Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa đề xuất 5 giải pháp chiến lược để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn.
Thứ nhất, không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong khối doanh nghiệp niêm yết, trừ các doanh nghiệp hoạt động chính trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ; Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng cần được nâng lên mức 49%/ vốn điều lệ, với những tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém thì không hạn chế tỷ lệ sở hữu.Theo VAFI, qui định về tỷ lệ khống chế NĐTNN là 49%/VĐL trong doanh nghiệp niêm yết là rào cản cho sự phát triển doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp ( so với thông lệ thế giới ).
Nếu đề xuất này được chấp thuận thì chỉ trong vòng 3 năm, khối doanh nghiệp VN sẽ huy động được thêm khoảng 10 tỷ đô la và bức tranh về doanh nghiệp VN sẽ thay đổi cơ bản ;
Thứ hai, cần khuyến khích người nước ngoài mua các loại nhà ở cao cấp với thủ tục đơn giản.
Bán nhà dễ dàng cho người nước ngoài cũng là một giải pháp được tính đến |
Chính sách khuyến khích người nước ngoài mua bất động sản VN chưa thể là giải pháp mạnh cho thị trường bất động sản ( do môi trường sống và môi trường đầu tư của ta còn ở vị thế kém cạnh tranh so với nhiều quốc gia ) nhưng sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản trong nhiều năm tới, đồng thời sẽ có rất nhiều lợi ích trong thúc đẩy du lịch, thúc đẩy đầu tư nước ngoài ;
Hong Kong, Singapore…nhỏ như vậy nhưng họ không hạn chế người nước ngoài mua bất động sản . Hạn chế nếu có là khi nhu cầu mua nhà của người nước ngoài tăng lên thì họ gia tăng tiền thuế ( như thuế trước bạ ) để kiểm soát giá đất trong nước và thu hút có chọn lọc hơn người nước ngoài mua nhà .
Thứ ba, cần chấm dứt ngay tình trạng vàng hóa nền kinh tế bằng giải pháp tính thuế giá trị gia tăng ( mức 10% ) theo phương pháp khấu trừ với hoạt động kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức.
Hoạt động đấu thầu vàng miếng mà ngân hàng nhà nước áp dụng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giải quyết nguồn cung cho các tổ chức tín dụng, chứ không phải là giải pháp chống vàng hóa nền kinh tế ;
Hầu như tất cả giải pháp mà NHNN áp dụng từ trước tới nay trong quản lý thị trường vàng đều không có trên thế giới và đều không làm giảm tình trạng vàng hóa, hàng chục tỷ đô la đang bị chôn vùi và đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách lãi suất, chính sách ổn định tỷ giá…..
Việc đặt mục tiêu “ phải làm cho giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới “ không phải là giải pháp ổn định kinh tế vỹ mô mà có khi có tác dụng ngược. Thực tế đã chứng tỏ rằng sát giá trong nước sát với giá vàng thế giới thì nảy sinh đầu cơ mạnh, điều đó có nghĩa là làm gia tăng dòng vốn chết. Khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao thì nảy sinh buôn lậu và khuyến khích sản xuất “ hàng trang sức trá hình.
VAFI cho rằng, tham khảo kinh nghiệm thế giới và thấy rằng hầu như không có quốc gia nào có chính sách miễn thuế với hoạt động kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức, chính vì không có thuế nên không có barrie và tạo ra hoạt động đầu cơ mạnh, còn nếu có barrie ở mức vừa phải thì có mấy ai lướt sóng hay tích trữ đầu cơ ?
Thứ tư, từng bước hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ và nhanh chóng hướng tới mục tiêu lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng không. Tiếp tục khống chế hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ nhằm hạ lãi suất cho vay ngoại tệ xuống mức 3%/năm, sẽ làm tăng vị thế VND và có tác dụng làm giảm lãi suất tiền gửi nội tệ xuống mức thấp hơn nữa.
Nếu nhanh chóng áp dụng giải pháp thứ 3 và thứ 4 thì chỉ trong vòng 4 – 5 năm nữa, dự trữ ngoại hối dễ dàng đạt mục tiêu 100 tỷ đô la và mục tiêu này là không khó thực hiện.
Thứ năm, lãnh đạo các cơ quan chính phủ nên dành nhiều thời gian trực tiếp tham vấn, chỉ đạo để tìm kiếm, lựa chọn và xây dựng những giải pháp kinh tế then chốt. Các Bộ trưởng kinh tế như Thống đốc ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trực tiếp đi tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội, tham vấn báo chí và chỉ đạo cấp dưới tham mưu các giải pháp thiết thực.
Lý do của 5 đề xuất này là trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương & giải pháp đúng đắn nhằm khôi phục và phát triển kinh tế nước nhà, đã tháo gỡ được nhiều khó khăn cho thị trường tài chính, tiền tệ tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm tối trong bức tranh kinh tế vỹ mô như nhiều ngành kinh tế nội địa như ngành ngân hàng , tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng, sắt thép, cơ khí, vận tải, đóng tàu … vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể là dư thừa năng lực sản xuất, năng lực cung ứng dịch vụ và đi kèm với việc nợ xấu nhiều từ đó dẫn tới khả năng cạnh tranh của các ngành kinh tế này là rất thấp… Lãi suất cho vay vẫn còn ở mức rất cao nếu so sánh với nội lực của nền kinh tế cũng như so với các nước trong khu vực và trên thế giới...