Tội phạm về thuế: Nghiêm trọng

Thứ bảy - 08/06/2013 05:45 - Đã xem: 1047
Tình hình tội phạm trong lĩnh vực thuế đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa Cục Thuế TP HCM và Công an TP ngày 6-6, đại diện 2 cơ quan này đánh giá: Tội phạm trong lĩnh vực thuế ngày càng tinh vi và chắc chắn thời gian tới sẽ càng phức tạp hơn.

Đủ kiểu vi phạm

Theo báo cáo của Cục Thuế TP, qua 5 năm thực hiện quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế đã chuyển 1.486 hồ sơ và cung cấp 2.142 thông tin cho cơ quan công an.

Tuy vậy, Công an TP cho biết tổng số vụ vi phạm pháp luật về thuế do Công an TP thụ lý trong 5 năm qua chỉ 640 vụ vì không phải tất cả các hồ sơ, vụ việc do cơ quan thuế chuyển qua đều thụ lý điều tra, xác minh (chỉ điều tra, xác minh đối với các vụ việc có dấu hiệu phạm tội). Qua đó, cơ quan công an đã xử lý hình sự 11 vụ và xử lý hành chính 86 vụ. Tổng số thuế truy thu và phạt qua phối hợp 5 năm của 2 ngành là trên 228,54 tỉ đồng. Tội danh chủ yếu là trốn thuế; lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoàn thuế; lưu hành giấy tờ có giá giả; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ...

Ngành thuế rất vất vả trong việc đối phó, xử lý với các hình thức gian lận thuế.
Trong ảnh: Các đại diện doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM. Ảnh: HỒNG THÚY

Một số vụ điển hình như vụ án Bùi Hân cùng đồng bọn can tội “lưu hành giấy tờ có giá giả” và “trốn thuế” xảy ra tại TP HCM. Các đối tượng cấu kết với nhau thành lập nhiều doanh nghiệp (DN) nhằm mua bán một số lượng lớn hóa đơn GTGT (khoảng 3.000 hóa đơn, giá trị trên 350 tỉ đồng, thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng...). Tương tự là chuyên án
411 H về Nguyễn Văn Nhi cùng đồng bọn can tội “mua bán trái phép hóa đơn” và “trốn thuế”. Theo đó, từ năm 2008 đến 2011, Nhi và đồng bọn đã thành lập 10 DN để mua bán hóa đơn với doanh số sau thuế hơn 4.000 tỉ đồng, tiền thuế GTGT nhà nước bị thiệt hại hơn 390 tỉ đồng…

Ngoài ra, do quy định Thông tư 129 của Bộ Tài chính về thanh toán qua ngân hàng, nhiều DN “ma” đã phù phép trong việc thanh toán trong ngày để dễ dàng hợp pháp hóa quá trình mua bán hóa đơn, mua bán khống hàng hóa. Giá trị mua bán hóa đơn dao động từ 3%-7% trên doanh số hàng hóa.

Sơ hở trong cấp phép, hậu kiểm

Hiện tại, ngành thuế TP quản lý thuế 155.803 DN. Do kinh tế khó khăn kéo dài nên đã có 26.424 DN giải thể, 23.495 DN bỏ trốn và hơn 4.600 DN ngừng hoạt động có thời hạn.

Theo đại diện ngành thuế, Luật DN hiện đã khá thông thoáng nhưng cũng có nhiều kẽ hở. Để thành lập DN, chỉ cần “tiền đăng, hậu kiểm” nên chủ DN chỉ đăng ký, còn nội dung đăng ký như: nơi ở, số CMND, địa chỉ nơi đặt văn phòng... có thực hay không đều chưa được kiểm tra. Trường hợp người nước ngoài đứng tên làm giám đốc nhưng thời gian có mặt tại Việt Nam lại không thường xuyên song có thực sự bỏ vốn để kinh doanh hay không lại không phải là điều kiện bắt buộc để đăng ký kinh doanh… Những vấn đề này đang gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. “Cần nhanh chóng có cơ chế quản lý sau khi cấp phép nhằm giám sát hoạt động của DN” - đại diện Cục Thuế TP đề nghị.

 Cùng quan điểm, trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội 5, PC46 Công an TP, cho rằng tình hình hoạt động của tội phạm xảy ra trong lĩnh vực thuế đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Đối tượng xấu đã lợi dụng sự thông thoáng của Luật DN, Luật Thuế GTGT… để đăng ký thành lập DN hàng loạt nhằm lừa đảo và trốn thuế…

Ông Võ Sĩ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, thừa nhận khâu thủ tục cấp phép thông thoáng, đơn giản tạo thuận lợi cho DN nhưng đã vô tình tạo kẽ hở cho tội phạm. Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát sau khi cấp giấy phép lại rất khó khăn, nguyên nhân là do thiếu hụt rất lớn về nhân sự...

Cán bộ cũng gian lận thuế !

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, thời gian qua, việc phát hiện và xử lý vi phạm về thuế chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ trong số các vụ vi phạm. Thậm chí, có những cán bộ, viên chức nhà nước cũng cố tình che giấu, gian lận, không khai báo thuế khi cho thuê mặt bằng… Tâm lý đối đầu với cơ quan thuế gần như đã phổ biến. Theo ông Minh, chắc chắn thời gian tới, tình trạng tội phạm về lĩnh vực này sẽ còn gia tăng và phức tạp. Vì vậy, cơ quan thuế, công an và các ngành cần tăng cường phối hợp và chủ động kiểm tra, xử lý nhằm ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm này…

SƠN NHUNG


CẦN SỚM CÓ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG DOANH NGHIỆP MA TRỐN THUẾ NHÀ NƯỚC HIỆN NAY
Trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp được phép tự in hóa đơn thuế GTGT cộng với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp dễ dàng nên xuất hiện nhiều doanh nghiệp “ma” khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát, điều đó đã dẫn đến hệ lụy làm thất thoát ngân sách nhà nước. Trước đây theo quy định của Bộ Tài chính giao cho ngành thuế in hóa đơn và cấp phát cho các tổ chức doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán, nên việc quản lý doanh số bán ra của các đơn vị nhận hóa đơn tương đối chuẩn xác, mặc dù vẫn có một số đơn vị vẫn cố tình bằng nhiều cách gian lận doanh thu thông qua hóa đơn nhưng ngành thuế cũng phát hiện được và truy thu thuế. Còn đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua thực hiện theo nghị định Số: 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2010 của chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, thì thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp hết sức đơn giản không cần kiểm tra tài chính ban đầu mà doanh nghiệp đã đăng ký, không cần biết cụ thể địa chỉ doanh nghiệp kinh doanh ở đâu và chỉ cần trong vòng 5 ngày DN đã có giấy phép kinh doanh, do vậy đã ra đời hàng lọat các doanh nghiệp họat động. Có doanh nghiệp ra đời họat động rất tốt có trách nhiệm, tuy nhiên cũng có rất nhiều doanh nghiệp ra đời họat động mang tính chất lừa đảo, như. buôn bán hóa đơn tìm mọi cách để trốn thuế nhà nước. Nếu trước đây việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn VAT chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, chiếm đoạt tiền thuế thì hiện nay các đối tượng lại có những mánh mới: gian lận, chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước thông qua việc mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu... Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng. Thực tế đã xãy ra tại tỉnh Hải dương ,thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục Thuế tỉnh Hải Dương và Công an tỉnh Hải Dương trong đấu tranh phòng, chống hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp, Cục Thuế tỉnh Hải Dương đã xác minh được 42 doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có một số trường hợp mua bán hóa đơn khống; một số doanh nghiệp có kinh doanh nhưng không có hóa đơn đầu vào đã mua hóa đơn khống để hợp lý hóa, với doanh số hàng hóa dịch vụ mua vào là hơn 952 tỷ đồng, thuế GTGT là 69 tỷ đồng. Đây là họat động tội phạm buôn bán hoá đơn GTGT (VAT) rất nguy hiểm cho xã hội, thiệt hại đến ngân sách nhà nước. Để khắc phục tình trạng gian lận, trốn thuế nhà nước trong thời gian qua, đề nghị Bộ Tài chính nên giao cho ngành thuế in hóa đơn thuế giá trị gia tăng để cấp cho các tổ chức doanh nghiệp cho nhu cầu, không cho phép các doanh nghiệp tự in hóa đơn thuế giá trị gia tăng như trong thời gian vừa qua đã làm cho ngành thuế bất lực không kiểm soát được. Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư tham mưu cho Chính phủ sớm sửa đổi điều chỉnh lại nghị định 43 CP cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đòi hỏi phải đủ năng lực về tài chính, trước khi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp thì cơ quan có chức năng phải hết sức thận trọng xác minh cụ thể khả năng tài chính của doanh nghiệp, trụ sở mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp; do vậy đòi hỏi phải có thời gian từ 10 đến 15 ngày để kiểm tra xác minh chứ không phải 5 ngày như quy định hiện nay. Đồng thời phải xác định cụ thể người đăng ký làm giám đốc phải có năng lực trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề đã đăng ký, tránh trường hợp đã xãy ra doanh nghiệp thuê người không có trình độ chỉ biết nhận lương làm giám đốc nhưng hậu quả pháp lý xãy ra thì doanh nghiệp không chịu trách nhiệm, cuối cùng thiệt cho xã hội, thiệt cho ngân sách nhà nước, quan điểm không chạy theo số lượng cấp đăng ký doanh nghiệp ít nhưng chất lượng, sẽ hạn chế gây hậu quả về mặt kinh tế và xã hội đối với nước ta.

MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây