Thủ tướng đau, dân cũng như xát muối

Thứ năm - 17/01/2013 02:39 - Đã xem: 1071
Trong khi người dân còn nghèo, cuộc sống còn khó khăn mà phải gánh chịu những hậu quả của các tập đoàn kinh tế gây ra là không thể chấp nhận. Người dân mong Thủ tướng hãy quyết liệt với những yếu kém của các tập đoàn để người dân yên tâm.
Bức xúc, thất vọng, đau lòng... là cảm xúc của hàng ngàn bạn đọc khi nghe ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Tuy chỉ có một vài doanh nghiệp thua lỗ, sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng như Vinashin, Vinalines nhưng ảnh hưởng rất lớn, khiến người dân đặt câu hỏi còn Vina nào nữa?. Tôi thực sự đau lòng, dân phê phán là đúng, thua lỗ tiền tỉ như thế ai không sốt ruột” tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước diễn ra tại Hà Nội vào sáng 16-1.
 
Tiền dân như... lá
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương tại hội nghị cho thấy mức lỗ phát sinh của tất cả các tập đoàn, tổng công ty năm 2012 là 2.253 tỉ đồng; 10 tập đoàn, tổng công ty đến nay đã lỗ lũy kế 17.730 tỉ đồng, nhiều bạn đọc cho biết “không thể nào hiểu nổi”. Những tập đoàn này được ưu ái mọi điều, được trao một khối lượng vốn, tài sản khổng lồ nhưng làm ăn ngày càng tệ. Đầu tàu kinh tế của đất nước mà như thế thì người dân còn trông đợi vào đâu?.
 
Một công ty con của Vinashin làm ăn thua lỗ nặng. Ảnh: Trọng Đức
 
Bạn đọc Hoàng Hà Hồng bức xúc: “Thủ tướng đau lòng một, dân đau lòng mười, bởi kinh tế khó khăn thì người chịu khổ đầu tiên là chính người dân. Ngân sách giảm thì các các bộ, ngành sẽ nghĩ ra bao nhiêu loại thuế, phí để bù vào, miếng cơm manh áo của người dân sẽ teo tóp. Người dân chỉ biết đau lòng nhưng không biết phải làm gì. Còn Thủ tướng chắc sẽ nghĩ ra cách phải làm sao trị được những "sâu mọt" hại dân”.

Trước số lỗ khổng lồ, nhiều bạn đọc cho rằng lãnh đạo các tập đoàn này không lẽ vẫn “bình chân như vại”. Hơn 17.700 tỉ đồng đó sẽ làm được biết bao nhiêu việc trong bối cảnh đất nước khó khăn như hiện nay. Bạn đọc Chí Công, chỉ rõ: “Đau lòng khi thấy các em bé vùng núi phía Bắc đi bộ hàng chục cây số đến trường trong tấm áo không được lành lặn, trong cái bụng rỗng không có nổi khoai sắn để lấp đầy. Đau lòng khi nhìn thấy các em không biết cách bóc cái bánh vì không biết đó là bánh. Đau lòng cho các lớp học trống trước hụt sau, thầy trò co ro bên đóng lửa nhóm vội... Các vị hãy nhìn vào đó mà làm việc chứ đừng viễn vông trong phòng điều hòa, trong hàng ghế VIP ở các chuyên cơ...”.
Một con tàu của Vinalines bị bỏ hoang ở biển Hải Phòng

Bạn đọc Hoàng Công Nhu, nói thẳng: “Đã được cất nhắc lên vị trí chủ tịch tập đoàn hay tổng giám đốc hưởng lương cao, giàu có mọi bề nếu làm ăn không có hiệu quả thì phải bỏ tù, phải thanh tra kiểm tra xem họ tuồn nguồn vốn Nhà nước đi đâu để xử lý thu hồi. Ở đây khi bị thua lỗ chỉ thấy cách chức cho nghỉ việc là xong không xem xét trong thời gian họ làm lãnh đạo thì số tiền thất thoát đi về đâu, chi tiêu như thế nào. Thành ra, nhiều người cứ cố vơ vét và tham lam lạm dụng công quỹ để mong cho đầy túi tiền, nhà cửa cơ ngơi đề huề, bị hạ bệ cũng chả ảnh hưởng gì tới cái riêng. Dân còn khổ vì mấy ông này”.

Hãy vì người dân mà hành động

Số liệu báo cáo tại hội nghị cho biết: Tổng tài sản của các tập đoàn là  hơn 2,1 triệu tỉ đồng, nhưng tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp này lại hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Nói nôm na, hơn một nửa tài sản được nhà nước giao cho các tập đoàn hiện đang là của các chủ nợ. Nhiều bạn đọc cho biết: không hình dung nổi 1,3 triệu tỉ đồng nó nhiều thế nào? Nếu đổi ra tiền 100.000 đồng thì liệu phủ được bao nhiêu diện tích?... Trong khi đó còn nhiều người vắt sức kiếm một ngày 10.000 đồng để mua ký gạo cho bầy con còn không nổi. Thủ tướng hãy quyết liệt với những yếu kém của các tập đoàn để người dân yên tâm.

Bạn đọc Xuân Cường, bày tỏ: “Trong cuộc họp Quốc hội vừa rồi, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính trung ương đã nói đến việc khi dân hỏi ông về vụ Vinashin, Vinalines ông không biết trả lời ra sao, "mặt cứ trơ ra". Tôi nghĩ “mặt cứ trơ ra” là vì tiền bạc của Nhà nước, của người dân đổ sông đổ bể 1 cách vô tội vạ, không thể kiểm soát được. Qua hội nghị này, người dân chỉ mong sao các vị lãnh đạo các tập đoàn nhà nước hãy thể hiện trách nhiệm và lòng tự trọng của một người Đảng viên chân chính bằng hành động cụ thể. Các ông đừng xin lỗi và người dân cũng không cần xin lỗi mà hãy làm cho hết trách nhiệm như một người nông dân cày trên mảnh ruộng của chính mình là người dân mừng rồi”.
 
Tập đoàn điện lực Việt Nam còn nợ nước ngoài rất lớn

Bạn đọc Văn Vũ, yêu cầu: “Xin Thủ tướng cho kiểm điểm và thay ngay lãnh đạo ở những đơn vị này. Nếu vi phạm ở mức hình sự thì bắt và truy tố kẻ phạm tội bất kể là ai, làm sao để bọn tham nhũng phải bị trừng trị và tiền bạc, tài sản của nhà nước (thực chất là tiền thuế của nhân dân) phải được sử dụng có hiệu quả. Làm được như vậy thì người dân sẽ vững tin và ủng hộ hơn nữa các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và chính phủ”.
 
Bạn đọc Thuần, gay gắt: “Các tập đoàn làm ăn thua lỗ nhưng chỉ “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm” thì đâu lại vào đấy. Thủ tướng phải cách chức người đứng đầu tập đoàn, cách chức người đứng đầu cơ quan chủ quản thì mới có tính răn đe. Phải "trảm" những quan chức làm việc thua lỗ, thất thoát để làm gương thì tình hình tham nhũng, làm ăn lỗ lã mới giảm bớt”.

Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thành Long, cho rằng: “Đau lòng thì ai cũng đau!... Với nguồn lực, ưu thế quá lớn mà DNNN chuyển biến quá chậm, quản lý DNNN còn chuyển biến chậm hơn và chưa thấy có dấu hiệu cải thiện cơ bản. Tái cấu trúc không đi liền với thay đổi cách thức điều động, bổ nhiệm, đánh giá, tuyển chọn, xác định cụ thể trách nhiệm, quyền lợi của bộ máy lãnh đạo và cả thi hành chế tài, cách chức, từ chức... thì khó lòng nâng cao hiệu quả của DNNN và đạt được mục tiêu như đã đặt ra”.

 
Phạm Hồ

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây