Vẫn dự kiến nâng công suất bauxite Tân Rai, Nhân Cơ

Thứ hai - 04/03/2013 20:52 - Đã xem: 911
Chính phủ đã chỉ đạo định hướng từ nay đến năm 2015, chỉ duy trì công suất của 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ thông qua sản xuất thử nghiệm. Đến năm 2020, trên kết quả thử nghiệm của 2 dự án, nếu điều kiện hạ tầng vận tải cho phép thì sẽ tăng gấp đôi công suất 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ.


(
Dự án bauxite Tân Rai - Ảnh: TL.)


Đây là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp năng thuộc Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp báo chiều nay (4-3) về tình hình sản xuất công nghiệp thương mại 2 tháng đầu năm 2013.

Theo ông Quân, ngày 4-1-2013 vừa qua, Chính phủ đã nghe Bộ Công Thương báo cáo về điều chỉnh lại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bauxite của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo định hướng chính trong thời gian tới là Việt Nam sẽ phát triển ngành công nghiệp bauxite một cách thận trọng, đi từng bước một, từ thử nghiệm cho đến quy mô lớn đảm bảo tổng thể lợi ích kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Cụ thể, Thủ tướng đã chỉ đạo từ nay đến năm 2015 sẽ duy trì công suất của 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ thông qua giai đoạn sản xuất thử nghiệm. Đến năm 2020, trên kết quả thử nghiệm của 2 dự án, nếu điều kiện hạ tầng vận tải cho phép thì sẽ tăng gấp đôi công suất 2 dự án này.

Sau năm 2020, nếu Việt Nam đầu tư được hệ thống đường sắt, hạ tầng cơ sở đảm bảo và việc sản xuất 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ có kết quả tốt thì sẽ đầu tư các dự án alumin khác với quy mô công nghiệp lớn từ 2 – 3 triệu tấn/năm.

Dự án bauxite Tân Rai công suất 650.000 tấn/năm đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến đến tháng 6-2013 sẽ vận hành chính thức.

Khi được báo chí hỏi về hiệu quả dự án bauxite Tân Rai, ông Quân cho biết qua kết quả kiểm tra về hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai vào thời điểm tháng 12-2012, với tổng mức đầu tư dự án tăng 30% so với ban đầu, đồng thời giá bán alumin ở thời điểm tháng 12-2012 vào khoảng 326 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, tại thời điểm phê duyệt dự án vào tháng 9-2009 thì giá alumin khoảng 365 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 42 đô la Mỹ/tấn so với dự kiến ban đầu.

Ông Quân cho rằng điều này do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế chung, không chỉ đối với sản xuất nhôm mà còn một loạt khoáng sản khác như sắt, đồng, thiếc cũng đều giảm mạnh.

“Với cơ chế hiện hành, giá bán alumin ở thời điểm kiểm tra cuối năm 2012 thì thấy dự án này không hiệu quả, mức độ rủi ro lớn”, ông Quân khẳng định.

Theo ông Quân, đối với dự án Tân Rai thì cần điều chỉnh một số chính sách cho hợp lý hơn. Chẳng hạn như Vinacomin đề xuất giảm giá đền bù đất cho khai thác bauxite xuống còn 250 triệu đồng/héc ta thay vì 800 triệu đến 1 tỉ đồng như hiện nay.

Ngoài ra, giảm phí bảo vệ môi trường từ 30.000 đồng/tấn xuống còn 5.000 đồng/tấn bởi Vinacomin cho rằng mức phí hiện nay chưa hợp lý bởi Vinacomin đã đầu tư rất lớn cho công tác bảo vệ môi trường và nộp thêm 30.000 đồng/tấn phí môi trường nửa là quá cao.

“Với việc điều chỉnh các cơ chế nói trên và giá bán đang có xu hướng tăng lên thì dự án bauxite Tân Rai dự báo sẽ có hiệu quả”, ông Quân nói.

Cách đây khoảng 15 ngày, Vinacomin đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp Việt Nam bán tại mỏ với giá alumin là 340 đô la Mỹ/tấn, có nhích lên đô chút so với cuối năm 2012.

Ngoài ra, sắp tới cũng sẽ tận dụng thu hồi bùn đỏ để thu hồi quặng sắt, 10 tấn bùn đỏ sẽ thu hồi được 2,5 tấn sút sắt sản xuất phôi thép. Chính phủ đang yêu cầu Vinacomin triển khai quy mô công nghiệp. Điều này sẽ làm giảm đầu tư hồ xử lý bùn đỏ (đầu tư 1 hồ bùn đỏ khoảng 150 tỉ đồng chỉ chứa được 1 năm bùn đỏ).

Quan trọng nhất, ông Quân nói rằng các tổ chức thế giới dự báo giá alumin sắp tới sẽ tăng theo giá nhôm. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu nhôm tăng thì giá nhôm sẽ tăng, bình quân trong gia đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ tăng lên 450 đô la Mỹ/tấn. "Với giá bán như vậy thì rất đáng mừng vì dự án Tân Rai sẽ có hiệu quả về kinh tế", ông Quân nói.

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây