Vốn Nhật vẫn chảy vào, nhưng...

Thứ năm - 24/01/2013 19:47 - Đã xem: 1146
Dự báo sẽ có làn sóng đầu tư quy mô lớn từ nước này vào Việt Nam nhưng thực tế vẫn có nhiều yếu tố khiến các nhà đầu tư Nhật quan ngại

Theo kết quả nghiên cứu điều tra năm 2012 về hoạt động của các công ty Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương công bố ngày 23-1, vẫn còn nhiều thách thức mà các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản hoạt động tại khu vực này đang lo ngại như việc tăng lương cho lao động; tỉ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, linh kiện; việc tuyển dụng nhân lực có trình độ…

Cần môi trường cạnh tranh hơn

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra môi trường đầu tư ở Việt Nam trong nhiều năm qua hầu như không được cải thiện, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu nguồn nhân lực cũng như kỹ năng trong công việc. Vì vậy, việc tăng cường hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm nay là không hề dễ dàng.
 
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty Mtex - Semiconductor (Nhật Bản) ở KCX Tân Thuận (TPHCM). Ảnh: THANH VŨ

Theo kết quả nghiên cứu, tỉ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, linh kiện của Việt Nam là 27,9%, thấp hơn so với bình quân chung là 47,8%, đặc biệt thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (60,8%), Thái Lan (52,9%), Indonesia (43,3%)... Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, dẫn chứng: Trong khi một số nước trong khu vực như Thái Lan đã hình thành và hoàn thiện được chuỗi cung ứng về linh kiện ở mức khá thì tỉ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, linh kiện của Việt Nam còn quá thấp nên phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Hậu quả tất yếu là chi phí nguyên liệu tăng cao, trong khi khoản chi phí này chiếm hơn một nửa giá thành sản xuất của các DN Nhật Bản tại Việt Nam. “Tôi cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu về việc giảm tỉ lệ phí nguyên liệu bằng cách tiến hành tăng giá trị gia tăng của sản phẩm” - ông Yamaoka đề xuất.

Theo ông Yamaoka, để khắc phục tình trạng tỉ lệ nội địa hóa linh kiện thấp và giá trị gia tăng của sản phẩm không cao, đầu tiên phải thu hút được DN có kỹ thuật vào Việt Nam. “Vấn đề quan trọng là Việt Nam phải hấp thụ được những kỹ thuật đó. Việt Nam đã qua thời kỳ kiếm lãi nhanh chóng nhờ phát triển theo chiều rộng, trong tương lai cần phải nắm được kỹ năng, kỹ thuật mới phát triển bền vững được” - ông Yamaoka phân tích.

Vấn đề cốt tử là nguồn nhân lực

Ông Yamaoka cho biết trong thời gian sắp tới, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản. DN Nhật Bản ở lĩnh vực chế tạo có xu hướng tăng tỉ lệ sản xuất sản phẩm của họ ở nước ngoài, trong khi đó chủ trương của chính phủ Nhật Bản là không mở rộng đầu tư ở một số địa chỉ quen thuộc như Trung Quốc, Thái Lan. Hiện Nhật Bản đang có động thái đầu tư sang một số nước phát triển trễ hơn, chi phí đầu tư thấp hơn... Việt Nam có nhiều khả năng lọt vào “tầm ngắm” của Nhật.

Mặc dù vậy, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cũng bày tỏ quan ngại về hệ thống chính sách của Việt Nam. “Nếu Việt Nam có chính sách rõ ràng về hướng phát triển kinh tế trong thời gian 10 - 20 năm tới để nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng phát triển thì khả năng thu hút đầu tư nước ngoài sẽ mạnh hơn” - ông Yamaoka nói.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, việc thu hút FDI có kỹ thuật vào những nền kinh tế tăng trưởng thấp như Việt Nam cần phải có thời gian. Theo ông Thắng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phát triển nhân lực chứ không hẳn nằm ở chính sách. “Nếu DN Việt Nam chưa sẵn sàng tiếp nhận công nghệ cao do DN nước ngoài chuyển giao thì chính sách dù có hợp lý cũng không giải quyết được gì” - ông Thắng nói.

Lo ngại lương tăng vọt

Theo JETRO, tỉ lệ tăng tiền lương của các DN Nhật Bản tại Việt Nam là cao nhất trong số các nước được khảo sát. Tiền lương của các DN này năm 2012 tăng 19,7% so với năm trước và dự đoán năm 2013 sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 17,5%.

Mức lương trung bình hằng tháng của công nhân ngành sản xuất tại Việt Nam là 145 USD thì vẫn còn thấp nếu so sánh với các nước ở châu Á (Thái Lan 345 USD, Trung Quốc 325 USD, Indonesia 229 USD...). Tuy vậy, JETRO lo ngại nếu lương tăng nhảy vọt và vượt xa các quốc gia khác thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

PHƯƠNG NHUNG

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây