Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ở Krông Nô: Đột phá từ khâu giống

Thứ năm - 02/05/2013 18:02 - Đã xem: 983
Với lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên, Krông Nô trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Vì vậy, để nâng cao được năng suất, giá trị sản phẩm nông sản, huyện đã nỗ lực đột phá từ khâu giống, đưa vào áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC).


Người dân xã Buôn Choáh được cán bộ ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn cặn kẽ cách chăm sóc lúa lai trên đồng ruộng

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng. Ngoài sự ưu đãi về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thì việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng CNC vào sản xuất một số giống cây trồng như lúa lai TH3 – 3, lúa thơm NA-2, Kim ưu 725, lúa thuần thơm RVT, dòng ngô lai DK, nuôi cá lăng giống, nuôi bò lai... đã góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân và thị trường.
 
Công nghệ cao trên đồng lúa
 
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 4.000 ha lúa nước, với sản lượng đạt trên 26.000 tấn/năm. Vì vậy, ngành Nông nghiệp huyện đã từng bước vận động, thuyết phục người dân vừa duy trì sản xuất, vừa ứng dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến vào trồng trọt.
 
Đơn cử, việc chuyển giao các giống lúa năng suất chất lượng cao như lúa lai TH3 – 3, lúa thuần thơm RVT, gắn với việc xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” đã giúp cho nông dân dần tiếp cận với cách làm mới, đạt hiệu quả kinh tế hơn.
 
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện thì việc triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC đã được huyện xác định từ khâu chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng để tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp.
 
Bắt đầu từ vụ hè thu 2011, địa phương đã triển khai mô hình trồng và thâm canh lúa lai TH3-3 với sự giúp sức của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh và đạt được kết quả khá cao. Mô hình thực hiện trên diện tích 16 ha với 65 hộ ở các xã Đức Xuyên và Buôn Choáh tham gia. Đến nay, giống lúa lai TH3 – 3 đã được nông dân trên địa bàn huyện sử dụng phổ biến.
 
Qua đánh giá, giống lúa lai TH3 - 3 sinh trưởng tốt, cứng cây, ít nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, thời gian sinh trưởng là 105-115 ngày, phù hợp với điều kiện mùa vụ nơi đây. Bên cạnh đó, năng suất lúa cũng đạt khá cao, trung bình đạt 8,1 tấn/ha, có hộ chăm sóc tốt đạt đến 13 tấn/ha. Với giá bán hiện nay thì bà con cũng thu được lợi nhuận trên 30,5 triệu đồng/ha.
 
Còn đối với giống lúa thuần RVT được đưa vào sản xuất đại trà hiện nay cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận của ngành Nông nghiệp địa phương. Giống lúa RVT có đặc điểm hạt thon dài, màu vàng sáng, chất lượng gạo cao, khả năng chống đổ tốt, kháng chịu với một số sâu bệnh hại chính như đạo ôn, khô vằn, bạc lá… và tiềm năng năng suất có thể đạt 7 – 8 tấn/ha. Ngoài ra, giống lúa RVT còn có thể thích ứng rộng với nhiều vùng khí hậu khác nhau.
 
Để giúp nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất hiệu quả các giống lúa mới, chất lượng cao theo hướng CNC trên đồng đất địa phương, huyện đã phối hợp với các ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ. Cán bộ kỹ thuật cũng trực tiếp giúp bà con áp dụng hiệu quả các chương trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại như IPM, “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng phân bón, giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, tăng chất lượng gạo, tăng hiệu quả kinh tế)...
 
Đặc biệt, vụ đông xuân năm 2012 -2013, địa phương cũng đã tiến hành xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với diện tích trên 34 ha tại xã Buôn Choáh để gieo sạ toàn bộ giống lúa RVT. Đây là nền tảng để nông dân trong huyện thực hiện ước mơ từng xây dựng cánh đồng sản xuất theo hướng CNC và từng bước đưa hạt gạo của địa phương đạt quy chuẩn, trở thành thương hiệu “lúa gạo Krông Nô” có uy tín cao hơn trên thị trường tiêu thụ.
 
Hướng đến nền nông nghiệp bền vững
 
Hiện nay, việc triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn huyện Krông Nô về tổng thể đã được quy hoạch. Thế nhưng, về thực tiễn sản xuất, địa phương còn gặp không ít khó khăn về hạ tầng, vốn đầu tư, lẫn việc chuyển giao công nghệ sản xuất cho nông dân. Vì vậy, trước mắt huyện đang quy hoạch một số loại cây có thế mạnh địa phương vào thực hiện chương trình xây dựng nông nghiệp theo hướng CNC.
 
Theo đó, nhóm cây lương thực tập trung vào 2 loại cây trồng chính là lúa nước và ngô lai. Trong đó, đối với các xã có diện tích đất canh tác phù hợp như Buôn Choáh, Đức Xuyên, Đắk Nang, Nâm N’Đir… sẽ tiến hành quy hoạch cánh đồng chuyên canh theo hướng CNC, với 2 vụ lúa, ngô trong năm. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 50% tổng diện tích, cây ngô lai chiếm hơn 80% tổng diện tích. Còn nhóm cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, hồ tiêu, cao su… sẽ bố trí quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tập trung ổn định diện tích, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao theo bộ tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp vào sản xuất.
 
Theo đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Nô thì ngay từ rất sớm, huyện đã xây dựng chương trình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao và áp dụng trên quy mô toàn huyện nên khi tỉnh triển khai Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng CNC, huyện cũng có những mặt thuận lợi nhất định.
 
Đến nay, huyện đã cơ bản thực hiện xong công tác quy hoạch đối với một số loại cây trồng chính, bố trí theo từng vùng sản xuất cụ thể để thực hiện chương trình nông nghiệp CNC. Trong những năm đầu thực hiện chương trình lớn này, huyện đã gắn qui hoạch với việc xây dựng các đề án, dự án về đầu tư cơ sở sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi cũng như bố trí, quy hoạch các khu chế biến, bảo quản sau thu hoạch để kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực này.
 
Có thể nói, việc định hướng, xây dựng kế hoạch để triển khai chương trình nông nghiệp CNC ở huyện Krông Nô mới chỉ là bước khởi đầu. Nhưng bằng những chính sách cụ thể về chuyển đổi những bộ giống mới ưu thế hơn về năng suất, chất lượng, gắn với việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân đã giúp cho sản xuất nông nghiệp của huyện có những bước chuyển biến rõ rệt. Trên cơ sở đạt được, huyện Krông Nô đang tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với từng nông hộ và đó chính là cơ sở để địa phương hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
 
Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây