Giải quyết khiếu kiện đất đai sai phải bồi thường

Thứ năm - 24/01/2013 19:31 - Đã xem: 971
Hôm qua 22.1, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012 của Bộ TN-MT, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết trong năm cả nước đã cấp hơn 1,782 triệu giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng các loại đất lần đầu, nâng kết quả cấp GCN chung lên hơn 33,861 triệu giấy, với tổng diện tích 19,255 triệu ha.

Tuy nhiên, số lượng tồn đọng chưa cấp GCN còn khá lớn, khoảng trên 5,3 triệu thửa đất với tổng diện tích khoảng 2,1 triệu ha. Thủ tục cấp GCN ở một số địa phương còn phức tạp, chưa thực hiện đúng quy định; thời gian thực hiện thủ tục ở nhiều nơi, nhiều trường hợp kéo dài trong khi tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu trong việc cấp GCN còn diễn ra ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận, điển hình là tại TP.Hà Nội.

 

Giải quyết khiếu kiện đất đai sai phải bồi thường
Công tác cấp giấy chứng nhận tại nhiều địa phương hiện vẫn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Khiếu nại gay gắt hơn

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển, trong năm 2012, toàn ngành đã tổ chức tiếp 6.008 lượt với tổng số 10.908 người khiếu nại, trong đó có 288 lượt đoàn đông người. Nội dung khiếu nại việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện các dự án chiếm gần 60% số vụ việc. So với năm 2011, số lượt công dân đến Bộ khiếu nại giảm, nhưng số lượt đoàn đông người tăng, tính chất, mức độ có thời điểm gay gắt hơn.

Nguyên nhân để xảy ra các vụ việc tồn đọng, kéo dài trong lĩnh vực đất đai, theo khảo sát của Bộ TN-MT là một số chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân, khi phát sinh vụ việc đông người, phức tạp không tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, dẫn đến việc công dân gửi đơn, khiếu kiện vượt cấp, địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc. Một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và chưa phù hợp thực tế nên không dứt điểm, còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy, thấy sai không sửa. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các quyết định xử lý về tố cáo ở địa phương còn chậm; phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời, chặt chẽ và thống nhất, nhiều vụ việc còn có ý kiến khác nhau làm cho công dân tiếp tục khiếu kiện kéo dài…

Để hạn chế tình trạng này, Bộ TN-MT đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân; cơ quan giải quyết có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi giải quyết sai, xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan ở T.Ư cần tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân, nhằm phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp luật các trường hợp vi phạm. Mặt khác, Bộ TN-MT cho rằng cần tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục người dân, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình lợi dụng việc khiếu kiện để gây rối, kích động khiếu nại, tố cáo nhất là khiếu nại, tố cáo đông người.

 

Kiến nghị không thu phí để khuyến khích đăng ký

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển, năm 2013 sẽ tập trung thực hiện cấp 6,9 triệu giấy GCN để hoàn thành trên 85% diện tích các loại đất ở trên cả nước. Để làm được điều này, Bộ Xây dựng đang rà soát để sửa đổi Thông tư 16/2010 về cấp GCN cho căn hộ chung cư; phối hợp Bộ TN-MT kiểm tra hướng dẫn việc cấp GCN tại các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM. Ông Hiển kiến nghị không thu lệ phí trước bạ và thu tiền sử dụng đất đối với các gia đình sử dụng đất ở tại nông thôn trong hai năm 2013-2014 để khuyến khích việc thực hiện đăng ký đất đai...

Q.Duẩn - Đ.Sơn

 

SỚM BỔ SUNG THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRONG LÃNH VỰC ĐẤTĐAI ĐỐI VỚI BỘ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG
Theo quy định giải quyết đơn khiếu nại tranh chấp đất đai, hoặc hỗ trợ đền bù do thu hồi đất để triển khai các dự án, thì chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết lần cuối cùng sau khi chủ tịch UBND cấp huyện đã giải quyết , nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của chủ tịch UBND cấp tỉnh đương sự có thể khởi kiện tại tòa án. Tuy nhiên người dân đều làm đơn gửi vượt cấp ra trung ương hoặc cố tình lôi kéo người khác ra trung ương để khiếu kiện để đạt mục đích của mình, cũng có trường hợp Tòa án đã có quyết định giải quyết theo trình tự phúc thẩm, nhưng người dân vẫn khiếu kiện ra trung ương.. Do quy định của luật khiếu nại tố cáo thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu nại về lãnh vực đất đai là do UBND Tỉnh giải quyết cuối cùng, do vậy trong thời gian vừa qua cơ quan chuyên ngành về đất đai như Bộ tài nguyên môi trường như là người ngoài cuộc, phát hiện các địa phương giải quyết không đúng pháp luật về đất đai, có vị lãnh đạo Bộ chỉ biết phê phán qua báo chí, làm cho tình hình các địa phương có người dân khiếu kiện đã phức tạp, làm cho tình hình càng phức tạp hơn.
Để gắn trách nhiệm của Bộ tài nguyên môi trường trong việc giải quyết khiếu nại trong lãnh vực đất đai , là cơ quan am tường về luật đất đai, khi giải quyết về lãnh vực này chắc chắn người dân sẽ tin tưởng hơn. Đề nghị sớm bổ sung sửa đổi Luật khiếu nại tố cáo, Chính phủ ủy quyền cho Bộ tài nguyên môi trường là cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn lần cuối cùng , sau khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh mà đương sự vẫn tiếp tục khiếu kiện lên trung ương. Qua kết luận giải quyết cuối cùng của Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường, các địa phương phải chấp hành thực hiện. Có thực hiện được như vậy hy vọng trong thời gian đến tình hình khiếu kiện của người dân trong lãnh vực đất đai sẽ giảm.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây