thôn Quảng Thuận, xã Nghĩa Thắng, ông Nguyễn Thế Dân đã làm Trưởng thôn từ nhiều năm nay nói ngay: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe đến tên công ty này”. Để kiểm chứng, ông Dân đã điện thoại cho một công an viên thôn, nhưng người này cũng khẳng định không có.
Nói về vấn đề này, một chủ kinh doanh nông sản (xin giấu tên) giải thích, thông thường mỗi doanh nghiệp mua bán nông sản sẽ thành lập thêm nhiều doanh nghiệp “con” không địa chỉ rõ ràng và dùng các đơn vị này để hợp thức hóa hóa đơn đầu vào trong thu mua nông sản.
Còn ông Nguyễn Phước Thiện phân tích: “Doanh nghiệp có tên tuổi, địa chỉ sẽ mua cà phê không hóa đơn, sau đó họ hợp thức hóa bằng hóa đơn đầu vào khác. Hóa đơn đầu vào này lại không do chính đơn vị trực tiếp mua hàng nông sản lập mà là của các doanh nghiệp “ma”. Sau khi đã hợp thức hóa thủ tục, doanh nghiệp “ma” ung dung đem bán nông sản giá thấp và lấy hóa đơn người mua”.
Khẳng định về sự có mặt của các doanh nghiệp “ma” trên địa bàn, bà Lữ Thị Huân, Chi cục phó Chi cục Thuế Đắk R’lấp nói: “Sở dĩ có tình trạng này, trước đây, khi cấp phép kinh doanh, cấp mã số thuế thì phải đi kiểm tra thực trạng hoạt động. Còn nay, khi có đủ giấy tờ hợp pháp sẽ được cấp mã số thuế… Ngay trên địa bàn huyện, có những doanh nghiệp “ma” đã lấy cả hộ kinh doanh, nhà người dân làm trụ sở, nhưng khi cơ quan thuế đến kiểm tra các hoạt động liên quan về thuế thì không thấy”. |
Nhiều cơ sở kinh doanh nông sản phải thu hẹp sản xuất vì không thể mua được cà phê khi cạnh tranh giá với doanh nghiệp mua không hóa đơn. Ảnh: C.T |
Thất thu hàng trăm tỷ đồng thuế
Bằng nhiều hình thức mua bán nông sản không hóa đơn, không những làm lũng đoạn thị trường kinh doanh, mà còn gây thất thu một nguồn lớn ngân sách Nhà nước. Thống kê của Chi cục thuế Đắk R’lấp, trong hai tháng đầu năm 2013, đơn vị mới thu được 12,3 tỷ đồng tiền thuế, so với cùng kỳ năm trước giảm hơn 6,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Lữ Thị Huân nói: “Ngoài sản lượng cà phê đạt thấp, vấn đề mua cà phê giá cao, bán giá thấp c ũng ảnh hưởng nhiều”.
Tương tự, trong 3 tháng đầu năm 2003, huyện Đắk Song cũng chỉ thu được 5,89 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt đến 26,73 tỷ đồng. Còn trên địa bàn toàn tỉnh, trong 4 tháng đầu năm, ngành Thuế mới chỉ thu được 287 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch năm.
Giải thích trước UBND tỉnh về tình hình thu thuế 4 tháng đầu năm đạt khá thấp, ông Bùi Hữu Nghị, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phân tích: “Bên cạnh chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, nguồn thuế thu đạt thấp còn do thất thu ở lĩnh vực mua bán nông sản. Sở dĩ như vậy là có nhiều đơn vị mua bán nông sản đã thành lập các doanh nghiệp “ma”, rồi dùng thủ đoạn hợp thức hóa mua bán hóa đơn để chiếm dụng tiền thuế Nhà nước. Nếu không ngăn chặn kịp thời, chỉ trong một năm, toàn tỉnh sẽ mất cả 100 tỷ đồng thuế từ hoạt động mua bán nông sản. Vừa qua ngành Thuế đã phối hợp với cơ quan điều tra, phát hiện 3 doanh nghiệp “ma” mua bán nông sản với quy mô lớn, chiếm dụng trên 15 tỷ đồng tiền thuế Nhà nước”.
Tại hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội quý I, năm 2013, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp đã phải thốt lên: “Số thuế địa phương thu từ mua bán nông sản thời gian qua đã giảm rất nhiều, trong khi tổng sản lượng cà phê toàn huyện không giảm đi bao nhiêu. Nếu tính tổng diện tích cà phê toàn huyện là 15.000 ha, năng suất bình quân 2 tấn/ha sẽ đạt tổng sản lượng 30.000 tấn. Với giá khoảng 40.000 đồng/kg thì nguồn thu từ bán cà phê toàn huyện được khoảng 1.200 tỷ đồng. Và khi trích 5% thuế, địa phương sẽ thu được 60 tỷ đồng/vụ cà phê, nhưng thực tế mấy tháng qua, nguồn thu này chưa được 10% từ kinh doanh mua bán cà phê”.
Đâu là “liều thuốc” đặc trị
Như đã nói ở trên, dù nguồn thu thuế ở Đắk Song ở lĩnh vực mua bán nông sản ngày một giảm, nhưng việc chống gian lận thuế lại không đạt như mong đợi. Ông Nguyễn Phước Thiện nêu thực trạng: “Ngoài xuất hàng “chui”, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng hai quyển hóa đơn cùng số sê ri, nhưng chỉ có một cuốn đăng ký với cơ quan thuế. Cuốn không đăng ký họ để đối phó khi vận chuyển nông sản, khiến cơ quan thuế khó phát hiện. Có doanh nghiệp ghi hóa đơn không điền ngày tháng và chỉ dùng khi chuyến hàng nông sản bị dừng kiểm tra thì mới điền ngày tháng vào. Nếu không có sự kiểm tra, cuốn hóa đơn này tiếp tục được dùng cho chuyến bán hàng lần sau nữa. Kể cả trường hợp ngành Thuế có phát hiện được gian lận trong mua bán hóa đơn, nhưng nếu “non” kinh nghiệm cũng không thể xử lý được”.
Ông Thiện cho rằng, việc chống thất thu thuế trong lĩnh vực bán hàng “chui”, dùng hóa đơn không đăng ký với cơ quan chức năng thì ngành Thuế có thể phát hiện và ngăn chặn được một phần. Còn với trường hợp “cao tay” hơn là các đơn vị kinh doanh nông sản thành lập nhiều doanh nghiệp “ma” thì riêng ngành Thuế… không thể kiểm soát hết được. “Thông thường, các doanh nghiệp này đều đăng ký hoạt động, mua bán nông sản, nhưng địa chỉ ở tận các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Do vậy, khi ngành Thuế phát hiện được có sự gian lận thuế, đến kiểm tra thì các doanh nghiệp “ma” cũng có đủ thời gian xin phá sản, chiếm đoạt tiền thuế rồi”, ông Thiện nói.
Dù chống thất thu thuế là khó, nhưng ở Đắk Song, ngành Thuế còn bắt được vài trường hợp gian lận thuế trong kinh doanh mua bán nông sản. Chứ như ở huyện Đắk R’lấp, mặc dù tình trạng này diễn ra rất nhiều, nhưng như bà Lữ Thị Huân khẳng định: “Mặc dù vẫn đang ráo riết triển khai việc chống thất thu thuế, nhưng ngành Thuế địa phương chưa bắt được vụ nào”.
Tìm giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực mua bán nông sản, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp nêu kiến nghị: “Ngành Thuế nên phối hợp với địa phương, ngành chức năng thành lập đoàn liên ngành kiểm soát chặt xe vận chuyển nông sản ở điểm đầu, cuối tỉnh, lúc đó mới có thể phát hiện được các doanh nghiệp có dùng hóa đơn hay không trong việc mua, bán nông sản. Vấn đề quan trọng nữa là phải điều tra, tìm được các doanh nghiệp “ma” để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế”.
Trong quá trình tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản, có đơn vị nói sẽ sẵn sàng cùng cơ quan chức năng đi “bắt” các trường hợp gian lận thuế. Còn theo ông Bùi Hữu Nghị, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thì hiện ngành Thuế đã thành lập 3 đoàn thanh tra về kinh doanh nông sản. Ngay trong tháng 5, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra hóa đơn đầu vào của tất cả các hộ, doanh nghiệp kinh doanh mua bán nông sản trong toàn tỉnh. Qua đó, ngành Thuế sẽ kịp thời thu thuế khấu trừ và loại trừ doanh nghiệp ngoại tỉnh… Cùng với đó, công tác chống thất thu thuế trong kinh doanh nông sản sẽ được cơ quan thuế phối hợp với lực lượng chức năng triển khai quyết liệt hơn.
Có thể nói, việc ngành Thuế nhận thức được khá rõ vấn đề chống thất thu thuế trong lĩnh vực mua bán nông sản là điều đáng mừng. Thế nhưng, nếu không có sự phối hợp đồng bộ của ngành chức năng cũng như nêu cao trách nhiệm của chính cán bộ thuế thì tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này sẽ còn tồn tại và kéo theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản làm ăn chân chính tiếp tục điêu đứng.
Công Tính – Nguyễn Lương
Nguồn tin: Đăk Nông Online