Xem xét nới trần nợ công

Thứ hai - 27/05/2013 04:53 - Đã xem: 934
Trao đổi với Thanh Niên Online bên lề Quốc hội sáng nay 25.5, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đang nghiêm túc xem xét việc đề xuất nới trần nợ công, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Vũ Văn Ninh
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh - Ảnh: Nguyễn Hưng

* Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số CPI tháng 5 âm 0,06%, sau 5 tháng chỉ tăng 2,35% so với cuối 2012. Dấu hiệu suy giảm kinh tế đã rõ rệt hơn, quan điểm Chính phủ có nên nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa như đề nghị của Ủy ban kinh tế (UBKT) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

- UBKT đề xuất chung chung như vậy, việc nới lỏng hay không phải thận trọng, không thể nói ào ào được đâu vì lạm phát cụ thể thấp, nhưng lạm phát cơ bản vẫn còn cao. CPI giảm chủ yếu do lương thực, thực phẩm giảm nên phải nhìn vào đó để phân tích. Hiện nay, chúng ta phải đề phòng câu chuyện kinh tế thế giới có phục hồi nhưng chưa bền vững, giả dụ có phục hồi tốt hơn thì giá cả nguyên, nhiên vật liệu sẽ tăng trở lại.

* Vừa rồi có 2 yếu tố dẫn tới thiểu phát, một là CPI giảm, thị trường trì trệ, DN khó khăn. Nhiều ý kiến lo lắng nền kinh tế bị thiểu phát?

- Đánh giá thiểu phát phải có tiêu chí, bởi vì CPI giảm phải xem chủ yếu là cái gì, chủ yếu ở đây do giá lương thực, thực phẩm giảm. Việc này cũng ảnh hưởng tới người dân và Chính phủ không muốn điều đó, đang có chính sách hỗ trợ nhưng cái quan trọng phải xem xu hướng của nền kinh tế.

Hiện nay chỉ số ngành công nghiệp cũng khá lên, lượng hàng tồn kho vẫn cao nhưng cũng đã giảm, thứ ba tăng trưởng tín dụng tuy chậm, nhưng so với năm ngoái tốc độ khá hơn. Phân tích trên khía cạnh đó, chúng ta chưa phải vội và quá lo lắng, tuy nhiên đúng là DN và nền kinh tế cũng hết sức khó khăn, điều đấy không ai phủ nhận. Vì thế Chính phủ cũng đang suy nghĩ, tính toán trong phiên họp ngày mai cũng sẽ bàn, xem xét để tiếp tục thực hiện gói cứu trợ theo Nghị quyết 02, vì hiện nay cũng có ý kiến nói rằng bị chậm thì mình phải làm nhanh hơn. Thứ hai cũng phải xem xét để huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Gọi là nới lỏng thì không chính xác, chưa dùng cái đó, nhưng cũng phải tạo điều kiện nâng tổng cầu của nền kinh tế, cần thiết phải xem xét một cách nghiêm túc.

* Trần nợ công và bội chi được Quốc hội chốt rồi, giờ không nới lỏng thì Chính phủ định tăng thêm nguồn lực hỗ trợ bằng cách nào?

- Thứ nhất, về chính sách tín dụng mình cũng không nói quá chặt chẽ, mà phải xem xét điều hành linh hoạt. Bây giờ  vẫn còn khung tăng trưởng tín dụng cả năm 12%, làm hết mức này cũng đã là quá tốt rồi. Thứ hai, nợ công trong giới hạn an toàn, cho nên cũng cần xem xét có thể huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế vượt qua lúc khó khăn này. Chính phủ đang xem xét, đề xuất Quốc hội nới trần nợ công một chút.

* Vậy còn gói hỗ trợ miễn, giãn, giảm thuế nhiều ý kiến đề xuất áp dụng sớm luật Thuế TNDN sửa đổi từ 1.7.2013 để kịp thời hỗ trợ DN?

- Việc này đã có ý tưởng từ đầu năm và cuối năm ngoái, nhưng vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên Chính phủ phải báo cáo lên Thường vụ QH ban hành Nghị quyết riêng. Nhưng thường vụ có ý kiến đưa luôn Nghị quyết vào trong luật sửa đổi, luật này mà thông qua thì thực hiện được ngay vì thuế TNDN nộp theo quý, quyết toán theo năm nên cũng không có ngại gì về thủ tục hướng dẫn cả.

Anh Vũ
(thực hiện)

 

CẦN THIẾT NỚI RỘNG NỢ CÔNG ĐỂ TẠO ĐIỀU KIỆN ỔN ĐỊNH VÀ TĂNG TRƯỞNG NỀN KINH TẾ
Một đất nước muốn phát triển thì Nhà nước cần phải tập trung ngân sách để đầu tư công là điều tất nhiên, tuy nhiên cần phải đầu tư cái gì, lãnh vực nào là cần thiết để tạo điều kiện động lực cho nền kinh tế phát triển, cần thận trọng để quyết định đầu tư nhất là việc sử dụng nguồn vốn vay của nước ngoài như ODA, WB vv…làm thế nào mang lại hiệu quả cao nhất , tăng được nguồn thu cho ngân sách để có nguồn để hoàn trả vốn vay với nước ngoài như đã cam kết.
Nếu nghiên cứu ở các nước trên thế giới như Hàn quốc, tại đất nước Hàn quốc nhà nước tập trung đầu tư 5 tuyến đường bộ cao tốc từ thủ đô Seoul về các tỉnh, thành phố như đường quốc lộ như nước ta, các tuyến đường này đã đầu tư trên 30 năm, 40 năm rồi, nhưng đến nay chất lượng còn rất tốt, chính những con đường cao tốc này đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế của đất nước Hàn quốc. Ở nước ta việc đầu tư công các công trình không dứt điểm, kéo dài , chất lượng quá kém, như các tuyến đường quốc lộ trong cả nước có nhiều đoạn đường và cầu mới hoàn thành đưa vào sử dụng năm trước thì năm sau đã bị hư hỏng xuống cấp. Do không tập trung dứt điểm nên không thể nào phát huy được hiệu quả đây là sự lãng phí trong xã hội. Trong tình hình hiện nay, nhà nước cần thiết phải giảm chi tiêu đầu tư công , nhưng cần phải xem xét nên chi cái gì đầu tư như thế nào để mang lại hiệu quả và giảm chi cái gì , trước tiên phải kiên quyết không nên mua sắm những tài sản có giá trị lớn chưa cần thiết như xe ô tô trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước. Từ nhiều năm nay rất nhiều địa phương đang nợ công, nhất là các công trình xây dựng cơ bản không có nguồn vốn để trả nợ cho đơn vị thi công, thậm chí là các dự án công trình được đầu tư từ các nguồn như trái phiếu chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia nhưng không được trung ương tiếp tục bố trí thanh toán dứt điểm, cụ thể vừa qua chương trình thời sự VTV1 phản ánh tại địa phương huyện Cư jút, tỉnh Đăk nông được quan tâm của trung ương đầu tư 1 bệnh viện cấp huyện với quy mô 150 giường do Sở Y tế tỉnh Dăk nông làm chủ đầu tư, được công xây dựng từ năm 2008 đến năm 2011 khối lượng đã thực hiện trên 70% , nhưng từ khi triển khai nghị quyết 11 CP thì dự án công trình bệnh viện bị dừng lại không được tíêp tục bố trí nguồn vốn đến nay đã gần 3 năm công trình bệnh viện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được bố trí vốn kịp thời để công trình tiếp tục thi công sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ cho người dân, thì đây chính là sự lãng phí quá lớn.
Đề nghị Nhà nước quan tâm tập trung nguồn kinh phí đầu tư dứt điểm các công trình đang dỡ dang hiện nay ở các địa phương đang tồn đọng. Quan điểm đầu tư tập trung vốn làm dự án công trình nào thì dứt điểm công trình đó, chú trọng đến chất lượng công trình, nếu phát hiện công trình nào thi công kém chất lượng phải kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với Đơn vị thi công và Ban quản lý dự án, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để gây ra hậu quả lãng phí tiền của nhà nước quá lớn.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây