- Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật Đất đai là khắc phục tình trạng thu hồi đất tùy tiện hiện nay. Điều này sẽ được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?
- Để khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan trong thời gian qua thì cả trong nghị quyết TƯ lẫn thể chế hóa trong luật đều thực hiện theo cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Trước đây quyền thẩm quyền thuộc UBND, nhưng bây giờ phải thông qua HĐND, nhất là các dự án kinh tế. Bước tiến ở đây là có sự giám sát của HĐND, lập kế hoạch hằng năm và kế hoạch đó phải có cơ quan quyền lực là HĐND xem xét, tránh chuyện thu hồi tràn lan. Ngoài ra, với nhà đầu tư phải có một số điều kiện, phải có năng lực tài chính (phải thông qua kiểm toán) và phải ký quỹ. Các dự án trước đó nếu chậm triển khai, bỏ hoang thì không giao dự án mới.
- Có thực trạng là các dự án treo hiện quá nhiều, khó thu hồi. Vấn đề này sẽ được luật sửa đổi xử lý như thế nào?
- Chúng tôi đã có chế tài rõ về việc thu hồi đất dự án treo. Điểm mới của dự thảo luật sửa đổi là các dự án chỉ có chủ trương đầu tư sẽ chưa giao thuê đất ngay, mà sau 3 năm nếu không thực hiện thì đương nhiên hủy bỏ. Còn đối với các dự án đã giao thuê đất, sẽ có các mốc thời hạn cụ thể: Dự án nào chưa triển khai thì sau 12 tháng sẽ thu hồi đất. Dự án nào triển khai rồi thì thời hạn triển khai là 24 tháng. Việc gia hạn chỉ tiến hành một lần và tối đa là 12 tháng. Đây là điểm hoàn toàn mới, bởi luật trước đây không quy định gia hạn cụ thể về thời gian. Nếu chủ đầu tư quá thời hạn đó thì Nhà nước thu hồi và không có chuyện bồi hoàn. Nếu nhà đầu tư thấy không làm được mà trả trước thời hạn gia hạn thì Nhà nước sẽ có phương án thanh toán sòng phẳng.
- Còn việc tăng cường giám sát của cơ quan chức năng quy định ra sao trong luật đối với các dự án thuê đất, thưa ông?
- Thay vì kiểm tra, thanh tra đột xuất như trước, sẽ tăng cường giám sát cả quá trình, từ khi bắt đầu triển khai đến khi kết thúc dự án. Chủ đầu tư phải thường xuyên báo cáo quá trình thực hiện dự án lên bộ. Để xử lý thực trạng hiện nay, bộ đã làm việc với các địa phương. Với dự án chỉ có chủ trương đầu tư không thôi thì rà soát, nếu thực sự không thể triển khai thì công bố hủy bỏ. Nếu đã triển khai quá thời hạn thì phải thu hồi nếu không có lý do. TPHCM đã đưa ra tiêu chí rồi và hiện Hà Nội cũng đang xin ý kiến về các tiêu chí thu hồi.
- Người dân một số dự án yêu cầu không nhận bồi thường bằng tiền mà nhận bằng đất, trong khi chính quyền bảo không có đất để bồi thường. Vậy phải xử lý vấn đề này như thế nào?
- Nếu không có đất thì phải bồi thường bằng tiền và tiền tương đương với tiền đất chứ không còn cách nào khác. Nguyên tắc là thu hồi đất theo mục đích sử dụng chứ không phải bồi thường đất theo quy hoạch. Thu hồi đất nông nghiệp thì bồi thường đất nông nghiệp chứ không phải đất chung cư. Thực ra, một số nơi, cái người dân đòi là đòi đất dịch vụ, cấp suất đất để bố trí sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế rất khó. Vì cấp cho người này thì phải thu đất của người khác. Ở Hà Nội- nhất là vùng Hà Tây cũ- đang nợ rất nhiều. Người dân đòi đất dịch vụ, xử lý rất khó. Chính vì vậy phải điều chỉnh Nghị định 69, trả bằng tiền nhưng phải làm sao ổn định cuộc sống cho họ.
Đối với sửa đổi luật lần này, không chỉ có hình thức thu hồi đất mà chúng tôi muốn còn có các hình thức khác như cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Luật Đất đai chưa quy định, nhưng có thể sau này quy định bằng công cụ thuế. Ví dụ, đất bán cho người khác để sản xuất công nghiệp thì thuế phải cao, nhưng nếu cho sản xuất nông nghiệp thì thuế thấp, khuyến khích cho thuê. - Xin cảm ơn ông!
CẦN THỐNG NHẤT MỘT CƠ CHẾ THU HỒI ĐẤT TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI
Trong luật Đất đai 2003 có 2 cơ chế thu hồi đất, cơ chế thứ nhất là do nhà nước đứng ra thu hồi đất, tiến hành giải phóng mặt bằng. Cơ chế thứ hai là doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân trong thu hồi đất, bồi thường. Đất đai hiện nay thuộc sở hữu tòan dân do nhà nước thống nhất quản lý, trong khi đó lại giao cho doanh nghiệp tư nhân tự thỏa thuận với người dân trong thu hồi đất, sau đó Nhà nước làm thủ tục giao đất hoặc cho thuê đất đối với các doanh nghiệp. Đây chính là điều bất cập trong cơ chế chính sách, dẫn đến người dân khiếu kiệnđông người kéo dài trong những năm qua, đến nay cũng chưa được giải quyết dứt điểm.
Hiện nay hàng năm các địa phương xây dựng giá đất phục vụ cho hai mục đích là giá đền bù cho thu hồi đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương và cũng là giá khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Khi áp dụng cho đền bù thì người dân kêu là giá đền bù quá thấp phải theo giá thị trường, khi giao đất có thu tiền sử dụng đất cũng là giá đó, thì người dân cho rằng giá quá cao không có khả năng nộp đề nghị nhà nước xem xét miễn giảm.
Về giá đền bù đây là vấn đề nhạy cảm người bị thu hồi đất thắc mắc khiếu nại rất nhiều, người dân không hiểu khi thu hồi đất có nhiều lọai đất khác nhau như đất khu dân cư , đất nông nghiệp , đất rừng sản xuất vv…do vậy giá đền bù các lọai đất khác nhau. Các địa phương cũng rất khó khăn trong việc vận động tuyên truyền với các hộ dân bị thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế ở địa phương; vì nếu dự án địa phương thu hồi theo quy định pháp luật thì áp giá đền bù theo giá đất hàng năm được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, còn các dự án khác do các doanh nghiệp chủ đầu tư thì theo giá thỏa thuận với người dân , do đó trên khu vực đất gần nhau nhà nước thu hồi làm công trình công cộng thì giá thấp hơn do các tổ chức khác thỏa thuận , vì vậy các hộ thắc mắc.
Qua các đơn khiếu nại về đất đai người dân đòi hỏi phải công bằng và đề nghị đền bù phải theo giá thị trường, tuy nhiên, làm thế nào để xác định được giá thị trường và làm thế nào để xác định "sát với giá thị trường" là điều không đơn giản , đây là vấn đề khó, chính vì vậy mấy năm qua các địa phương vấp phải không giải thích thuyết phục được với các hộ dân , liên tục gửi đơn vượt cấp. Về giá đền bù do nhà nước thu hồi đất , đất đai hiện nay thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, hiện nay Nhà nước chưa giao quyền sở hữu đất đai cho hộ gia đình, cá nhân, mới giao quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân, do vậy nước ta mới có khái niệm thị trường bất động sản chứ chưa có khái niệm thị trường về đất đai, như vậy làm sao xác định giá thị trường đất đai?
Chính vì vậy Chính phủ nên tiếp tục quy định khung giá đền bù chung cho cả nước, hoặc ủy quyền UBND các tỉnh ,thành phố trực thuộc trung ương xây dựng giá đất. Trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng vận dụng, xây dựng giá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương sát với giá thị trường, trình hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để triển khai thực hiện áp dụng thời gian từ 3 năm trở lên để mang tính ổn định lâu dài để triển khai một dự án lớn, nếu hàng năm phải điều chỉnh giá đất như hiện nay, thì người nhận đền bù trước sẽ khiếu kiện vì người nhận đền bù năm sau giá đền bù sẽ cao hơn năm trước.
MINH TRÍ