Cắt, giảm các khoản để bù vào lương “tối thiểu”

Thứ tư - 05/06/2013 23:11 - Đã xem: 962
Nghị định 103 của Chính phủ quy định từ ngày 1.1.2013 bắt đầu thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng (LTT) cho NLĐ. Sau hơn 4 tháng áp dụng tại nhiều KCX, KCN trên địa bàn TPHCM, CN được hưởng mức LTT vùng cao nhất (2,35 triệu đồng/tháng - vùng I), thực tế thu nhập tăng không đáng bao nhiêu.


Trong khi đó, công nhân phải đóng thêm tiền BHXH và DN tìm cách cắt giảm các khoản khác để bù vào cái “tối thiểu” này.

Tăng, nhưng không đủ sống

Gần 21h tối, chợ nhỏ trên đường Phan Văn Hớn (Q.12) bắt đầu nhộn nhịp vì CN tan ca tranh thủ đi chợ cho cả ngày hôm sau. Chị Lệ - CN Cty may Lâm Hưng - ghé hàng trứng ở đầu chợ mua 3 quả, xong chị lại chạy ngược xuống cuối chợ mua bó rau muống, vào hàng tạp hóa cuối hẻm để mua một ít gia vị. Như phân trần cho sự đi lại đến chóng mặt của mình, chị Lệ cười: “Trứng bây giờ đắt lắm, ai cũng tăng giá, chỉ có hàng đầu chợ là rẻ. Rau dưa cũng vậy, phải lựa hàng nào thật rẻ, chi phí cái gì cũng đắt đỏ mà lương chẳng tăng là bao!”.

Hỏi về lương, chị thở dài: “Trước đây, tổng thu nhập của em là 4,5 triệu đồng/tháng, nghe đâu Chính phủ tăng LTT, rầm rộ lắm nhưng sau khi tang, lương em cũng chỉ chừng đó!”.

Chị Lệ giải thích, trong năm 2012, Cty trả lương cơ  bản cho CN là 2,1 triệu đồng/tháng, khi thực hiện quy định tăng lương của Chính phủ thì Cty cũng tăng. Thế nhưng, việc tăng lương thực tế là để đối phó, bởi Cty lại cắt đi khoản phụ cấp nhà trọ 200.000 đồng của CN. Thế là “huề cả làng”- chị Lệ chua chát.

Anh Tùng - CN tại Cty TNHH thép TH, P.Tân Thới Nhì, Q.Hóc Môn - phản ánh, Cty anh hiện vẫn trả lương cho CN mức 2,2 triệu đồng. Do Cty ít người, chỉ sử dụng 9 lao động nên CN cũng không thắc mắc, bởi ngoài lương thì giám đốc lại hỗ trợ các khoản khác như tiền xăng, nhà trọ, ăn uống... tính ra mỗi tháng thu nhập cũng được khoảng 4,3 triệu đồng.

Tình trạng Cty tư nhân không điều chỉnh LTT như Cty T.H không phải hiếm, phía NLĐ lại không nắm được quy định về LTT nên cũng chẳng phản ứng gì. Chính vì thế, nói là LTT tăng nhưng thực tế thu nhập của CN không tăng, hoặc tăng chẳng là bao nên khi được hỏi, nhiều CN không giấu vẻ thất vọng: “Nghe tăng lương ai cũng mừng, nhưng đến khi áp dụng vào thực tế thì vẫn không thay đổi được gì!”.

Tăng không đáng

Đầu năm 2012, khi Bộ LĐTBXH đưa ra 3 phương án điều chỉnh LTT vùng gồm: Phương án 1, tăng 2,7 triệu đồng/tháng; Phương án 2 tăng 2,5 triệu đồng/tháng; Phương án 3 tăng 2,35 triệu đồng/tháng (đối với vùng I). Nhiều DN đã dự đoán, Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng ở mức cao nhất theo phương án 1 là 2,7 triệu đồng; cho nên không ít DN đã chủ động tính toán, điều chỉnh các phương án, chi phí sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Thực tế, từ trước khi có quy định tăng lương tối thiểu lên 2,35 triệu đồng/tháng nhiều DN đã có mức lương cơ bản cao hơn LTT mới.

“Lương cơ bản của em trước khi tăng LTT đã là 2,5 triệu đồng, nên khi tăng lương tối thiểu chị em CN cũng không có cớ đòi hỏi. Trong khi đó, lấy lý do tăng LTT thì mọi chi phí, giá cả đều tăng lên chóng mặt. Tiền nhà tăng lên 100.000 đồng/tháng, chưa kể xăng tăng, chi phí đi lại tăng, giá cả ngoài chợ cũng tăng. Lương thì như cũ mà chi phí lại phải bỏ ra nhiều hơn” - chị Lụa - CN KCX Tân Thuận - bộc bạch.

Từ năm 1993 đến tháng 10.2006, có tới 7 lần điều chỉnh LTT. Từ tháng 1.2003 đến tháng 1.2013 đã 9 lần điều chỉnh, bình quân mỗi năm 1 lần điều chỉnh LTT, mức cao nhất sau các lần điều chỉnh là 2,35 triệu đồng/tháng, bắt đầu từ ngày 1.1.2013 (vùng I). Thực tế mức tăng này hầu như không có ý nghĩa đối với một số CN. Đơn cử, Cty nhựa Duy Tân, (Q.Bình Tân) điều chỉnh lên 2,7 triệu/tháng, Cty Berzen (Q.Bình Tân) điều chỉnh 2.490.000 đồng/tháng, Cty Freetrend (ở KCX Linh Trung I) cũng đã điều chỉnh cho hàng ngàn CN từ 2,7 triệu đồng lên 3 triệu đồng/người/tháng...

Chị Lan Anh - CN may tại KCX Tân Thuận, Q.7 - than: “Thử hỏi, CN chúng em làm được gì với khoản tiền 2.350.000 đồng/tháng, có chăng chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu như nhà trọ, ăn uống, đi lại. Trong khi đó, bạn em làm ở một Cty giày dép, lương cơ bản đã là 2,4 triệu đồng/tháng. CN liên tục yêu cầu tăng lương, ông chủ cũng tăng lên 300.000 đồng/tháng nhưng lại cắt tiền hỗ trợ nhà trọ 200.000 đồng, xăng xe 100.000 đồng. Gọi là hỗ trợ nên khi CN hỏi thì DN bảo khó khăn nên không hỗ trợ nữa, thu nhập mỗi tháng lại giảm đi vì phải tăng tiền đóng BHXH. Tăng như vậy thì tăng làm gì, chả đáng!”.

 
Bà Diệp Thị Hương – GĐ Phòng hành chính, tổng hợp Cty TNHH chế tạo động cơ Zongshen VN (KCN Quang Minh, Mê Linh- Hà Nội): “Dù khó khăn, Cty vẫn đảm bảo tăng LTT cho NLĐ”. Hiện, Cty chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong SXKD do ít đơn hàng, sản phẩm khó tiêu thụ. Nhưng lãnh đạo cố gắng tìm mọi biện pháp cùng NLĐ từng bước khắc phục khó khăn và vẫn đảm bảo tăng LTT cho NLĐ. Ngoài ra, Cty còn lên kế hoạch tạo điều kiện cho nhiều LĐ ở bộ phận sản xuất ít đơn hàng chuyển sang làm công việc khác nhằm đảm bảo ngày công, Nhờ đó, NLĐ được lĩnh đủ lương, thu nhập ổn định.

Ông Tăng Bá Cường - Chủ tịch HĐQT Cty CP sản xuất và thương mại Phúc Tiến - Vĩnh Phúc: “Thu nhập của CNLĐ không đảm bảo được chất lượng cuộc sống”. So với mức LTT theo quy định tại Nghị định 103/2012/NĐ-CP, Cty chúng tôi chưa gặp vấn đề gì quá khó khăn. Bởi trước đó, chúng tôi đã trả lương cho NLĐ với mức lương cao hơn rồi (bình quân lương của Cty là 4.500.000đ/người/tháng, thấp nhất trên 3.000.000đ/tháng). Ngoài đóng BHXH, BHYT, chúng tôi còn đóng cả BH thân thể cho tất cả anh chị em trong Cty. Tuy  nhiên, mức thu nhập của NLĐ làm việc ở các KCN-CX tại các đô thị, TP lớn thì không đảm bảo được chất lượng cuộc sống, chưa nói đến các khoản chi phí cho việc ăn học của các con, tiền thuốc men khi trong gia đình có người bị ốm đau.

Ông Đặng Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV Cty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi, Q.1, TPHCM: “Tăng LTT chưa là giải pháp giải quyết khó khăn cho CN”. Thực tế, mức lương cơ bản của CN ở nhiều DN đã cao hơn mức LTT mới. Nhưng khi có quy định mới về tăng LTT, tâm lý NLĐ là cũng phải được tăng lương, đó là áp lực quản lý rất lớn. DN muốn ổn định, giữ chân NLĐ thì vẫn phải tăng, nhưng DN buộc sẽ giảm một số khoản hỗ trợ khác để đảm bảo ổn định chi phí sản xuất. Khi cắt giảm như vậy thì cả DN và NLĐ đều chịu thiệt vì tăng các khoản đóng BHXH, giá cả sinh hoạt cũng tăng lên khi LTT tăng, ảnh hưởng đến đời sống NLĐ. Trong những hoàn cảnh, giai đoạn chưa phù hợp thì tăng LTT chưa phải là giải pháp giải quyết khó khăn cho CN.

Anh Hoàng Xuân Thái - Chủ tịch CĐ Cty Furukawa Automotive Parts Việt Nam, KCX Tân Thuận, TPHCM: “Nâng cao vai trò đại diện của CĐ”. Theo Bộ luật LĐ 2012 áp dụng ngày 1.5.2013 đã bãi bỏ hình thức phải đăng ký thang, bảng lương thay bằng việc NSDLĐ chỉ cần sao gửi thang, bảng lương cho cơ quan, tổ chức có liên quan để quản lý, theo dõi... Đây là một cái khó đối với NLĐ và với tổ chức CĐ. Trước đây, Luật quy định: NSDLĐ phải đăng ký thang, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước và phải được duyệt trước khi thực hiện trong DN mà DN còn sai phạm. Nếu chỉ cần gửi bản sao, không cần ai duyệt thì việc nhà nước khuyến khích DN trả lương cơ bản cao hơn LTT thì e rằng khó thực hiện. Trong những trường hợp này, CĐ cần phải nâng cao vai trò đại diện của mình trong việc xây dựng thang bảng lương, giám sát việc trả lương để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Anh Nguyễn Văn Mới - CN Cty CP thép Việt Đức (KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc): Được tăng lương hơi muộn, nhưng cần thiết. “Tôi thấy việc Nhà nước quyết định điều chỉnh tăng lương cho CN là rất hợp lý, tuy hơi muộn. Mong muốn của chúng tôi là DN làm ăn ngày càng tốt, sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết. Có như vậy thì chúng tôi mới có cơ hội được tăng lương và DN mới đủ khả năng chi lương cho CN, chứ không phải chờ đến khi có quy định của Nhà nước”.

Lê Thị Thanh Tâm - CN bộ phận hoàn thành xưởng 2, Cty TNHH Cosmos 1 (KCN Thụy Vân, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ): Được tăng lương nhưng vẫn khó khăn. “Cũng như nhiều CN khác, thông qua tổ chức CĐ, chúng tôi được biết từ đầu năm nay, Nhà nước quy định phải tăng lương tối thiểu cho CN ở các DN. Thu nhập của tôi đã tăng gần 1 triệu đồng, riêng lương cơ bản tăng khoảng 450.000 đồng, các khoản phụ cấp không bị cắt giảm, vì thế tổng thu nhập của tôi được khoảng 4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này khiến cuộc sống của tôi tuy còn nhiều khó khăn, nhưng dù sao cũng phấn khởi hơn năm trước”.

Nhóm PV

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây