Thị trường mua bán trên mạng được dự đoán sẽ sôi động hơn từ ngày 1-7 tới
Siết quản lý để phát triển
Đã 6 năm kể từ khi ban hành, Nghị định 57/2006/NĐ-CP về TMĐT đến nay đã quá lạc hậu so với thực tế phát triển ở Việt Nam. Nhiều ý kiến đề xuất cần phải có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn nữa để doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng tin tưởng khi tham gia giao dịch điện tử.
Một trong những hoạt động TMĐT có nhiều “vấn đề” thời gian qua là hoạt động mua hàng khuyến mãi theo nhóm. Nghị định về TMĐT ban hành trước đây chưa cập nhật loại hình này trong quản lý và xử phạt, dẫn đến tình trạng “huề cả làng” khi xảy ra tranh chấp.
Chị Lê Thanh Phượng (ngụ quận Gò Vấp - TPHCM) cho biết chị và nhiều người bạn rất bức xúc với phiếu giảm giá (voucher) mua từ các trang TMĐT. “Không như lời quảng cáo, tôi tìm đến địa chỉ mua hàng thì hiếm khi mở cửa, chất lượng sản phẩm lại không như thông tin trên website hoặc cố tình mập mờ khuyến mãi. Tôi đòi lại tiền đã mua voucher rất vất vả, nhiều lần chẳng được. Giờ tôi không dám mua qua mạng nữa” - chị nói.
Đến cuối năm 2012, Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến 24 đã bán hơn 110.000 gian hàng điện tử trên web muaban24.vn, thu hơn 600 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định công ty không được cấp phép kinh doanh gian hàng điện tử và đã khởi tố, bắt giữ những người liên quan trong vụ lừa đảo này.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vũ, Tổng Giám đốc Thế Giới Hoa Tươi, tâm sự: “Kinh doanh TMĐT những năm gần đây rất khó khăn do rào cản về nhận thức, trong khi cơ sở pháp lý chưa hoàn chỉnh. Chúng tôi chủ yếu làm TMĐT do đam mê và phải chấp nhận rủi ro”.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, cho biết cục đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý. Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT vẫn tồn tại, phát sinh nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật, nhất là hành vi lừa đảo. Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng thông tư chế tài, xử phạt đi kèm khi nghị định mới được ban hành nhằm hạn chế các hành vi lừa đảo.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP vừa ban hành, sẽ có 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TMĐT. Cụ thể: Tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ TMĐT buộc người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích khác từ việc vận động người tham gia mạng lưới; lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh...
Ngoài ra, việc thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website TMĐT, giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động TMĐT... cũng bị nghiêm cấm.
Với các website bán hàng khuyến mãi trực tuyến, mua hàng theo nhóm, phải bồi thường cho khách hàng nếu phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ hoặc thẻ khách hàng bị người dùng từ chối vì không đúng với các điều kiện đã công bố.
Một điểm mới trong nghị định này là Bộ Công Thương sẽ công bố trên cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT danh sách các website đã từng vi phạm hoặc bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật để người dân biết và thận trọng hơn.
Cần định hướng quy hoạch dài hơi Theo bà Trương Tố Linh, đồng sáng lập trang web memua.vn, trên thực tế, công tác quản lý hiện nay chỉ hạn chế rủi ro và xử lý các vụ việc đã xảy ra chứ chưa đóng vai trò định hướng, quy hoạch thị trường dài hơi. “Vì thế, bên cạnh việc loại trừ các hành vi kinh doanh gian dối, cần có cơ chế, chính sách bảo vệ, khuyến khích và hỗ trợ những DN kinh doanh chân chính. Các cơ quan quản lý TMĐT cũng cần xuất hiện nhiều hơn, thông tin thường xuyên trên phương tiện truyền thông nhằm tăng nhận thức của xã hội về TMĐT” - bà Linh đề xuất. |