Lần đầu tiên sau hàng chục năm thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt kế hoạch chứ không vượt thu như thường lệ. Cũng lần đầu tiên, nhiều địa phương không hoàn thành chỉ tiêu ngân sách đề ra.
Vì doanh nghiệp khó khăn
Theo công bố của Bộ Tài chính, năm 2012, cả nước thu ngân sách đạt hơn 740.500 tỉ đồng, bằng 100,3% kế hoạch dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 459.480 tỉ đồng, bằng 92% dự toán. Thu từ dầu thô đạt 144.400 tỉ đồng, vượt 66% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 131.500 tỉ đồng, bằng 85% dự toán. Nếu không kể số thu từ dầu thô thì kết quả thu năm 2012 chỉ đạt 94,6% so với dự toán.
Bất động sản đóng băng góp phần gây thất thu ngân sách (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Ảnh: TẤN THẠNH
Trong đó, hụt thu lớn nhất là từ sản xuất kinh doanh. Các địa phương lâu nay có nguồn thu lớn từ bất động sản (BĐS), vật liệu xây dựng, ô tô đứng đầu trong danh sách hụt thu là do bị ảnh hưởng lớn nhất từ suy giảm kinh tế năm 2012. Việc bong bóng BĐS xì hơi đã khiến gần 18.000 trong tổng số 50.000 doanh nghiệp ngành xây dựng báo lỗ. Trong ngành, có 2.673 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, so với năm 2011 tăng 9,4%.
Tính đến ngày 30-4-2012, cả nước còn 463.800 doanh nghiệp đang hoạt động. Năm ngoái có khoảng 50.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản nhưng có khoảng 65.000 doanh nghiệp thành lập mới. Do đó, về số lượng doanh nghiệp thì tăng nhẹ. Tại một công bố mới đây, Bộ Tài chính cho biết năm qua, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp rất yếu. Có thời điểm 62.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, gần 100.000 doanh nghiệp không có doanh số hoặc kê khai thuế GTGT âm.
30 địa phương hụt thu
Năm 2012, cả nước có 30 địa phương hụt thu ngân sách. Số thu từ địa phương giảm 10.000 tỉ đồng so với dự toán, nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất thì giảm khoảng 11.200 tỉ đồng.
Tỉnh Vĩnh Phúc có hai “hạt nhân” là Công ty Ô tô Toyota và Honda sụt giảm mạnh doanh số bán hàng, có thời điểm giảm đến 52% so với cùng kỳ. Chốt số liệu cả năm, ngành thuế Vĩnh Phúc thu nội địa chỉ đạt hơn 9.000 tỉ đồng, bằng 73,6% dự toán và bằng 85,5% so với thực hiện cùng kỳ năm ngoái.
Tại hội nghị tổng kết ngành thuế diễn ra tuần trước, lãnh đạo Cục Thuế Đà Nẵng cho biết ngân sách địa phương này phụ thuộc quá lớn vào BĐS. Năm nay thị trường BĐS đóng băng đã làm cho ngân sách sụt giảm nghiêm trọng và là mức giảm mạnh nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Thuế thu nhập doanh nghiệp từ BĐS của Đà Nẵng năm nay chỉ bằng 43,6% so với cùng kỳ. 20 doanh nghiệp trọng điểm, nguồn thu đã giảm 533 tỉ đồng khiến tổng thu chưa bằng 50% dự toán.
TÔ HÀ
GIẢI PHÁP CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU THU NỘP NGÂN SÁCH Năm 2012
cả nước có 30 địa phương hụt thu ngân sách. Số thu từ địa phương giảm 10.000 tỉ đồng so với dự toán, nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất thì giảm khoảng 11.200 tỉ đồng. Chính vì hụt nguồn thu nên các địa phương không đảm dự toán chi đã được cân đối ngay từ đầu năm, thực tế đã ảnh hưởng đến khoản chi đảm bảo cho an sinh xã hội, các khoản chi phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là địa phương không có nguồn để giải ngân để thanh toán các khoản nợ đọng các công trình xây dựng cơ bản của địa phương từ nhiều năm nay. Năm 2012 vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83, hướng dẫn chi tiết các cơ chế, thủ tục, đối tượng được hưởng gói hỗ trợ thuế của Chính phủ. Cụ thể, các Doanh nghiệp được giãn 6 tháng thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, thời hạn nộp tháng 4 được giãn đến ngày 20.11.2012; tháng 5 giãn đến 20.12.2012; tháng 6.2012 giãn đến 21.1.2013. Việc giãn thuế cho các doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, tuy nhiên thời điểm Bộ Tài chính cho phép giãn nợ không hợp lý kéo dài qua năm sau, chính vì lẽ đó nên có trên 30 địa phương không thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách, không có nguồn để đảm bảo chi ngân sách của cấp mình. Để cho các địa phương ổn định cân đối thu chi ngân sách trong năm, hoàn thành được chỉ tiêu thu nộp ngân sách cấp trên giao, đề nghị Bộ Tài chính nếu cho phép các Doanh nghiệp giãn nợ thuế thời điểm phải nộp trong tháng 9 hoặc tháng 10 trong năm, không nên nộp vào cuối tháng 12 hoặc tháng 01 năm sau chắc chắn các doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc thực hiện nộp thuế, vì thời gian đã cận Tết âm lịch các Doanh nghiệp phải tập trung lo lương, thưởng tết cho công nhân, người lao động.
MINH TRÍ