Nên áp trần lãi suất cho vay

Thứ ba - 21/05/2013 06:05 - Đã xem: 1049
Đó là ý kiến, nhận định của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế T.Ư tại hội thảo Ngân hàng và Doanh nghiệp - Giải pháp dòng tiền diễn ra sáng nay (20.5).

Theo TS Trần Đình Thiên, cơ chế điều hành với trần lãi suất huy động (hiện nay 7,5%/năm), trong khi lại không áp trần cho vay phổ biến (chỉ áp dụng 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên), rõ ràng đang đảm bảo lợi ích cho ngân hàng, nhường rủi ro cho người dân và doanh nghiệp (DN).

 
Giao dịch tại ngân hàng - Ảnh: D.Đ.M

“Hiệu ứng tiêu cực của cơ chế điều hành lãi suất làm suy yếu động cơ gửi tiền của người dân, hạn chế nỗ lực chống lạm phát, làm chậm quá trình tiếp cận vốn giá rẻ của DN, suy yếu nỗ lực phục hồi tăng trưởng”, ông Thiên nói.

Cũng theo chuyên gia này, quá trình hoạch định chính sách còn tồn tại nhiều rủi ro, đang bị thiếu thông tin, số liệu và ít công khai minh bạch, kể cả những số thông thường theo thông lệ quốc tế như: thâm hụt, nợ xấu, dự trữ ngoại hối…). Đặc biệt, nhiều chính sách khi ban hành thì không như thông báo, đi ngược lại cam kết khi vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Để khơi thông được dòng vốn, hàng tồn kho hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo sự công bằng giữa người dân, ngân hàng và DN, ông Thiên cho rằng, cần thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất cho vay, thay cho trần lãi suất huy động. Và khi đó DN mới tiếp cận được vốn, được tháo gỡ khó khăn, dần dần tháo gỡ trần lãi suất và trả lãi suất lại cho thị trường.  

Anh Vũ
 

NHNN NÊN SỚM ÁP DỤNG TRẦN LÃI SUẤT CHO VAY CHO TẤT CẢ CÁC ĐỐI TƯỢNG
Trong thời gian vừa qua nhiều ngân hàng liên tục nhiều lần hạ mức trần lãi suất huy động đến nay chỉ còn từ 6% đến 7,5% đây là động thái tích cực trong việc ổn tiền tệ và chống lạm phát. Tuy nhiên Ngân hàng nhà nước đến nay chỉ quy định áp dụng trần lãi suất cho vay ưu tiên cho 4 đối tượng mà không áp dụng rộng rãi cho tất cả các đối tượng, thì việc thực hiện trên chỉ là làm lợi cho các ngân hàng thương mại mà thôi, đó là nguyên nhân dẫn đến lãi khủng của các ngân hàng thương mại hiện nay. Chúng ta biết khi ngân hàng hạ lãi suất trần huy động, đối với các doanh nghiệp đã và đang vay ngân hàng được xem xét gia hạn nợ, nhưng mức lãi suất cho vay không giảm vẫn duy trì ở mức từ 12% đến 15% . Rõ ràng chúng ta thấy mức trần lãi suất huy động 6%, cho vay mức lãi gấp đôi thì đương nhiên ngân hàng lãi khủng là đúng. Hiện nay hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong cả nước ta bị nợ nần chồng chất nợ thuế nhà nước, nợ lương công nhân, nợ phải thanh tóan trong hợp đồng đã ký kết vv.. Mặc dù vừa qua Ngân hàng nhà nước liên tục giảm lãi suất huy động xuống dưới 7,5%/năm, nhưng thực tế các doanh nghiệp cũng không thể nào tiếp cận được nguồn vốn vay. Không có vốn để họat động đã làm tình hình sản xuất bị ngưng trệ, người lao động bị mất công ăn việc làm ,đây là vấn đề trăn trở nổi lo cho các ngành các cấp có trách nhiệm. Có rất nhiều ý kiến, kiến nghị bỏ trần lãi suất huy động, thay vì áp trần lãi suất đầu vào, NHNN nên quy định trần lãi suất đầu ra, vừa đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền, vừa tạo điều kiện cho DN vay được vốn với lãi suất phù hợp. Thống nhất ý kiến nhận định của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế T.Ư tại hội thảo Ngân hàng và Doanh nghiệp nên áp dụng trần lãi suất cho vay , cũng như ý kiến của Ông Tống Minh Tuấn - Trưởng bộ phận phân tích, công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) nhận định: "Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ khiến cho ngân hàng thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế một cách chủ động hơn. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ đồng nghĩa với việc tín dụng có nguồn để tăng trưởng, và là yếu tố hỗ trợ thanh khoản lên thị trường". Vì vậy ngay thời điểm này, việc bỏ trần lãi suất là hoàn toàn hợp lý .Nếu Ngân hàng nhà nước kịp thời áp dụng trần lãi suất vay rộng rãi cho tất cả các đối tượng, thì chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có vốn để họat động , vực dậy nền kinh tế ở nước đang gặp khó khăn hiện nay.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây