Thu ngân sách phải trông vào doanh nghiệp

Thứ tư - 22/05/2013 23:13 - Đã xem: 967
Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển khi trao đổi với PV Thanh Niên bên lề QH.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của ủy ban này đã chỉ rõ dấu hiệu hụt thu, khi 4 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 244.000 tỉ đồng, bằng 29,9% dự toán, trong đó đặc biệt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi thu không đủ, ở đầu ra, chi ước đạt 303.000 tỉ đồng, tăng 31% so dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Ông Hiển cảnh báo: “Thu không đủ bù cho chi thì cũng không thể vay tiền về để tiêu được. Năm nay căng hơn năm ngoái rất nhiều, nếu ngay lúc này đây không tính toán cắt chi đi, để mất cân đối ngân sách thì ngân sách mất cân đối”.

Chi đầu tư, chi thường xuyên, chi lương… khoản nào Chính phủ báo cáo QH cũng là cần thiết, cấp bách. Vậy còn chỗ nào để cắt nữa, thưa ông?

Đúng là trong bối cảnh hiện nay nói cắt giảm thì dễ nhưng làm rất khó. Chi đầu tư xây dựng cơ bản 175.000 tỉ đồng QH “chốt” trong 2013 là mức tối thiểu rồi, nếu không chi đầu tư thì kinh tế lấy gì tăng trưởng. Chỉ có chi thường xuyên như hội họp, hội nghị, khánh tiết, lễ hội, đi nước ngoài là còn dư địa có thể cắt giảm được. Đặc biệt, 24 địa phương bị hụt thu ngân sách năm ngoái, phải cắt giảm, sắp xếp lại trên cơ sở các khoản chi tiêu, phải thực hiện khoán chi cho chặt chẽ. Chúng ta không còn cách nào khác cả, không ai đi vay để tiêu được vì đi vay chỉ phục vụ mục tiêu xây dựng cơ bản thôi. Hiện giờ chỉ có thể trông chờ vào thu, mà thu không đáp ứng được thì chỉ có thể cắt giảm chi một cách quyết liệt.

Đã nhìn thấy khó khăn này, nên Chính phủ vừa rồi cũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải giảm 10% chi thường xuyên, trong đó cắt giảm tối thiểu 30% chi hội họp, đi nước ngoài, ông bình luận gì về những con số này?

Mức này thực tế cũng đã căng rồi, bởi năm ngoái chúng ta cũng đã làm, tuy nhiên con số trên cũng đưa ra để định hướng thôi, còn theo tôi không ai khác chính từng cơ quan, đơn vị thụ hưởng phải tự mình sắp xếp. Ngay từ bây giờ đã phải tính toán xem chi tiêu như thế nào, bởi một số khoản cần thiết nếu theo đúng luật, hụt thu thì phải cắt giảm chi tương ứng. Đến giờ phút này chưa xác định được hụt thu bao nhiêu, nhưng không vì thế mà không chủ động, vì sau 4-5 tháng đầu năm 2013, ngân sách có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt. 

Khoản nào sụt giảm rõ rệt, và ông dự báo tình hình thu - chi năm nay so với năm ngoái thế nào?

Năm nay chắc chắn tình hình sẽ khó khăn hơn năm ngoái rất nhiều, khó gấp bội phần. Bởi tăng trưởng kinh tế khả năng không đạt được như mong muốn, kéo theo thu ngân sách sẽ rất ít. Ngoài ra, những năm vừa qua chúng ta liên tiếp hụt thu từ nội địa, nhất là thu cân đối xuất nhập khẩu, trong khi đó thu dầu khí tăng lên nhưng cũng chỉ bù đắp được chút ít. Đặc biệt, năm nay nhiều khoản thu khác cũng tiếp tục bị hụt như thu nội địa, thu từ xuất nhập khẩu, từ đất đai.

 

Thu ngân sách phải trông vào doanh nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển

Không thể trông chờ mãi vào tài nguyên

Nói vậy, chúng ta không còn khoản thu nào khác có thể trông chờ, kể cả các doanh nghiệp?

Không thể trông chờ được nữa, vì trong cân đối ngân sách, trần nợ công, bội chi QH đã nhất trí kiểm soát ở mức 4,8% GDP. Do đó, thu hụt đi rõ ràng chi phải cắt thôi, đó là con đường duy nhất. Nền kinh tế nào thu ngân sách cũng phải trông vào doanh nghiệp (DN). DN có doanh số, lợi nhuận, có trả lương thì mới thu được thuế từ đó. Khi đó người lao động có lương, chi tiêu tăng sẽ kích cầu, chưa kể nhà nước còn thu được thuế GTGT, thuế TNDN. Người lao động có lương cao còn nộp thuế thu nhập cá nhân. Như vậy cuối cùng vẫn là DN, còn thu từ đất đai tài nguyên chỉ có hạn. Bây giờ chúng ta không thể trông chờ vào tài nguyên mãi, dầu thô năm ngoái là cứu tinh, năm nay lỡ không thu được tăng thì căng lắm. Chúng ta phải tự lực, dù ít - đó là điều sống còn.

DN là nền tảng nguồn thu thì phải nuôi dưỡng, nhưng ngân sách eo hẹp như thế thì lấy gì để cứu trợ, hay hỗ trợ. Và nhiều ý kiến cho rằng, cũng khó có thể kỳ vọng gì vào gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hay gói miễn, giảm thuế?

Cứu trợ xét cho cùng cũng là nguồn lực ngân sách. Hiện nay, chúng ta cứu trợ bằng chính sách tài khóa và tiền tệ. Tiền tệ tung ra gói 30.000 tỉ đồng cho bất động sản, hỗ trợ, miễn, giãn thuế. Nó tạo điều kiện tập trung vào điểm nghẽn nhất là thị trường bất động sản. Tuy nhiên, dù sao nguồn lực để đầu tư không lớn nên cú hích không mạnh được. Vì vậy, điều quan trọng các chủ thể, các DN phải tìm cách. DN không thể khư khư giữ giá như cũ, phải giảm giá đi, thậm chí phải bán lỗ, còn hơn để đó dòng tiền không luân chuyển được. Bán lỗ sau đó tìm cách đầu tư lại để có lãi trong giai đoạn sau. Phải thay đổi tư duy ăn xổi, lướt sóng, lợi dụng vốn của nhau, của người mua nhà. Thời buổi giờ khác hẳn rồi, phải làm ăn đàng hoàng, bài bản, công trình xây dựng hoàn chỉnh, người ta mới đến mua.

Như báo cáo của các ủy ban, chính sách ra sớm nhưng thực thi lại quá chậm, thủ tục lại nhiều. Vậy có cứu nổi không?

Đúng thế, chính sách có ra sớm đến mấy nhưng khi thực thi lại triển khai làm chậm thì cũng không mang lại hiệu quả. Chúng ta cần phải nhìn thấu vấn đề này để khắc phục ở từng lĩnh vực, dự án, con người cụ thể. Cần phải có cả chế tài, trách nhiệm của người liên quan. Còn thủ tục hành chính thì vô cùng quan trọng, cần phải cải cách nhanh trong cấp phép, đăng ký, chuyển đổi dự án phải làm sao rất thông thoáng, gọn gàng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra, tránh sự lợi dụng. 

Anh Vũ

 

CẦN PHẢI NÂNG CAO Ý THỨC TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP ĐỐI NGHĨA VỤ NỘP THUẾ NHÀ NƯỚC
Hiện nay nước ta tình hình hình kinh tế khó khăn nên có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ, nợ vay ngân hàng không thanh tóan được, nên chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế đúng thời gian quy định. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp họat động kinh doanh có lãi , có khả năng nộp ngân sách, nhưng vẫn cố tình không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Do cơ chế chính sách quy định kéo dài thời gian cho các đối tượng nộp thuế, có nhiều trường hợp chuyển sang năm sau mới nộp, do vậy đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu nộp ngân sách ở các địa phương, như năm 2012 vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83, hướng dẫn chi tiết các cơ chế, thủ tục, đối tượng được hưởng gói hỗ trợ thuế của Chính phủ. Cụ thể, các Doanh nghiệp được giãn 6 tháng thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, thời hạn nộp tháng 4 được giãn đến ngày 20.11.2012; tháng 5 giãn đến 20.12.2012; tháng 6.2012 giãn đến 21.1.2013. Việc giãn thuế cho các doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, tuy nhiên thời điểm Bộ Tài chính cho phép giãn nợ không hợp lý kéo dài qua năm sau, chính vì lẽ đó nên có trên 30 địa phương không thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách trong năm 2012, không có nguồn để đảm bảo chi ngân sách của cấp mình.
Năm 2013 ngày 8 tháng 2 Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 16/2013/TT-BTC Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Thời gian gia hạn là 6 tháng, chính vì vậy tình hình thu ngân sách ngay từ đầu năm 2013 rất bấp bênh, theo số liệu của Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm đạt 244.100 tỉ đồng, bằng 29,9% dự toán. Do tình trạng kéo dài thời gian nộp thuế nên những năm qua vấn đề nợ đọng thuế của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh liên tục gia tăng, mặc dù chính quyền địa phương các cấp và ngành thuế đã tích cực có nhiều biện pháp tích cực nhưng cũng chưa chuyển biến . Bộ tài chính chỉ đạo phấn đấu nợ tồn đọng thuế cuối năm chỉ dưới 5% , nhưng thực tế các địa phương đều nợ thuế tồn đọng trên 10% , cá biệt có địa phương hơn 50% nợ thuế tồn đọng.
Trong những năm qua có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn có tinh thần trách nhiệm , đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đúng theo thời gian quy định, tuy nhiên có doanh nghiệp, hộ kinh doanh cố tình trốn thuế, sau thời gian được gia hạn nộp thuế, khi biết đến thời điểm ngành thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính thì các đơn vị này đã tẩu tán tài sản, nơi kinh doanh chỉ là nơi thuê mặt bằng để kinh doanh, nơi ngân hàng đăng ký tài khoản thì không còn số dư . Cuối cùng cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra để xử lý , nhưng không xử lý được do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm tội trốn thuế, vì các tổ chức này chỉ nợ thuế chứ không phải trốn thuế.
Để khắc phục các vấn đề nêu trên cần phải nghiêm khắc xử lý các hành vi cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người tham gia kinh doanh , đối các nước trên thế giới vấn đề trốn thuế là tội rất nặng, được điều chỉnh trong bộ luật hình sự, nhưng đối với nước ta chỉ xử lý biện pháp hành chính là chủ yếu, nên không mang tính răn đe.
Xác định thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân, đề nghị Chính phủ nên có hướng dẫn quy định thời gian cụ thể yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế , nếu quá thời gian các đối tượng phải nộp thuế mà không nộp thì coi như tội trốn thuế phải xử lý theo bộ luật hình sự. Đề nghị Bộ Tài chính nếu có ban hành chính sách kéo dài thời gian nộp thuế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thì chỉ nên gia hạn nộp trong năm tránh tình trạng chuyển sang năm sau mới nộp, có như vậy mới đảm bảo hòan thành chỉ tiêu nộp ngân sách đối với ngành thuế đã được cấp trên giao dự tóan thu ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó các tổ chức thanh tra nhà nước hoặc thanh tra chuyên ngành thuế tăng cường công tác thanh tra các đơn vị nào có dấu hiệu hoạt động tài chính không lành mạnh, không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng năm 2013 các địa phương trong cả nước sẽ hòan thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây