Báo cáo sao “bình yên” quá !

Thứ sáu - 24/05/2013 10:24 - Đã xem: 977
Thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chưa làm rõ được nguyên nhân của tình hình khó khăn hiện nay, chưa có giải pháp hiệu quả
Ngày 22-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013 của Chính phủ.
 
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (đứng) cho rằng quản lý thị trường vàng vừa qua làm cho người dân bị thiệt
Ảnh: THẾ DŨNG

Chỉ doanh nghiệp FDI “sống”

Mở màn phiên thảo luận tại tổ đại biểu (ĐB) QH TPHCM, ĐB Trần Du Lịch nhận định nền kinh tế Việt Nam “đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng” vì kéo dài đến 6 năm, gấp đôi giai đoạn khó khăn trước đây tính từ sau đổi mới. Ông Lịch phân tích: Kinh tế tăng trưởng dựa trên 4 nền tảng trụ cột là nông nghiệp, doanh nghiệp (DN) Nhà nước, DNTN và DN đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng giai đoạn 2012-2013 chỉ có DN FDI “sống”, như vậy là rất đáng lo ngại.

Nhìn nhận khó khăn ở khía cạnh khác, ĐB Trần Thanh Hải cho rằng năm 2012, cứ 3,5 người có việc làm mới thì có 1 người thất nghiệp và nếu kéo dài sẽ bất ổn về mặt xã hội.

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị Chính phủ công bố cho người dân biết nền kinh tế đang phụ thuộc nước ngoài đến mức nào và lộ trình giảm dần ra sao. Liên quan đến vấn đề này, ĐB Huỳnh Minh Thiện dẫn báo cáo năm 2012, lần đầu tiên xuất siêu 780 triệu USD nhưng với Trung Quốc vẫn nhập siêu, cho thấy sự phụ thuộc rất lớn vào thị trường này. ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Chúng ta đang chữa bệnh bằng liệu pháp rất nguy hiểm là phụ thuộc vào một địa chỉ”.

ĐB Phạm Huy Hùng (TP Hà Nội) nhấn mạnh việc thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế cần xác định rõ mục tiêu và lộ trình kế hoạch thực hiện từng nội dung cụ thể; xác định nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành. Chính phủ cần có giải pháp kích cầu, xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ các nút thắt cho DN; giải quyết tảng băng về thị trường bất động sản...

ĐB Nguyễn Đức Hiền (tỉnh Nghệ An) cho rằng đầu tư cho phát triển kinh tế biển chưa thỏa đáng so với tiềm năng, thế mạnh của biển mang lại; cần nghiên cứu để có cơ chế đầu tư phát triển về kinh tế biển. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng), báo cáo đánh giá mờ nhạt về vấn đề an sinh xã hội và đề nghị cần quan tâm hơn về lĩnh vực này.

Nghi ngờ về dòng vốn

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, ĐB Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ xây dựng chương trình 3 năm (2013-2015) để phục hồi kinh tế. Theo đó, có thể xem lại bội chi để nới lỏng chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, phải điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tháo gỡ tín dụng để đạt được tăng trưởng 12%. Ông Lịch kiến nghị không nên khống chế lãi suất trần cho vay. Đồng tình, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Trên thế giới, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay 2%-3% là mừng nhưng ở ta lên đến từ 6% - 7%, thậm chí 13%”.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nghi ngờ: “Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng tín dụng 12% nhưng báo cáo của Chính phủ không thấy nói vì sao đến nay tăng trưởng thấp và giải pháp kèm theo là gì? Chính phủ cần giải thích vì sao DN vẫn không tiếp cận được vốn, dòng tiền đang chảy về đâu?”.

ĐB Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) nêu câu hỏi: “Hạ lãi suất ngắn hạn, tiền gửi vào ngân hàng nhiều nhưng DN không có vốn để sản xuất, vậy tiền đi đâu?” Ông dẫn chứng: “Tôi có hỏi, mấy người làm ngân hàng nói rằng thực ra có tiền, song không dám cho vay bởi độ tin tưởng DN chưa cao. Vì thế, ngân hàng lấy tiền mua trái phiếu hoặc ngân hàng A gửi cho ngân hàng B lấy chênh lệch”.

ĐB Phan Văn Quý (tỉnh Nghệ An) cho rằng một trong những vấn đề cần lưu tâm hiện nay là tái cơ cấu ngân hàng thương mại.

Còn nhiều vấn đề gây bức xúc

Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, Đ B Võ Thị Dung bày tỏ: “Trong khi tiếp xúc cử tri thấy tình hình sôi động nhưng xem báo cáo thấy bình yên quá”.

Về một số văn bản hành chính của một số bộ, ngành không khả thi, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chính sách bảo hiểm y tế buộc người đi khám chữa bệnh phải theo đúng tuyến, từ cấp cơ sở lên. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở y tế cấp dưới chất lượng không bảo đảm, người dân không yên tâm nên cử tri gọi chính sách đó là áp đặt. “Cử tri hỏi nếu khám theo tuyến mà ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ai sẽ chịu trách nhiệm? Nhà nước chỉ lo đẩy cái khó cho người dân” - ĐB Tâm kể lại.

ĐB Võ Thị Dung cho rằng trong 6 giải pháp của Chính phủ cho những tháng cuối năm không đề cập lĩnh vực nông nghiệp và nông dân. Trong khi luôn nói nông nghiệp, nông dân là “phao cứu sinh” của nền kinh tế nhưng lại không có hỗ trợ nào, nhất là lĩnh vực này chiếm đến 70% lực lượng lao động.
 

Lùng nhùng quản lý vàng

Tại phiên thảo luận của tổ ĐBQH TPHCM, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh dẫn lại báo cáo của Chính phủ cho rằng thị trường vàng được quản lý tốt nhờ cơ chế mới. “Vậy cơ chế mới là gì? Hay cơ chế mới tạo ra sự chênh lệch giá vàng và nhân dân phản ứng gay gắt” - ĐB Ánh nêu câu hỏi.

Cũng theo ĐB Ánh, tại kỳ họp QH thứ 4, giải trình về quản lý vàng của thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có vẻ hợp lý nhưng đến nay, không phải như vậy và người dân phải chịu thiệt nhiều hơn, bất bình nhiều hơn. Tiếp tục mổ xẻ, ĐB Ánh đề nghị xem xét lại chính sách “tạm xuất tái nhập vàng” đang áp dụng và làm rõ DN nào được cấp quota. Hơn nữa, việc “tạm xuất tái nhập” là để nước ngoài kiểm định vàng, vậy trong thời gian ngắn, NHNN huy động được hơn 10 tấn vàng là có khả năng không, do vậy người dân nghi ngờ “không tạm xuất mà nhập”. “Chênh lệch vàng đến ngày 21-5 là 6 triệu đồng/lượng, trong khi chi phí bao bì, dập lại vàng chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng thì ai được hưởng? Và ai được hưởng từ việc đấu thầu vàng? Việt Nam có thị trường vàng không hay do NHNN thống lĩnh và hưởng giá chênh lệch?” - ĐB Ánh dồn dập nêu câu hỏi.

Đồng tình, ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho biết: “Qua tiếp xúc, nhiều cử tri nói quản lý thị trường vàng như hiện nay là NHNN buôn vàng chứ không phải quản lý. Nhiều ý kiến đề nghị NHNN cần công khai thời điểm nhập vàng, giá cả nhập bao nhiêu, chênh lệch thế nào…?”. ĐB Thúy cho rằng việc NHNN quy định thương hiệu vàng quốc gia SJC là vượt quy định trong nghị định của Chính phủ. Trong khi nhu cầu quy đổi vàng của người dân không có và thực tế thì chất lượng vàng cũng không tăng lên. “Tôi sẽ chất vấn thống đốc NHNN vấn đề này” - ĐB Thúy khẳng định.


 

BẢO TRÂN - NGỌC DUNG - NGUYỄN QUYẾT

 
CẦN SIẾT CHẶC CÔNG TÁC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẰNG KÝ DOANH NGHIỆP
Trong thời gian vừa qua thực hiện theo nghị định Số: 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2010 của chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, thì thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp hết sức đơn giản không cần kiểm tra tài chính ban đầu mà doanh nghiệp đã đăng ký, không cần biết cụ thể địa chỉ doanh nghiệp kinh doanh ở đâu và chỉ cần trong vòng 5 ngày DN đã có giấy phép kinh doanh, do vậy đã ra đời hàng lọat các doanh nghiệp họat động. Có doanh nghiệp ra đời họat động rất tốt có trách nhiệm, tuy nhiên cũng có rất nhiều doanh nghiệp ra đời họat động mang tính chất lừa đảo, như. buôn bán hóa đơn tìm mọi cách để trốn thuế nhà nước. Nếu trước đây việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn VAT chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, chiếm đoạt tiền thuế thì hiện nay các đối tượng lại có những mánh mới: gian lận, chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước thông qua việc mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu... Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng. Thực tế đã xãy ra tại tỉnh Hải dương ,thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục Thuế tỉnh Hải Dương và Công an tỉnh Hải Dương trong đấu tranh phòng, chống hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp, Cục Thuế tỉnh Hải Dương đã xác minh được 42 doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có một số trường hợp mua bán hóa đơn khống; một số doanh nghiệp có kinh doanh nhưng không có hóa đơn đầu vào đã mua hóa đơn khống để hợp lý hóa, với doanh số hàng hóa dịch vụ mua vào là hơn 952 tỷ đồng, thuế GTGT là 69 tỷ đồng… Trước đây, việc lập DN ảo nhằm mua bán hóa đơn còn mang tính chất tự phát thì gần đây đã xuất hiện việc một đường dây tổ chức thành lập DN chuyên mua bán hóa đơn. Trong số đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập DN ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các DN có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu, sau đó các bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm rồi ghi khống. Đây là họat động tội phạm buôn bán hoá đơn GTGT (VAT) rất nguy hiểm cho xã hội, thiệt hại đến ngân sách nhà nước. Đối với các nước trên thế giới như Mỹ và các nước phương tây việc cho phép thành lập doanh nghiệp không phải dễ dàng, đòi hỏi DN cần phải đáp ứng đủ nguồn lực về tài chính theo quy định và có đủ tiêu chuẩn trình độ phù hợp với với ngành nghề kinh doanh đã đăng ký để làm Giám đốc doanh nghiệp. Đối với nước ta được quy định tại nghị định 43 CP Chỉ đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định, thì mới cần Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Chính vì vậy trong thời gian vừa qua nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, cả nước đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính để họat động buộc phải giải thể nhưng trong số đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp ảo mang tính chất lừa đảo tự giải thể hầu trốn thuế nhà nước, trốn nợ vay ngân hàng. Để khắc phục tình trạng trên đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi điều chỉnh lại nghị định 43 CP cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đòi hỏi phải đủ năng lực về tài chính, trước khi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp thì cơ quan có chức năng phải hết sức thận trọng xác minh cụ thể khả năng tài chính của doanh nghiệp, trụ sở mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp; do vậy đòi hỏi phải có thời gian từ 10 đến 15 ngày để kiểm tra xác minh chứ không phải 5 ngày như quy định hiện nay. Đồng thời phải xác định cụ thể người đăng ký làm giám đốc phải có năng lực trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề đã đăng ký, tránh trường hợp đã xãy ra doanh nghiệp thuê người không có trình độ chỉ biết nhận lương làm giám đốc nhưng hậu quả pháp lý xãy ra thì doanh nghiệp không chịu trách nhiệm, cuối cùng thiệt cho xã hội, thiệt cho nhà nước. Thực tế đã diễn ra với thủ đoạn của các đối tượng trung gian là tìm gặp những người không có nghề nghiệp, nông dân, hoàn cảnh kinh tế khó khăn đứng tên thành lập doanh nghiệp, làm giám đốc, hứa hẹn trả lương từ 2 -3 triệu đồng/tháng, không phải làm gì, được ăn nhậu thỏa mái không mất tiền,... nhiều người đã nhẹ dạ chấp nhận làm "giám đốc" mà không cần biết lí do. Với tình hình đã và đang xãy ra ở nước ta , đề nghị các bộ ngành có chức năng sớm tham mưu cho Chính phủ kịp thời sửa đổi nghị định 43CP về đăng ký doanh nghiệp cho phù hợp, hạn chế gây hậu quả về mặt kinh tế và xã hội đối với nước ta.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây